Hạn hán, mặn hoành hành các tỉnh miền Trung (Bài 2: Chạy đua làm đập ngăn mặn, giữ ngọt)
Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, Đà Nẵng và Quảng Nam ghi nhận lượng mưa thấp đột biến. Lượng mưa tích lũy tại Đà Nẵng từ đầu năm đến nay chỉ đạt 39,9%, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ là 28% và chỉ bằng một nửa so với năm 2019.
Đập tạm tại Quảng Huế để ngăn nước về sông Vu Gia, chảy xuống Đà Nẵng nhưng nước không thể đến chân đập. |
Theo dự báo của cơ quan chức năng TP Đà Nẵng, từ nay đến giữa năm 2020 lượng mưa trên địa bàn thành phố thấp hơn rất nhiều giá trị trung bình của những năm qua.
Trong khi đó, theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, chỉ riêng trong quý I-2020, lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh cũng thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm; dòng chảy trên các sông biến đổi mạnh, theo hướng hạ thấp dần. Mực nước trên sông Vu Gia và Thu Bồn có khả năng thiếu hụt 30 - 50% so với trung bình nhiều năm… Tại 73 hồ chứa thủy lợi trong toàn tỉnh Quảng Nam, hiện tổng lượng nước thiếu so với quy trình khoảng 74 triệu m3. Riêng các hồ thủy điện, tổng lượng nước thiếu so với dung tích hữu ích lên đến 653 triệu m3. Đây là những chỉ số dự báo nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước đối với ngành nông nghiệp.
Ứng phó với diễn biến cực đoan của thời tiết, từ đầu năm 2020, ngành nông nghiệp, cấp nước của Quảng Nam, Đà Nẵng đã huy động kinh phí, nhân công xây dựng những con đập tạm trên sông để chặn dòng nước mặn có xu hướng ngày càng phức tạp. Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế TX Điện Bàn, một địa phương luôn chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn của tỉnh Quảng Nam cho biết, trong khi vụ Đông Xuân tạm thời ổn thì kế hoạch sản xuất vụ hè thu với diện tích lúa 5.400ha lúa và 3.500ha màu sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nước khi hầu hết diện tích này phụ thuộc vào nguồn nước của hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn. Điều đáng lo ngại năm nay chính là hiện tượng xâm nhập mặn đã xuất hiện rất sớm, độ mặn cao hơn và hướng xâm nhập cũng khó đoán hơn trước đây. “Từ tháng 12-2019 các cánh sông đã bị nhiễm mặn. Trước đây nước mặn chủ yếu xâm nhập theo hướng cửa Hàn thì giờ còn bị phía sông Thu Bồn từ phía Hội An tràn lên theo thủy triều. Một đập ngăn mặn dã chiến đã được xây dựng tại khối Ngân Câu của P. Điện Ngọc để ngăn mặn, cấp ngọt cho đất lúa của Điện Bàn, Hội An và Hòa Quý của Đà Nẵng”, ông Chơi cho hay.
Đập ngăn mặn được xây dựng tại cầu Câu Lâu (Điện Bàn) để trữ nước cho trạm bơm Triêm Nam hoạt động. |
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp TX Điện Bàn, nếu nắng nóng kéo dài hàng nghìn héc-ta lúa và hoa màu của các xã Điện Phương, Điện Minh, P. Điện An sẽ bị uy hiếp. Nếu độ mặn quá mức cho phép thì nhiều trạm bơm cũng sẽ phải dừng hoạt động và người dân lại phải ồ ạt đóng giếng khoan ngay tại đồng để cứu mùa màng. Sau đập tạm Ngân Câu, địa phương cũng tiếp tục xây dựng đập trên sông Chợ Củi của xã Điện Phương đồng thời đề xuất huyện đầu tư xây dựng tuyến kênh từ trạm bơm sông Vĩnh Điện để lấy nước vào trạm bơm xã Điện Minh. “Mặn có xu hướng đi ngược lên, lại bao vây từ nhiều phía. Nếu không có đập ngăn mặn, trữ ngọt thì trạm bơm phải dừng hoạt động chứ bơm nước mặn vào ruộng thì lúa hay hoa màu cũng không sống được”, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Điện Bàn cho hay.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, nếu kịch bản thiếu nước xảy ra, gần 7.000ha lúa ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc sẽ xâm nhập mặn và chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Theo phương án chống hạn, sản xuất nông nghiệp năm 2020, thành phố Đà Nẵng gieo trồng 2.604 ha vụ Đông Xuân và 2.350 ha vụ hè thu với phần lớn diện tích sử dụng nước tưới từ các trạm bơm. Trong khi một số diện tích phụ thuộc vào các hồ chứa thủy lợi thì phần còn lại phụ thuộc vào nước từ các thủy điện phía thượng lưu, gần 100 ha diện tích của P. Hòa Quý “tưới nhờ” trạm bơm của Điện Bàn thì phụ thuộc thời vụ canh tác của địa phương này. Ông Nguyễn Huy Gia – cán bộ kỹ thuật Phòng Quản lý công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi TP Đà Nẵng cho biết, đi kèm hạn hán, thiếu nước mưa thì xu hướng xâm nhập mặn xuất hiện rất sớm trong những năm gần đây. Nếu như trước đây phải đến mùa hè thì vài năm trở lại đây hiện tượng nhiễm mặn đã xảy ra từ trước Tết Âm lịch. “Hiện tại ở đập ngăn mặn do Dawaco xây dựng tại cầu Nguyễn Tri Phương có thời điểm đo được 2.490 mg/lít, ở cửa thu nước Cầu Đỏ là 1.133mg/lít. Trong khi đó, theo quy chuẩn thì lúa không chịu được độ mặn quá 1.000mg/lít, nước sinh hoạt không quá 250mg/lít. Những ngày qua, nước thượng nguồn không có, diện tích lúa phụ thuộc vào hồ chứa ở xã Hòa Sơn đã bắt đầu có dấu hiệu khô. Tại đây canh tác phụ thuộc nước trời tích được trong hồ chứa, không có nguồn nước chảy vào nên không thể xây dựng trạm bơm, mùa màng phụ thuộc vào ông trời”, ông Gia cho hay.
Trạm bơm Triêm Nam tại TX Điện Bàn có nguy cơ không thể vận hành vì nước sông Vĩnh Điện nhiễm mặn và xuống thấp. |
Theo cơ quan khí tượng thủy văn Đà Nẵng, từ tháng 4 đến 6-2020 lượng dòng chảy về sông Vu Gia và các sông tại Đà Nẵng phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Trên sông Vu Gia, mực nước có khả năng xuống thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử cùng kỳ. Tại Thành Mỹ thiếu hụt 70% so với trung bình nhiều năm, tại Ái Nghĩa thiếu hụt 23%, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước. Trên các sông sẽ xuất hiện độ mặn lớn, mặn xâm nhập sâu vào sông gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Khó khăn cho nông nghiệp Đà Nẵng là lượng diện tích mùa màng sử dụng nước sông thì phụ thuộc vào lượng nước từ thượng lưu đổ về để đẩy mặn; còn diện tích sử dụng nước tưới từ các hồ chứa lại phụ thuộc vào ông trời, nếu không có mưa thì nước sẽ nằm dưới cao trình, trạm bơm có cũng như không. Theo phương án chống hạn sản xuất nông nghiệp do UBND thành phố Đà Nẵng ban hành ngày 7-2 vừa qua, biện pháp chống hạn chủ yếu là đắp đập thời vụ, vận hành máy bơm điện, máy bơm dầu tại các hồ chứa Đồng Nghệ, Hóc Khế, Trước Đông, Đồng Tréo. Các trạm bơm lớn sẽ tăng cường bơm trong giờ cao điểm theo đúng lịch thời vụ và theo kế hoạch điều tiết nước các hồ thủy điện cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam.
Ngoài phần lớn diện tích đối mặt với mối lo nước trên các sông xuống thấp lịch sử, hồ thủy lợi cạn kiệt vì không có mưa, một phần diện tích đất nông nghiệp của Đà Nẵng tại xã Hòa Liên cũng bị nước mặn “uy hiếp” vì tuyến kênh thoát lũ trở thành kênh… dẫn mặn. Ông Lê Văn Sâm – Phó Giám đốc Cty Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho biết, trong năm 2019 việc vận hành trạm bơm Cầu Đình cung cấp nước phục vụ sản xuất cho vùng Hòa Liên gặp nhiều trở ngại do nguồn nước trên tuyến kênh thoát lũ tổng thể thường xuyên bị ngập mặn, nhất là vụ hè thu. Nguyên nhân là tuyến kênh này trước đây được xây dựng với chức năng thoát lũ, nhưng khi đấu nối vào hạ lưu sông Cu Đê thì biến thành kênh “dẫn mặn” vào đồng mỗi khi thủy triều lên. “Sở NN&PTNT đã đề xuất về việc đầu tư bổ sung điều tiết tại hạ lưu tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực Hòa Liên để chủ động bơm nước tưới khi không có mặn. Nhưng đến nay công trình vẫn chưa được triển khai”, ông Sâm cho biết. Chính vì vậy, trong vụ hè thu sắp tới, để chống mặn cho mùa màng ở khu vực này, Cty Khai thác thủy lợi Đà Nẵng chỉ còn cách đắp đập tạm trên kênh thoát lũ để hoạt động trạm bơm, sau đó lại tiến hành tháo dỡ để… chống lũ.
CÔNG KHANH