Báo Công An Đà Nẵng

Hai người thầy xứ Quảng của tôi

Thứ năm, 12/06/2014 10:34

(Cadn.com.vn) - Trong đời tôi từ khi đi học lớp Một trường làng cho đến Đại học ở Hà Nội, tôi học với rất nhiều thầy giáo dạy giỏi lại tận tình với học trò. Các thầy giáo, cô giáo qua từng thời kỳ đã bồi đắp nên tri thức, nhân cách và tình yêu của tôi với cuộc đời.

Các thầy đều là những tấm gương mẫu mực về tư cách, lối sống và tình yêu học trò. Trong số những thầy giáo tôi nhớ mãi trong lòng, có hai thầy giáo người Quảng Nam. Đó là thầy Phan Ngọc Thu và thầy Quảng Bá Hùng.

Thầy Quảng Bá Hùng người Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam là "Người thầy đầu tiên" của Ngư Thủy quê tôi cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Năm 1957, ba năm sau giải phóng Điện Biên, miền Bắc hòa bình đã được lập lại, thế mà làng tôi vẫn chưa có trường học. Con em ngư dân làng biển đa phần mù chữ.

Năm đó, thầy Quảng Bá Hùng tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Hải Dương tình nguyện vào Quảng Bình xa xôi nhận công tác. Về vùng gió Lào cát trắng đã khổ rồi, thầy lại xung phong về xã Ngư Thủy, góc biển nam Quảng Bình đang mù chữ để mở trường, càng gian khổ gấp bội.  Hồi đó cả làng tôi không ai có xe đạp.

Thầy nghèo, mới ra trường, cũng không có xe đạp nên phải cuốc bộ leo hai động cát cao từ làng Thượng Luật vào Quốc Lộ 1A 7 cây số, rồi lên huyện thêm 13 cây số nữa để họp, nhận lương. Thầy cùng thầy Trần Đình Thôi về ở trong dân, "ba cùng" với bà con làng biển vận động trẻ em đi học, vận động bà con chặt gỗ dương làm trường học. Thầy đúng là thầy giáo đầu tiên khai sáng nền giáo dục ở xã Ngư Thủy của tôi.

Tác giả và thầy giáo Quảng Bá Hùng.

Cuộc sống gian nan là vậy nhưng thầy lúc nào cũng cười, cũng đàn hát như nghệ sỹ. Thầy có cái đàn măng-đô lin, buổi chiều nào cũng  mang xuống biển ngồi đàn hát với học trò. Giờ dạy học đầu tiên của "Trường cấp 1 Ngư Thủy", thầy Hùng phải cầm tay từng học trò viết từng nét chữ cái. Họ Ngô quê tôi là Ngô Văn, nhưng học trò thầy ai cũng có chữ lót "đẹp" như Ngô Tấn, Ngô Minh, Ngô Phú, Ngô Mạnh...đều là do thầy đặt cho.

Lứa học trò được thầy Quảng Bá Hùng "khai sáng" đó là "thế hệ vàng" của làng tôi. Thầy bảo:" Cái chữ là nết người. Nên các em phải học viết chữ cho đẹp, đàng hoàng". Chỉ dạy ở Ngư Thủy 7 năm nhưng nét chữ của thầy đã truyền qua bao nhiêu thế hệ học trò làng biển, ai cũng viết chữ đẹp, bay bướm.  Đến các em học sinh hôm nay, vẫn viết  giống nét chữ thầy Hùng 50 năm trước.

Thầy không chỉ dạy học mà còn đi biển đánh cá với ngư dân. Rồi thầy dẫn học trò đi trồng cây phi lao trên cát để chắn gió, để "có màu xanh mà nương tựa". Cảm động nhất là chuyện thầy Hùng đưa  cây dừa về  trồng ở làng tôi. Một lần thầy Quảng Bá Hùng  đi dự hội nghị Chiến sĩ thi đua của Ty Giáo dục Quảng Bình ở Đồng Hới, thấy người ta đang trồng hàng dừa kết nghĩa Bình- Trị- Thiên bên bờ sông Nhật Lệ, thầy liền liên hệ xin được 6 quả dừa giống đưa về làng Thượng Luật.

Thầy hì hục khuân dừa giống lên xe, rồi gùi dừa giống vượt gần chục cây số Động Cao, Động Thấp giữa trưa nắng nóng, đưa về làng trồng . Thầy hì hục đào hố, xúc phân trồng dừa. Sau này gặp thầy tôi hỏi, tại sao thầy không xin giống cây gì cho nhẹ mà xin cây dừa giống để mang vác cho nặng? Thầy bảo, "Làng phải có bóng mát mới thành làng". Hơn nữa thầy trồng dừa là bởi nhớ quê hương Hội An lắm...

Thầy giáo người xứ Quảng thứ hai mà tôi rất yêu quý là thầy Phan Ngọc Thu. Thầy quê ở Gò Nổi, Quảng Nam, tập kết ra Bắc, học Trường Đại học Sư phạm Vinh rồi về quê tôi dạy học. Thầy Thu cùng với thầy Lương Duy Cán (nhà thơ Hà Nhật) là 2 thầy giáo ở cấp 3 Lệ Thủy đã truyền cho cả lớp học trò chúng tôi niềm say mê thơ ca đến cháy bỏng.

Nhờ không khí văn chương đó mà sau này lớp tôi có tới hàng chục đứa làm thơ viết văn như Lê Đình Ty, Đỗ Hữu Lời, Ngô Minh Khôi, Trần Văn Hải, Nguyễn Minh Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ. Thầy Thu giảng văn hay và thuộc thơ rất nhiều. Đứa nào trong bài luận trích thơ sai là thầy đánh dấu đỏ, ghi câu thơ đúng ra ngoài lề. 

Bài luận của tôi, Mỹ Dạ, Hải Kỳ, là những đứa học sinh giỏi văn nhất lớp hồi ấy làm, thầy cũng chỉ cho điểm 4, có khi " bốn trừ". Chỉ duy nhất trong ba năm học tôi một lần được thầy cho điểm 5 (thang điểm của Nga, 5 là cao nhất, ngang với 10). Có thể nói thầy Thu là thầy giáo dạy văn giỏi nhất mà tôi từng gặp.

Thầy dạy bằng trái tim, bằng cảm xúc chứ không  dạy bằng "đọc chép", bằng "đề cương" hay "văn mẫu" như các thầy giáo bây giờ. Cả lớp tôi nghe thầy giảng bài mà ai cũng như bị hút hồn, chẳng cần ghi chép gì mà ai cũng nhớ. Sau năm 1975, thầy vào dạy Khoa văn Đại học Sư phạm Huế...

Sau này, với  ý nguyện đổi mới giáo dục, thầy đã cùng nhà văn Nguyên Ngọc thành lập Trường Đại học Phan Châu Trinh, Hội An với mục đích là tự chủ trong chương trình giáo dục đại học, tạo ra  một trường Đại học kiểu mẫu ở Việt Nam. Gia đình thầy hiện ở tại TP Đà Nẵng.

Tháng 8-2012, Trường cấp 3 Lệ Thủy kỷ niệm 50 năm thành lập, mời rất nhiều thầy  giáo và học sinh từ những khóa 1, khóa 2 về dự. Thầy Phan Ngọc Thu khoác vai tôi  đi bên bờ sông Kiến Giang vào cổng trường như một người bạn.

Thầy tâm sự: "Ngô Minh ạ, dạy học, nhất là dạy văn cũng như làm thơ. Phải xuất phát từ trái tim và tấm lòng. Nếu không có cái đó thì không thể đào tạo ra học sinh giỏi được, cũng không thể có thơ hay...". Tôi xúc động rơm rớm nước mắt...Vâng thầy ơi, không bắt đầu từ trái tim thì sẽ không bao giờ có thơ hay và cũng không có chuyện dạy văn hay!

Ngô Minh