Báo Công An Đà Nẵng

"Hai dấu mốc phát triển quan trọng"

Thứ hai, 07/09/2020 07:35

Ngày 31-8-2020, với tiêu đề: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu hết sức quan trọng.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập đến “hai dấu mốc phát triển quan trọng”: (1) Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; (2) Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có thể nói, đây là hai “dấu mốc”, mục tiêu mang tính lịch sử (gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai), tính chiến lược (có tầm nhìn xa), tính logic (giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư duy và hành động, giữa thống nhất và gắn kết ý Đảng với lòng dân) và tính tất yếu (sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của toàn thể nhân dân thì đây là xu thế, là cái “đương nhiên” chúng ta phải đạt được, không thể chối cãi hay phủ nhận), tính hội nhập (không thể thụt lùi trong phát triển kinh tế-xã hội), tính biện chứng, kế thừa (thực hiện được mục tiêu 100 năm thứ nhất là nền tảng cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu 100 năm thứ hai; mục tiêu 100 năm ngày thành lập nước là sự thăng hoa, phát triển từ mục tiêu 100 năm ngày thành lập Đảng).

Nếu tính đến 100 năm ngày thành lập Đảng, chúng ta còn 10 năm để phấn đấu; nếu tính đến 100 năm ngày thành lập nước, chúng ta còn 25 năm để nỗ lực. Đặt trong toàn bộ dòng chảy lịch sử (từ khi thành lập Đảng đến nay), từ giác độ nhận thức luận mà nói, đó là những mô-đun thời gian không quá dài nhưng chắc chắn là kết quả của một nhận định mang tính khoa học cao. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước đưa ra nhận định: “Xã hội cơ bản ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao (tỷ lệ hộ nghèo từ 58% (năm 1993), 9,88% (năm 2016) giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2020). Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, v.v... có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi trội”. Trải qua 27 năm (1993-2020) chúng ta đã biến 58% hộ nghèo xuống còn 3% thì cần 10 năm để biến một đất nước có thu nhập trung bình thấp thành thu nhập trung bình cao không phải không có cơ sở; cần thêm 15 năm sau đó để trở thành quốc gia có thu nhập cao cũng không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Để đạt được hai dấu mốc quan trọng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã vạch ra (mà chúng tôi tạm gọi là “hai dấu mốc 100 năm”) cần sự quyết tâm cao độ của mỗi chúng ta; cần có lòng tin sắt đá của mỗi người dân Việt Nam; cần có sự kiên định, thái độ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; cần có sự thống nhất, đoàn kết của tất cả tầng lớp nhân dân và hơn hết, cần “...tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, v.v..., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Nhìn lại 90 năm ngày thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước, 45 năm giải phóng niềm Nam thống nhất đất nước, gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới mà đặc biệt là thành quả của những năm gần đây nhất, chúng ta có quyền tự hào về những gì mà dân tộc Việt Nam đã đạt được. Có cái nhìn xuyên suốt lịch sử như thế để thấy rõ việc xác định “hai dấu mốc 100 năm” là một sự lựa chọn tất yếu mang tính lịch sử.

Đó là động lực căn bản để chúng ta phấn đấu hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đó là phương hướng, kim chỉ nam cho hành động để thống nhất về tư tưởng chỉ đạo, biện pháp thực hiện; đó cũng chính là sự hội tụ cao nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”; đó là kết quả của quy luật phát triển lịch sử xã hội và biểu hiện tập trung ý chí, nguyện vọng của Đảng và nhân dân.

“Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” là ý chí, nguyện vọng cũng là yêu cầu của thời đại đối với Đảng – một sứ mệnh thiêng liêng. Đó là “định hướng giá trị” một cách toàn diện nhất để phát triển con người một cách toàn diện. Mỗi thời đại đều không ngừng sáng tạo những giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội nhưng nếu không có mục tiêu rõ ràng, biện chứng, logic thì cũng khó thực hiện được những “ước mơ lớn”. Do đó, việc xác định mục tiêu phát triển quan trọng gắn với “hai dấu mốc 100 năm” của người đứng đầu Đảng cho thấy tính logic lịch sử, tính thống nhất cao độ giữa giá trị lý luận và giá trị thực tiễn, tính trách nhiệm của một chính Đảng chân chính: tất cả vì nhân dân (minh chứng hùng hồn là bài phát biểu với độ dài khoảng 15 trang giấy, dung lượng gần 7.000 từ mà đã có đến 7 từ “dân chủ”, 17 từ “dân tộc”, 29 từ “nhân dân”).

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều vấn đề cần phải được đặt ra và giải quyết, nhiều lĩnh vực cần phải tổng kết rút kinh nghiệm, nhiều nhiệm vụ cần phải được thực hiện,... nhưng với bài phát biểu từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là một điểm nhấn, một dấu mốc, một tổng kết, một phương châm-phương hướng; một chỉ đạo mang tầm chiến lược để thực hiện sứ mệnh lịch sử của Đảng - một chính đảng luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Với tinh thần quyết tâm cao độ của toàn hệ thống chính trị và khí thế, hào khí của dân tộc Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu gắn với “hai dấu mốc phát triển quan trọng” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đặt ra.

TS PHẠM ĐI

 (Học viện Chính trị quốc gia HCM, Học viện Chính trị khu vực III)