Báo Công An Đà Nẵng

Hân hoan cùng Cam Lộ

Thứ bảy, 27/11/2021 16:55

Ngày 1-12-1991 trở thành một dấu mốc chan chứa niềm hân hoan đối với người dân H.Cam Lộ (Quảng Trị) khi tái lập huyện, trở về với tên gọi thân thương ngàn xưa của mình. Đến hôm nay, 30 năm qua nhiều gian lao, thử thách, H.Cam Lộ bằng sự đoàn kết, đồng lòng, phát huy nội lực, tiềm năng, vùng quê nông nghiệp đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới. Ấn tượng hơn nữa là Cam Lộ đang tiếp tục xây dựng thành vùng trung tâm dược liệu lớn đang là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Chủ tịch UBND H.Cam Lộ Trần Anh Tuấn phấn khởi chia sẻ về thành tựu mà H.Cam Lộ đạt được. 

Huyện Cam Lộ nằm giữa lòng Quảng Trị, là địa bàn   có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: QL1A; đường Hồ Chí Minh; QL9, trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây từ nước bạn Lào về Cửa Việt. Trước sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập huyện, Chủ tịch UBND H. Cam Lộ Trần Anh Tuấn bồi hồi chia sẻ về miền quê thắm nghĩa, đáng sống này. Sau hàng chục năm chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và nhiều lần tách nhập đơn vị hành chính, ngày 19-10-1991, Đảng bộ và nhân dân H.Cam Lộ vui mừng đón nhận Quyết định 328 của Hội đồng bộ trưởng về phân chia TX Đông Hà và lập lại H.Cam Lộ. Trong niềm hân hoan đó, vào ngày 1-12-1991, Cam Lộ long trọng tổ chức lễ ra mắt lập lại huyện với 8 xã, gồm Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thanh và Cam An. Những ngày đầu ấy, Cam Lộ có dân số hơn 34 ngàn người, diện tích đất tự nhiên hơn 35 ngàn ha, trong đó gần 3.000 ha đất lúa, 362 ha đất lạc, 1.238 ha các loại đất màu và trên 2.000 ha đất lâm nghiệp. Năm 1994, huyện thành lập thêm TT Cam Lộ. Đến năm 2020, 2 xã Cam Thanh và Cam An được sáp nhập thành xã Thanh An, từ đây huyện có 7 xã, 1 thị trấn. 

Trong miên man ký ức, cảm xúc dâng tràn hướng đến kỷ niệm 30 năm tái lập huyện, chúng tôi qua vùng di tích Thành Tân Sở, trở về Di tích Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, rồi trở ra suối La La…bỗng như thấy cả cuốn phim quay chậm trở về trong hồi ức của bà con từ ngày của 30 năm trước. “Lúc đó chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng Cam Lộ lại có khu vực khí hậu khắc nghiệt, thiên tai rình rập. Tình trạng thiếu đói trong kỳ giáp hạt diễn ra thường xuyên”, bà Nguyễn Thị Lan (xã Cam Thủy) nhớ lại. Nhưng với ai đã từng biết, từng đến và từng gắn bó với miền đất có nền văn hóa lâu đời, có bề dày truyền thống kiên cường, bất khuất trong đấu tranh dựng nước, vì sự nghiệp bảo vệ hòa bình, giải phóng dân tộc cùng đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đều sáng một niềm tin Cam Lộ sẽ khởi sắc và chuyển biến mạnh mẽ. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng là một trong nhiều người mang trọn cảm xúc như thế. Trước khi là Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh rồi đến vị trí lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, từ năm 2012 đến 2015, ông Hưng là Phó Chủ tịch UBND H.Cam Lộ, quãng thời gian ấy đã để lại cho ông nhiều hồi ức sâu sắc về sự chuyển mình của miền đất này. Với đặc điểm địa hình, tiềm năng đất đai và lao động, H.Cam Lộ đã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở mỗi vùng, như vùng đất đỏ bazan ở Cùa và vùng gò đồi phù hợp với phát triển cây mũi nhọn là cao su, hồ tiêu; vùng bãi bồi ven sông Hiếu phù hợp cho phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả; vùng trọng điểm trồng lúa, rau đậu thực phẩm tập trung ở các xã đồng bằng Thanh An, Cam Thủy. Nông nghiệp từ mức sản xuất nhỏ, manh mún, lạc hậu đã phát triển toàn diện, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng bến vững, liên kết với các nhà máy chế biến tiêu thụ; hình thành các chuỗi giá trị sản xuất theo chương trình OCOP… KT-XH phát triển, AN-QP được đảm bảo, đời sống người dân nâng cao, năm 2020, H.Cam Lộ trở thành huyện Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Còn nhớ phát biểu tại buổi lễ công nhận huyện nông thôn mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đã đánh giá cao sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân H.Cam Lộ đạt được trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, đồng thời nhấn mạnh quá trình nỗ lực, bứt phá đi lên là tạo thế và lực mới để Cam Lộ vươn xa, vươn cao, phát triển vững chắc trong thời gian tới.

Lực lượng CAH Cam Lộ với những dấu ấn đậm sâu trong hành trình 30 năm xây dựng, phát triển huyện nhà, giữ vững ANTT, cứu hộ cứu nạn và hoạt động xã hội từ thiện.

Chia sẻ thêm đầy tin tưởng, Chủ tịch UBND H.Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết trong tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới trên 3.000 tỷ đồng thì có gần 500 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Những con đường trơn trượt, lầy lội mùa mưa lũ hay bụi đất mờ mịt giờ được mở rộng, bê-tông hóa, nhựa hóa và lung linh “Ánh điện làng quê”…Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2020 đạt trên 12,5%; thu nhập bình quân đầu người từ 1,7 triệu đồng năm 1998 đến nay đạt 50 triệu đồng; các ngành nghề, CCN–TTCN, dịch vụ, những công trình nhà máy đã và đang từng bước đầu tư phát triển với quy mô lớn hơn, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế huyện… Vị lãnh đạo này tự hào khẳng định những kết quả đó là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền nhưng trước hết phải nói đến sự đồng thuận của nhân dân. Với người dân, chính sự tìm tòi, chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, có tâm của lãnh đạo huyện nhà đã củng cố niềm tin, chung sức xây dựng quê hương.

“Nói chi xa xôi, mới tháng 10-2021 đây, bà con tui phấn khởi biết mấy khi huyện Cam Lộ phối hợp Cty CP sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ. Theo đó, phía Công ty đảm bảo cung cấp 160 triệu cây giống quế theo tiêu chuẩn hữu cơ để trồng trên diện tích hơn 20.000ha từ nay đến hết năm 2025; cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng vùng nguyên liệu quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ được cấp chứng nhận… Ngoài ra, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm quế tại KCN Cam Hiếu, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 400-500 lao động địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng khẳng định việc hợp tác giữa huyện Cam Lộ phát triển vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây quế là phù hợp với xu thế tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay, mở ra một hướng đi mới, nhằm tập trung xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh. 

Đến nay, Cam Lộ có trên 100 ha dược liệu các loại đang được đầu tư canh tác theo hướng hữu cơ, vi sinh. Trong năm 2021, giữa tình hình dịch COVID-19 phức tạp, lần đầu tiên lô hàng gần 1 tấn cao dược liệu được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Có thể nói, đây là kết quả của quá trình nỗ lực tìm kiếm thị trường, liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp của lãnh đạo huyện Cam Lộ nhằm tạo cơ hội cho mặt hàng dược liệu địa phương vươn ra thế giới.

30 năm, nhìn lại và hướng tới, Cam Lộ không chỉ khiến người dân quê hương tự hào mà còn khiến bất kỳ ai ở xa luôn muốn tìm đến để chìm đắm trong mạch nguồn  thương yêu, tự hào và làm giàu trên vùng đất này. Chia sẻ và hân hoan biết bao! 

BẢO HÀ