Báo Công An Đà Nẵng

Hai tuần đầu sau khai giảng chủ yếu ôn tập kiến thức cũ!

Thứ hai, 30/08/2021 16:59

Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng vừa có Công văn báo cáo UBND TP về công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng và tổ chức dạy-học những tuần đầu năm học mới 2021-2022. Theo đó, sau ngày khai giảng trực tuyến với chủ đề “Đà Nẵng - Chào năm học mới” được ngành GD-ĐT TP phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng thực hiện, phát sóng vào 7 giờ ngày 5-9 cùng chương trình khai giảng trực tuyến của các trường, ngày 6-9, các trường học trên địa bàn TP sẽ bắt đầu tổ chức dạy-học trực tuyến.

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại quay clip để chuẩn bị cho lễ khai giảng trực tuyến.

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều phụ huynh chưa mua được SGK và dụng cụ học tập phục vụ học tập năm học mới cho con em HS hiện nay vẫn chưa được trang bị SGK và đồ dùng học tập. Trước âu lo này của phụ huynh và HS, bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho hay, trong 2 tuần đầu sau khai giảng, việc dạy học trực- tuyến chủ yếu là ôn tập, củng cố kiến thức cũ. Vì vậy, HS (trừ HS lớp 1) vẫn sử dụng SGK của năm học trước.

Được biết, qua khảo sát của Sở GD-ĐT và thông tin từ các công ty sách, hiện có khoảng 60% HS  đã mua SGK mới và 50% học sinh đã mua đồ dùng học tập. Trước tình hình này, Sở GD-ĐT đã chủ động hướng dẫn các trường lưu ý đến vấn đề này trong thời gian 2 tuần đầu sau khai giảng. “Sau 2 tuần này, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy - học bài mới trực tuyến cho HS trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Theo đó, sau thời gian ôn tập, khi giáo viên giới thiệu chương trình mới để HS làm quen, nếu HS nào chưa có SGK thì có thể tiếp cận SGK qua địa chỉ website đã được giới thiệu từ đầu tháng 8-2021: https://hanhtrangso.nxbgd.vn. Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng đã báo cáo lãnh đạo UBND TP về việc sau khai giảng năm học, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, UBND thành phố xem xét cho phép các công ty sách, các nhà sách được hoạt động, cung ứng SGK, đồ dùng học tập… cho HS theo hình thức shipper giao hàng hoặc tổ dân phố mua giúp như mua lương thực, thực phẩm thời gian qua, đảm bảo cho học sinh có SGK và đồ dùng học tập khi được học bài mới. Vì vậy, phụ huynh và học sinh có thể an tâm khi chưa mua được SGK, đồ dùng học tập phục vụ cho việc học tập của con em mình”- bà Lê Thị Bích Thuận cho hay.

Khoảng 60% phụ huynh đã mua SGK, đồ dùng phục vụ học tập trước khi Đà Nẵng thực hiện đợt giãn cách “đặc biệt”.

Đối với những HS không có điều kiện học trực tuyến (điều kiện về máy móc, đường truyền, là F0 đang điều trị, F1 đang cách li tập trung…), theo chỉ đạo của Sở, các trường phối hợp cùng cha mẹ HS triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình. Nội dung do Bộ GD-ĐT thực hiện, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7). Về phần mình, Sở GD-ĐT TP đang trao đổi để phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng. Đặc biệt, lãnh đạo Sở cho biết, ngành đã có văn bản hướng dẫn giáo viên (đặc biệt là giáo viên lớp 1, lớp 2) gửi bài giảng, bài tập đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email… để phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn HS chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình HS. “Giáo viên cũng có thể gửi tài liệu giấy để hướng dẫn HS học tập (khi điều kiện cho phép). Những em HS này khi đi học lại sẽ được khảo sát, đánh giá kỹ để có hình thức hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các em theo kịp chương trình”- bà Bích Thuận cho hay…

Riêng đối với HS lớp 1, trong “Tuần lễ làm quen”, nhà trường chỉ đạo các giáo viên lựa chọn những nội dung kiến thức, kỹ năng cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục HS ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho các em sẵn sàng vào học lớp 1. Cụ thể, giáo viên phối hợp cùng phụ huynh để hướng dẫn HS tư thế ngồi học, cách cầm bút, đặt bút, nối nét, cách cầm sách đọc; làm quen với các loại SGK, vở, đồ dùng học tập,...; đọc các âm trong bảng chữ cái, đọc các số từ 0 đến 10.... Song song đó, hướng dẫn HS kỹ năng giao tiếp, cách diễn đạt, trình bày với thầy cô, bạn bè, cha mẹ... Sau 2 tuần làm quen, khi vào chương trình nhưng HS chưa đến trường, các trường hướng dẫn giáo viên điều chỉnh kế hoạch, nội dung phù hợp, soạn bài dạy học qua Internet phù hợp với thực tế, chú trọng đến đọc, viết và tính toán cho học sinh. Đồng thời, thực hiện Công văn số 1156 ngày 24-3-2021 của Bộ GD-ĐT về việc triển khai giải pháp dạy học Tiếng Việt lớp 1 trên truyền hình, giáo viên thông báo và hướng dẫn phụ huynh cùng đồng hành với HS học Tiếng Việt qua các chủ đề tại chuyên mục “TIỂU HỌC – Tiếng Việt lớp 1”, kênh Youtube VTV7.

Riêng đối với trẻ mầm non, Sở đề nghị các trường thông tin đến cha, mẹ trẻ các nội dung chăm sóc và giáo dục trẻ bằng hình thức trực tuyến như hướng dẫn cha, mẹ trẻ các nội dung kĩ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ và thực hiện chế độ các bữa ăn ở gia đình để bổ sung dinh dưỡng phù hợp giúp trẻ khỏe mạnh và có sức đề kháng, an toàn hơn trong mùa dịch; hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang đúng cách, rèn cho trẻ có thói quen rửa tay bằng xà phòng đúng thao tác; hướng dẫn trẻ tập thể dục hay vận động phù hợp để cơ thể trẻ khỏe…

Trước đó, 23-8, Sở GD-ĐT TP cũng đã văn bản hướng dẫn các đơn vị trường học về việc tổ chức hoạt động chuyên môn đầu năm học 2021-2022 đối với các cấp bậc học.

P.THỦY