Hai kỷ niệm về Cục Chính trị Quân khu 5
(Cadn.com.vn) - Ngày 22-3-1947, Phòng Chính trị Khu 5 nay là Cục Chính trị Quân khu 5 được thành lập. Trải qua 70 năm với nhiều tên gọi khác nhau, Cục Chính trị Quân khu 5 không ngừng trưởng thành, xứng đáng với sự tin yêu của LLVT Quân khu. Nhân dịp này, chúng tôi gặp gỡ nhiều nhân chứng để hiểu hơn về chặng đường lịch sử vẻ vang Cục Chính trị trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế.
Đại tá Nguyễn Văn Chước trò chuyện với tác giả về những kỷ niệm ở Cục Chính trị. Ảnh V.M |
1. Gian khổ vẫn niềm tin chiến thắng
Đại tá Võ Cao Lợi, nguyên cán bộ Ban Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị là người có 7 năm gắn bó với Cục trong chống Mỹ, cứu nước. Ông kể: "Sau đợt Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, địch phản kích dữ dội nên cơ quan Cục Chính trị rút sâu vào núi, rừng rậm hơn. Vùng giáp ranh địch kiểm soát chặt, cửa khẩu bị bít, mọi đường tiếp tế lương thực, thực phẩm bị cắt, cơ quan không có gạo ăn. Ăn sắn nhưng cũng không đủ no. Đói, nhiều đêm không ngủ được. Thời tiết lại khắc nghiệt, trời lạnh, âm u suốt ngày. Sốt rét, ghẻ lở, ốm đau là chuyện thường xuyên. Để đỡ đói, chúng tôi tìm hái các loại rau rừng như môn dóc, môn thục, ngọn đót, trái gắm... để ăn thêm".
Miên man trong ký ức, Đại tá Võ Cao Lợi nhớ về những bữa cơm hơn cả yến tiệc. Lợi nhỏ tuổi nhất, mẹ bị giặc sát hại trong vụ Sơn Mỹ nên các anh rất thương. Một lần chuẩn bị ngủ thì nghe tiếng lay khẽ: "Lợi ơi! Ra đây anh bảo". Gọi khẽ vì gạo ít quá không thể "thông báo" hết các bộ phận. Nhìn những chén cơm thơm mùi gạo quen thuộc còn bốc khói, bất giác cậu chảy nước mắt. Một lần khác, Lợi được Ban Dân - Địch vận cho ăn cháo gà. Cháo rất loãng và cũng không nhiều, nhưng ngon không tả được. Hương vị đâu chỉ một lần, bởi sau đó, cậu được biết xương gà bỏ ra sẽ được nấu "súp" một lần nữa mà trước đó vô tình Lợi đã quăng vào một góc.
Thứ mà mọi người ăn thường xuyên cho đỡ đói lúc đó là trái gắm. Mỗi ngày Lợi phải đi vòng quanh Cục ít nhất một lần để đưa công văn, điện... Ban Văn học ở xa nhất nên thường đến sau cùng cũng là lúc gần bữa ăn trưa, hoặc chiều nên cậu thường được ăn trái gắm với các anh. Lúc này Ban gồm các nhà văn Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Trần Huy Vĩnh Ổn, Hồ Ngọc Sơn, Hà Giao, Ngân Vịnh... Nhà văn Nguyên Ngọc làm Trưởng ban phụ trách. Trái gắm tròn dẹp hao hao giống trái cau nhưng nhỏ hơn, chỉ có ở rừng già. Nó chẳng có mùi vị gì, vỏ rất chát. Hột có cơm, muốn ăn phải rang hoặc nướng. Thật ra vì đói mới ăn gắm, chứ nó chẳng bổ béo gì. Chẳng thế mà nhà thơ Thu Bồn đã viết:
Ăn trái gắm nhớ trái dừa da diết
Uống nước suối trong nhớ biển biếc bao la.
Đây là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của bộ đội ta ở Chiến trường Khu 5. Mọi người vẫn trêu là cứ nhìn đội hình Phòng Tổ chức Cục Chính trị là biết gian khổ như thế nào bởi tên cán bộ, nhân viên của Phòng ghép lại thành vần điệu: "Mây, Mưa, Gió, Bão, Ngật, Ngưỡng, Nghĩa, Trang, Hà, Bá". Hầu hết các anh nay đã mất, nhưng kỷ niệm yêu thương về họ, Đại tá Võ Cao Lợi không bao giờ quên.
Gian khổ nhiều nhưng không làm CBCS nản chí mà luôn tin tưởng ở tương lai chiến thắng. Niềm tin đó làm nên sức mạnh Cục Chính trị trong kháng chiến.
Chiến sĩ nuôi quân Cục Chính trị sàng gạo ở căn cứ (1970). Ảnh: T.L |
2. Bám buôn làng và phòng thủ biển đảo
Đại tá Nguyễn Văn Chước, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu (1984-1990) năm nay đã 86 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Ông nói về những kỷ niệm thời gian làm chỉ huy Cục với lòng đầy tự hào.
Đây là giai đoạn quân tình nguyện Mặt trận 579 làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, đặc biệt tập trung tấn công Cao điểm 547 và truy quét tàn quân Pol Pot - Jeng Sari. Trong nước, Fulro hoạt động mạnh ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc. Chúng chủ trương tránh đụng độ với bộ đội mà đi sâu xây dựng cơ sở trong dân, không để lộ lực lượng. Ngày 10-5-1985, Quân khu ra chỉ thị phát động quần chúng truy quét Fulro, xây dựng tuyến phòng thủ Tây Nguyên. Cục Chính trị cử Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Chước trực tiếp đưa cán bộ lên Gia Lai nghiên cứu tình hình để đánh giá chính xác thực trạng về tham mưu cho Quân khu. Ông kể: "Cán bộ Cục và các phòng, ban bám cả tháng trời ở Gia Lai. Nhiều anh ăn ở luôn trong dân để nắm quy luật đi về của Fulro. Đối mặt với hiểm nguy, có thể bị chúng thủ tiêu bất cứ lúc nào nhưng ai nấy đều xác định nhiệm vụ. Chúng tôi nhận thấy, thời điểm đó, bộ máy chính trị ở cơ sở còn bất cập. Cục Chính trị đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân khu phải kết hợp LLVT địa phương với các đoàn thể ở các xã, vừa truy quét vừa làm công tác vận động quần chúng thật sâu rộng, đặc biệt là phải củng cố xây dựng thực lực cách mạng vững chắc ở cơ sở. Nhờ vậy mà đã góp phần đưa Tây Nguyên trở lại yên bình".
Tháng 3-1988, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Vấn đề biển đảo nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hoạt động Công tác Đảng, công tác chính trị tập trung huy động sức mạnh của toàn dân bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cục Chính trị đã tham mưu cho Quân khu chỉ đạo các đơn vị và nhân dân nhận rõ âm mưu của Trung Quốc lúc bấy giờ, chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh Phú Khánh, Nghĩa Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động sức mạnh từ các nguồn "Vì Trường Sa thân yêu". Đại tá Nguyễn Văn Chước trực tiếp đi cùng Tư lệnh Nguyễn Chơn và đoàn công tác Quân khu kiểm tra toàn bộ các đảo như Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Nhơn Châu, Hòn Tre, Phú Quý, tham mưu cho Quân khu xây dựng địa phương (tỉnh, huyện) thành khu vực phòng thủ vững chắc theo NQ 02/NQ-TƯ của Bộ Chính trị. Tháng 7-1988, Quân khu đã diễn tập phòng thủ bờ biển (QĐ 88) tại Quảng Nam - Đà Nẵng, quy mô lớn nhất thời điểm bấy giờ với sự tham gia của cả các đơn vị của BQP. Cuộc diễn tập thành công, được cấp trên khen ngợi, có công sức rất lớn của CBCS trong Cục.
Vừa lên rừng, lại xuống bể, có những lúc như quay cuồng với công việc nhưng bản thân Đại tá Nguyễn Văn Chước và cán bộ trong Cục tự hào là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Truyền thống "khó khăn nào cũng vượt qua" có từ ngày thành lập và đến hôm nay tiếp tục là động lực để Cục Chính trị liên tục dẫn đầu thi đua khối các cơ quan Quân khu.
Hồng Vân