Hai câu chuyện và đôi điều muốn nói
(Cadn.com.vn) - 1. Sau Ngày Nhà giáo Việt Nam, một người bạn gặp tôi, gương mặt đầy suy tư, kể: Hôm 20-11, khi chở con gái (học lớp 3) đến trường, cháu đòi bố mua cho một bông hoa hồng được bày bán trước cổng trường để tặng cô giáo. So với những bông hồng trong các shop hoa, những đóa hoa bày bán trước cổng trường không tươi và đẹp bằng. Thế nên, thoạt đầu bạn không có ý định chiều theo ý con. Bạn dự tính chiều trước khi đến đón con về sẽ ghé vào shop hoa tươi chọn một lẳng hoa đẹp để tặng cô giáo, nhưng vì con gái cứ đòi nằng nặc nên cuối cùng đành chiều theo ý con.
Chiều khi đến trường đón con về, bạn giật mình trước những biểu hiện khang khác trên gương mặt con trẻ. Linh cảm mách bảo có chuyện gì đó khiến cháu bị sốc. Cháu im lặng, không nói một lời nào từ lúc rời trường đến khi về nhà. Vợ chồng bạn tìm cách gặng hỏi, cuối cùng cháu bật khóc kể, trưa hôm đó, trong giờ ra chơi, cháu thấy cô gom những bông hoa mà cháu và các bạn tặng lúc sáng đem bỏ... vào sọt rác! Kể xong, cháu tức tưởi nói: “Cô không thích hoa chúng con tặng, phải không ạ? Từ đây trở đi con sẽ không bao giờ tặng hoa cho cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 nữa!”. Bạn tôi phải khéo léo giải thích: “Không phải thế đâu. Do hoa héo nên cô mới buộc lòng làm thế thôi!”. Nhưng con gái bạn vẫn không tin. Nó tấm tức khóc rất lâu. Với nó, niềm tin và hình ảnh về cô giáo đã hoàn toàn bị sụp đổ.
Kết thúc câu chuyện, bạn tôi chia sẻ: “Thực tế, những bông hoa được bày bán trước cổng trường không thể tươi, đẹp bằng những bông hoa trong shop. Chuyện cô giáo vì hoa không còn tươi đem bỏ vào thùng rác cũng là chuyện bình thường. Nhưng giá như, cô giáo làm việc ấy kín đáo, tế nhị hơn, đừng để cho bọn trẻ nhìn thấy thì hay biết bao? Trẻ con mà, chúng ngây thơ, trong trẻo như tờ giấy trắng, luôn tin tưởng cô giáo sẽ trân trọng những món quà nhỏ nhưng ẩn chứa tình cảm rất chân thành, hồn nhiên mà chúng dành tặng cho cô...”.
Cũng nhân câu chuyện tặng hoa cho cô giáo Ngày 20-11, một người bạn khác kể lại rằng, có cô giáo còn nhờ học sinh đem những bông hoa học trò tặng cho mình bỏ vào thùng rác. Học trò ôm hoa đi bỏ thùng rác mà lòng buồn rười rượi và về kể lại cho mẹ nghe...!
Học sinh luôn dành hết tình cảm vào những bông hoa tặng cô giáo ngày 20-11 (ảnh minh họa). Ảnh: L.Đ |
2. Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới dự một buổi chào cờ trang nghiêm, thành kính đến vậy. Đó là lễ chào cờ kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức sáng 17-11 vừa qua. Tại buổi chào cờ này, các thầy cô cất cao bài hát Quốc ca. Không hiểu sao, trong không khí trang nghiêm ấy, tôi lại nhớ đến câu hỏi của một học sinh đã đặt cho mình cách đó không lâu: “Cháu thấy có nhiều lễ chào cờ, người lớn không hát Quốc ca. Phần hát Quốc ca được giao lại cho máy hát. Nếu có thì cũng chỉ mấp máy môi mà thôi. Sao người lớn không hát Quốc ca? Quốc ca là của cả dân tộc, đâu chỉ để dành riêng cho HS-SV hát?”.
Câu hỏi của cậu học trò đó khiến tôi giật mình, không biết trả lời thế nào cho phải. Bởi điều mà cậu học trò ấy nói hoàn toàn có cơ sở. Nhiều lễ chào cờ mà tôi được dự tại các hội nghị, hội họp, phần lớn là băng đĩa hát thay cho người dự họp. Còn người dự lễ chỉ đứng nghiêm, nếu có cũng mấp máy môi, không phát thành tiếng!
3. Có thể với nhiều người, 2 mẩu chuyện trên chỉ là những chuyện rất... nhỏ. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ, có thể thấy nó không hề nhỏ chút nào. Câu chuyện ở đây chính là vấn đề làm gương trong giáo dục. Ai đó từng nói, học trò chính là tấm gương phản chiếu lại phương pháp giáo dục của người thầy và của cả gia đình. Đừng nghĩ trẻ nhỏ suy nghĩ không chín. Có những vấn đề khi trẻ nhỏ đặt ra khiến người lớn phải giật mình nhìn lại mình!
Khánh Yên