Báo Công An Đà Nẵng

Hai Bộ trưởng trả lời chất vấn nhiều vấn đề nóng

Thứ ba, 14/08/2018 07:41

Ngày 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch đầu tư; Tài chính, Giao thông Vận tải, GD-ĐT, LĐ-TB&XH, VH-TT&DL, Tư pháp... và các cơ quan liên quan. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, điểm cầu Đà Nẵng do ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng chủ trì với sự tham dự của đại diện các sở, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm. Đề nghị các Bộ trưởng trả lời rõ các vấn đề được chất vấn, trong đó xác định trách nhiệm và nêu giải pháp, lộ trình khắc phục những hạn chế.

Cần tích hợp các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về nhóm vấn đề: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế...), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến thì vùng dân tộc thiểu số (DTTS)  và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú của 53 DTTS với gần 13,4 triệu người. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về QPAN, môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch... Bên cạnh những mặt đạt được, vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn còn là vùng khó khăn nhất của đất nước, tỷ lệ hộ nghèo DTTS vẫn rất cao, tỷ lệ tái nghèo cao do kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững

Trả lời chất vấn của các đại biểu Bùi Sĩ Lợi , Ma Thị Thúy, Y Nhàn về giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đối với vùng DTTS đặc thù..., Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết đây là những vấn đề  day dứt, trăn trở của nhiều cấp lãnh đạo và cá nhân Bộ trưởng. Về các giải pháp thời gian tới, theo BT Đỗ Văn Chiến thì quan trọng là phải ổn định dân cư; tạo sinh kế cho đồng bào DTTS như: đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề cho thanh niên DTTS để có việc làm, tăng thu nhập; tạo đầu ra cho sản phẩm, kết nối thị trường; tăng cường vận động bà con tự vươn lên, không trông chờ vào Nhà nước. BT Đỗ Văn Chiến mong muốn tích hợp các chính sách về phát triển vùng DTTS thành một Chương trình mục tiêu Quốc gia về đầu tư hỗ trợ đồng bào DTTS vì hiện nay có rất nhiều chính sách, dự án, nhiều đầu mối quản lý dễ dẫn đến chồng chéo, kém hiệu quả. Về số xã nghèo khu vực 3 (đặc biệt khó khăn) tăng so với trước, theo BT Chiến thì do tiêu chí nghèo đã được thay đổi, suất đầu tư cho xã diện 135 chỉ 1 tỷ đồng/năm là quá thấp. Thời gian tới, ông đề nghị cần xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cho vay ưu đãi, giảm việc “cho-tặng vì sẽ dẫn đến tình trạng dựa dẫm, nhiều người không muốn ra khỏi diện hộ nghèo.

Sau khi nghe các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp thu các ý kiến; đồng thời khẳng định phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu phát triển bền vững, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng. Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách bố trí, huy động nguồn lực, nỗ lực tổ chức thực hiện nhằm phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói: “Hiện nay, chúng ta ban hành 116 chính sách đối với dân tộc thiểu số và miền núi, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên, trong thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, do đó để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu đặt ra trong hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 và các chương trình mục tiêu, dự án khác; tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách cho các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số; xây dựng và triển khai đề án xây dựng nông thôn mới tập trung cho các thôn, bản thuộc xã khó khăn... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có các giải pháp thu hút đầu tư mạnh mẽ để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các dân tộc thiểu số; đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở trên 3 phương diện: đầu tư xây dựng bệnh viện huyện, trạm y tế xã, đào tạo nhân lực y tế, hỗ trợ bảo hiểm y tế; khẩn trương rà soát, ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án di dân tái định cư tại các vùng trọng điểm...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận các kiến nghị tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đặc biệt kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc tích hợp chính sách một chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc miền núi và các bộ, ngành khác tổng kết, đánh giá thật kỹ, có đề xuất thật khoa học về vấn đề này.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn chất vấn từ điểm cầu Đà Nẵng.

Sẽ tăng cường nhiều biện pháp phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tập trung vào nhóm vấn đề: Công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy...

Theo báo cáo của Bộ Công an từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra gần 100 vụ giết người, cướp tài sản; khoảng 1.000 vụ giết người do nguyên nhân tâm lý, xã hội. Tình hình tội phạm về kinh tế, chức vụ vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân. Từ năm 2017 đến nay đã phát hiện  26.599 vụ vi phạm, tội phạm về kinh tế và 363 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Khởi tố mới 2.410 vụ/3.159 bị can về án kinh tế và 327 vụ/617 bị can về án tham nhũng. Thu hồi tài sản án kinh tế gần 24.000 tỷ đồng (đạt 44,84%) và tài sản án tham nhũng gần 2.700 tỷ đồng (đạt 38,76%).

Theo Bộ Công an, phương thức, thủ đoạn tội phạm kinh tế, tham nhũng rất đa dạng và tinh vi. Trong đó, tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các đối tượng thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư dưới các hình thức như thành lập các công ty "sân sau", "công ty gia đình" dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án; thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước... "Sự móc nối giữa hai khu vực trong và ngoài Nhà nước tạo thành chu trình khép kín, lợi dụng các khe hở của cơ chế, chính sách để hoạt động phạm tội, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn"- báo cáo của Bộ Công an nêu rõ. Lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai cũng diễn biến phức tạp. Bộ Công an cho biết đã phát hiện 14.629 ha đất cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái pháp luật, 78.486 ha đất bị lấn chiếm. Xảy ra tình trạng câu kết giữa chủ đầu tư với cán bộ địa chính điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không đúng quy định gây "cơn sốt" về thị trường bất động sản; thông đồng trong định giá thấp hơn thực tế quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Tình hình hoạt động của tội phạm tại các TP lớn diễn ra phức tạp, riêng Hà Nội và TP HCM chiếm khoảng 20% số vụ phạm pháp hình sự toàn quốc. Tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam được phát hiện ngày càng nhiều với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia, nổi lên là tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng để làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, rút tiền qua máy ATM, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện giao dịch bằng thẻ nội địa không qua hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia; hoạt động lừa đảo trên mạng xã hội như facebook, zalo, viber bằng việc làm quen, tạo lòng tin, hứa gửi tặng tiền, quà có giá trị lớn... sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm thủ tục thông quan để chiếm đoạt; kinh doanh đa cấp, đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng...

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy về việc Bộ Công an cấp 500 biển số xanh cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng việc cấp phép là đúng theo thông tư của Bộ Công an tuy nhiên về quy định chung thì chưa đúng, hiện đã thu hồi gần như toàn bộ, chỉ còn khoảng 20 biển số do các đơn vị quản lý phương tiện đã giải tán hoặc xe đã hết niên hạn sử dụng. Trả lời chất vấn của ĐB Lưu Bình Nhưỡng về vi phạm của một số tướng lĩnh Công an, trong đó nổi nhất là vụ án Vũ “nhôm”, Bộ Công an đã rà soát hết chưa, liệu có biện pháp nào để ngăn chặn những vụ tương tự... Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện nay Bộ CA đã khởi tố 5 vụ án liên quan đến  Vũ “nhôm”, trong đó đã đưa ra xét xử 1 vụ, xử lý 2 tướng lĩnh CA liên quan. Ông cũng cho biết đây là bài học đắt giá của ngành CA về công tác quản lý cán bộ và chắc chắn sẽ không để xảy ra những vụ tương tự, không có vùng cấm trong xử lý cán bộ Công an vi phạm.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Anh Trí về tình hình gian lận điểm thi kỳ thi THPT năm 2018,  Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện nay cơ quan CA đã khởi tố 3 vụ án về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Ông cũng cho biết đây là thủ đoạn mới, chắc chắn những kỳ thi trước cũng có nhưng chưa được phát hiện. Để khắc phục tình trạng này, Bộ CA phối hợp với Bộ GD-ĐT có những quy định cụ thể chặt chẽ để quản lý các khâu: ra đề thi, coi thi, quản lý bài thi, chấm thi... Đối với các vụ án đã được phát hiện, cơ quan CA sẽ tiếp tục điều tra, xử lý, không có giới hạn nào để vi phạm không bị xử lý. “Không chỉ riêng 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, nếu các địa phương khác  phát hiện có dấu hiệu vi phạm về gian lận điểm thi cũng sẽ bị điều tra, xử lý...”. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Về công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội ở các thành phố lớn, bên cạnh các giải pháp về  tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm trong nhân dân; quản lý đối tượng, tăng cường tuần tra kiểm soát... Bộ trưởng Tô Lâm cũng hoan nghênh mô hình các tổ chức “ hiệp sĩ” tham gia phòng chống tội phạm và cho biết sắp tới Bộ Công an sẽ có các quy định cụ thể, hướng dẫn các mô hình vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm hoạt động đúng pháp luật. Xác lập các chuyên án, đấu tranh triệt phá các băng ổ nhóm cướp, cướp giật; khẩn trương điều tra, xử lý các vụ án xảy ra; phối hợp TP HCM quản lý các tụ điểm có thể có các đối tượng ẩn nấp để gây ra các vụ cướp, cướp giật, cờ bạc trá hình; quản lý các điểm games online, bắn cá... tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh các hoạt động tội phạm. Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phòng chống tội phạm, thiết kế các hệ thống bảo đảm an ninh an toàn. Về tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây ra... Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ phối hợp quản lý, đưa vào các cơ sở chữa bệnh, không để đối tượng gây án. Đối với việc làm giả hồ sơ đối tượng tâm thần nhằm trốn tránh pháp luật, hiện cơ quan CA đã khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng tiếp tay cho việc làm giả hồ sơ đối tượng tâm thần để đối tượng phạm tội được hưởng chính sách hình sự. Đối với đối tượng tìm cách gian lận giả hồ sơ tâm thần sẽ phối hợp với ngành y tế rà soát, kiểm tra, giám định không để các đối tượng phạm tội lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.

K.T