Báo Công An Đà Nẵng

Hải quân Mỹ hứng chỉ trích khi cách chức 'thần tốc' hạm trưởng

Chủ nhật, 05/04/2020 16:34

Hải quân Mỹ bị tố hành xử "nực cười" khi vội vàng cách chức đại tá Crozier, người hối thúc sơ tán thủy thủ tàu USS Theodore Roosevelt tránh Covid-19.

Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly ngày 3/4 thông báo quyết định cách chức hạm trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của đại tá Brett E. Crozier với lý do chính thức là ông đã gửi cho quá nhiều người một bản ghi nhớ mô tả tình hình các thủy thủ nhiễm nCoV trên tàu.

Jeff Schogol, bình luận viên của Task & Purpose, cho rằng lý do hải quân Mỹ cách chức đại tá Crozier là "nực cười", bởi bức thư cầu cứu được Crozier gửi tới 30 người không chứa bất cứ thông tin mật nào.

Bức thư này được tờ San Francisco Chronicle đăng hôm 31/3, trong đó đại tá Crozier kêu gọi cho sơ tán 4.000 thủy thủ tàu sân bay USS Theodore để ngăn nCoV lây lan trên tàu. Một ngày sau, quyền Bộ trưởng Hải quân Modly tuyên bố với các phóng viên rằng hạm trưởng tàu Theodore Roosevelt sẽ không "bị biến thành con cừu hiến tế".

"Thực tế là ông ấy viết bức thư gửi cho các cấp chỉ huy để bày tỏ mối lo ngại, điều này sẽ không dẫn tới bất cứ hành động trừng phạt nào. Đây là những gì chúng tôi kỳ vọng các sĩ quan chỉ huy của mình làm được", Modly nói trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 1/4.

Chưa đầy 24 giờ sau, mọi thứ thay đổi khi Modly cáo buộc Crozier gây ra hoảng loạn trên tàu sân bay Theodore Roosevelt và rò rỉ bức thư cho quá nhiều người. 

Tuy nhiên, Schogol cho rằng việc hàng trăm thủy thủ tập trung tiễn biệt Crozier khi đại tá này rời tàu cho thấy ông không gây ra hoảng loạn, thay vào đó thủy thủ đoàn tàu Theodore Roosevelt trân trọng hành động hy sinh sự nghiệp của cựu hạm trưởng để cứu mạng họ.

Video được đăng trên mạng xã hội quay cảnh thủy thủ đoàn tàu sân bay Theodore Roosevelt vỗ tay và hô vang tên đại tá Crozier để tiễn ông sau khi hạm trưởng bị cách chức. Một thủy thủ nói rằng "đó là cách tiễn một hạm trưởng vĩ đại nhất trong đời, một người hết lòng vì binh sĩ và tuyệt vời nhất thời đại".

Một cựu đô đốc hải quân Mỹ nhận định việc cách chức Crozier trước khi hoàn tất cuộc điều tra toàn diện khiến hải quân Mỹ "thể hiện hình ảnh nhỏ mọn" và bị giảm sút uy tín.

Cựu đô đốc này đề nghị hải quân Mỹ hoàn thành cuộc điều tra rồi mới đưa ra quyết định kỷ luật thay vì "cách chức hạm trưởng trong lúc ông ấy đang cố gắng đưa hàng nghìn thủy thủ lên bờ tránh nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn". Ông cũng cho rằng việc đại tá Crozier gửi bức thư cho nhiều người không nên bị coi là hành vi tăng nặng dẫn đến quyết định cách chức.

"Tôi cảm thấy có sự thù oán nhỏ nhen trước thực tế là ông ấy (đại tá Crozier) khiến chính quyền Tổng thống Trump phải xấu hổ", cựu đô đốc Mỹ nói.

Cựu hạm trưởng tàu sân bay Brett Crozier trên boong tàu chỉ huy USS Blue Ridge tại Yokosuka, Nhật Bản tháng 1/2018, khi đó ông chỉ huy kỳ hạm của Hạm đội 7 hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.

Đại tá Brett Crozier trên boong tàu chỉ huy USS Blue Ridge tại Yokosuka, Nhật Bản tháng 1/2018. Ảnh: US Navy.

Giới quan sát cho rằng "hành vi vi phạm" thật sự của Crozier có thể là khiến hải quân Mỹ mất mặt khi phơi bày với truyền thông sự thật rằng lực lượng này không thể bảo vệ thủy thủ đoàn của ông.

"Điều này có thể giải thích quyết định cách chức Crozier được hải quân Mỹ đưa ra nhanh như chớp", Geoff Ziezulewicz, phóng viên Navy Times, viết trên Twitter. Ziezulewicz nhắc lại rằng hải quân Mỹ đã không cách chức hạm trưởng hai tàu khu trục để xảy ra va chạm với tàu hàng năm 2017 khiến tổng cộng 17 thủy thủ thiệt mạng.

Tham mưu trưởng hải quân Mỹ khi đó là đô đốc John Richardson không bị cách chức dù hàng loạt sự cố nghiêm trọng xảy ra. "Cấp bậc tạo nên đặc quyền", Schogol viết.

theo vnexpress.net