Hai phụ nữ hàng chục năm không ngủ
(Cadn.com.vn) - Hàng chục năm nay, có hai người phụ nữ ở cùng thôn Phú Quý (xã Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam) bỗng "nổi tiếng" một cách bất đắc dĩ với chứng mất ngủ kinh niên. Cuộc sống, sinh hoạt không những của bản thân mà cả gia đình họ bị đảo lộn. Khát khao có được giấc ngủ, thậm chí chỉ chợp mắt một lúc như người bình thường, với họ thật quá xa vời...
Mấy mươi năm thèm... ngủ!
Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Bảy (75 tuổi, trú thôn Phú Quý) vào buổi trưa một ngày đầu tháng 7. Lúc này, chỉ có anh Lê Khánh Vang (1971), người con trai thứ 6, hiện ở cùng bà tiếp chuyện. Anh cho biết, bà Bảy hiện đang phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực bắc Quảng Nam. Một phần nguyên nhân là do thời gian mất ngủ quá lâu, phần nữa là do tuổi cao sức yếu, cộng với nỗi đau cha ông mới mất (ông Lê Đề - PV) làm bà ngã quỵ, phải vào bệnh viện điều trị.
Anh Vang kể, hơn 15 năm về trước, cha anh đổ bệnh nặng và bị mất sức lao động, không thể gánh vác chuyện đồng áng, ruộng vườn. Gần 70 tuổi, bà Bảy vẫn khỏe mạnh, bình thường, hàng ngày cùng con cháu chăm sóc chồng đau ốm và lo chu toàn mọi việc, từ chuyện đồng áng đến sinh hoạt trong nhà. "Có thể do dồn hết tâm lực vào việc gia đình, chăm lo chồng đau yếu mà kể từ đó, mẹ tôi ít ngủ dần. Ban đầu chúng tôi cứ tưởng đó chỉ là dấu hiệu bình thường của tuổi già nhưng càng ngày, thấy mẹ càng tỉnh táo hơn, nhất là vào... ban đêm", anh Vang nói. Cũng theo anh Vang, để "giết" thời gian, cũng là vì công việc, hàng ngày, nhất là vào mùa vụ, bà Bảy cứ thế một mình lặng lẽ làm việc. Có nhiều hôm, cả nhà thức dậy đã thấy cơm nước tinh tươm, nhà cửa sạch sẽ... Hỏi ra thì mới biết bà Bảy "tranh thủ" lúc nửa đêm, khi mọi người đang say giấc nồng thì bà lục đục lo cơm nước cho cả nhà. "Thấy nhiều ngày liên tiếp mẹ tôi không chợp mắt được tí nào, cả nhà đâm lo. Hỏi sao không ngủ cho khỏe, mẹ tôi bảo muốn ngủ lắm nhưng không tài nào ngủ được. Kể cả có những ngày mẹ tôi cố làm việc thật nhiều, thật mệt mỏi để có thể ngủ được một lúc, nhưng kết quả là sức khỏe thì cạn dần, còn chứng mất ngủ ngày càng trầm trọng hơn", anh Vang buồn rầu nói. Lo lắng cho sức khỏe của mẹ, anh chị em anh Vang nhiều lần đưa bà đi khám tại các bệnh viện ở Đà Nẵng, TPHCM..., nghe ở đâu có thuốc (bắc - nam - đông - tây) gì chữa chứng mất ngủ đều tìm đến nhưng đều công cốc. Mất ngủ nhiều năm liền, cộng với tuổi cao sức yếu, lại phải chịu cú sốc quá lớn khi người chồng thân yêu vừa mới qua đời, bà Bảy ngã quỵ hẳn, phải vào bệnh viện cấp cứu, điều trị dài ngày...
Phải chăng do chứng "hậu sản" mà bà Anh bị mất ngủ cho đến nay? |
Cũng bị chứng mất ngủ, nhưng trường hợp của bà Đinh Thị Anh (53 tuổi) lại có vẻ hy hữu hơn. Bà Anh hiện sống với mẹ ruột là Phan Thị Luyến (87 tuổi) trong ngôi nhà tuềnh toàng tại thôn Phú Quý (xã Đại Hiệp), hoàn cảnh cũng hết sức khó khăn. Khi được hỏi về chuyện... không ngủ được của mình, bà bảo "lâu quá rồi không thể nhớ rõ thời gian nào cả, chỉ biết sau khi sinh con xong thì chứng mất ngủ bắt đầu xuất hiện và kéo dài cho đến ngày nay". Bà kể, năm 22 tuổi, bà kết hôn cùng một người đàn ông trong thôn, tuy nhiên, khi bà mang thai đứa con đầu lòng, chồng bà bỗng nhiên sinh lắm tật "trời ơi" quá nên bà bỏ về nhà mẹ đẻ. Thương con, bố mẹ bà cất cho một căn nhà nhỏ bên cạnh để tiện chăm sóc bà sinh nở. Đến tháng đến ngày, bà cũng sinh nở an toàn, tuy nhiên sau đó bị chứng "hậu sản" nên mặt mày lở loét (đến nay vẫn còn vết sẹo). Cũng từ thời điểm đó, bà Anh có biểu hiện mất ngủ, và cho đến nay, mặc dù con gái đã có chồng con nhưng bà vẫn chưa chợp mắt được lần nào.
Hỏi bà đêm không ngủ, bà làm gì cho hết thời gian, bà bảo, cứ quanh quẩn trong nhà, hết ngồi rồi lại nằm chứ biết làm gì. Những ngày mùa màng, một mình bà với hai sào ruộng nên cũng khuây khỏa, quần quật cả ngày lẫn đêm, còn những ngày nông nhàn, chẳng biết làm gì đâm ra mệt mỏi, chán nản và... thèm ngủ được. "Bây giờ có cái tivi nho nhỏ để xem chứ trước đây không có điện đài gì nên buồn lắm", bà Anh nói. "Thời gian đầu, do hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi con nhỏ nên không có tiền đi viện khám, vì vậy, tôi thường đi kiếm lá uống. Ai bảo có lá gì chữa được bệnh mất ngủ, tôi cũng đi. Nhưng chẳng có kết quả gì cả, mắt lúc nào cũng trơ trơ ra. Vì thế tôi cũng nản và buông xuôi từ đó", bà Anh buồn rầu cho biết.
Gia cảnh bà Anh khá khó khăn, tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày đều phụ thuộc vào hai sào ruộng. Ngoài ra, bà còn phải nuôi mẹ ruột đã gần 90 tuổi, đau ốm triền miên khiến cuộc sống thêm phần khốn khó. "Muốn đi viện để kiểm tra, xem có thể điều trị được không nhưng không có tiền. Giờ cũng lớn tuổi rồi nên đến đâu hay đó vậy", bà Anh nói.
Hoàn cảnh khó khăn, lại phải chăm nuôi mẹ già nên bà Anh không có điều kiện đi bệnh viện |
Mong được khám, điều trị
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Văn Mau, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Đà Nẵng cho biết, bệnh mất ngủ có hai dạng, một dạng mất ngủ do tổn thương và mất ngủ vô căn. Trong đó, khi bị tổn thương não, người bệnh bị mất ngủ, dạng này khó chữa. Loại thứ hai là bỗng dưng mất ngủ mà không có căn nguyên. Ngoài ra, hiện nay có tình trạng mất cảm giác ngủ hay nói cách khác là rối loạn cảm giác ngủ. "Hiện trong y văn thế giới chỉ nói bệnh mất ngủ thông thường chứ việc vì sao mất ngủ hàng chục năm thì chưa có một lý giải nào khoa học, chính xác", BS Mau chia sẻ. Cũng theo BS Mau, nếu bệnh nhân mất ngủ mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe thì không cần can thiệp, còn nếu mất ngủ kèm theo bệnh, cơ thể suy nhược thì phải kiểm tra và can thiệp kịp thời. "Tại BVTT Đà Nẵng hiện cũng có rất nhiều bệnh nhân đến chữa bệnh mất ngủ, đặc biệt là người già, thường mất ngủ 2 đến 3 tháng, bệnh viện đã chữa khỏi cho rất nhiều trường hợp", BS Mau cho biết thêm.
Ông Huỳnh Mười, Trưởng thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp cho biết, trường hợp trong thôn có hai người phụ nữ là là Trần Thị Bảy và bà Đinh Thị Anh bị chứng mất ngủ nhiều năm là có thật, hoàn cảnh của họ cũng khá khó khăn. Địa phương mong muốn có đơn vị, tổ chức nào đó có lòng hảo tâm có thể hỗ trợ, tạo điều kiện để chữa trị cho họ thoát khỏi "nghịch cảnh" éo le này, giúp họ có được một giấc ngủ như những người bình thường khác.
Doãn Nguyên Hưng