Báo Công An Đà Nẵng

Hàn - Mỹ nối lại tập trận, đe dọa thỏa thuận liên Triều

Thứ ba, 13/11/2018 11:52

Truyền thông Triều Tiên ngày 12-11 cho rằng, việc Hàn và Mỹ nối lại cuộc tập trận chung trên biển đã vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều gần đây nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Thủy quân lục chiến Hàn-Mỹ tập trận tại Pohang, trên bờ biển đông nam Hàn Quốc hôm 5-11.  Ảnh: Yonhap

Sau 6 tháng tạm ngừng, hôm 5-11, Hàn và Mỹ đã nối lại Chương trình Tập trận Thủy quân lục chiến Hàn Quốc (KMEP), với sự tham gia của khoảng 500 quân, trong đó có thủy quân lục chiến Mỹ đến từ Okinawa (Nhật Bản), và các trang thiết bị quân sự, như tàu tấn công đổ bộ.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 12-11 chỉ trích việc Hàn-Mỹ nối lại cuộc tập trận chung trên biển, đồng thời cho rằng không nên thực hiện bất cứ hành động quân sự nào nhằm đe dọa Bình Nhưỡng. Tờ báo cho rằng, KMEP vi phạm thỏa thuận ngày 19-9 ký giữa Seoul và Bình Nhưỡng, kêu gọi loại bỏ các nguy cơ chiến tranh trên toàn bán đảo này và chấm dứt các hành động thù địch qua biên giới. "Các cuộc tập trận chung kéo dài 2 tuần trực tiếp chống lại thỏa thuận quân sự liên Triều đã hứa sẽ loại bỏ các mối đe dọa thực tế dẫn đến chiến tranh và các mối quan hệ thù địch cơ bản khỏi bán đảo Triều Tiên" tờ báo cho biết. Tờ Rodong Sinmun nhấn mạnh, Hàn Quốc và Mỹ nên "hành xử một cách hợp lý" và không thực hiện hành động quân sự "lỗi thời" có khả năng làm suy yếu đối thoại và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngay lập tức, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cùng ngày nêu rõ quan điểm, Seoul sẽ tiếp tục tiến hành cuộc tập trận chung trên biển đang diễn ra với Mỹ. Người phát ngôn bộ này Choi Hyun-soo bác bỏ những chỉ trích của Triều Tiên, nhấn mạnh, hoạt động diễn tập cấp tiểu đoàn kéo dài 2 tuần này đã được tổ chức thường niên và chỉ mang tính phòng thủ liên quan đến các đơn vị nhỏ dưới kích thước của một tiểu đoàn.

Trong khi đó, cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu lớn nhất từng được tổ chức ở vùng biển xung quanh Nhật đã diễn ra vào tuần trước, với sự tham gia của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan, khu trục hạm Nhật và Canada. Tờ Rodong Sinmun bình luận: "Việc công khai tổ chức các cuộc tập trận nhằm vào nước khác trong khi lực lượng hải quân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản cũng tham gia là hành động quân sự lỗi thời".

Ít tiến triển

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ làm việc theo hướng loại bỏ hạt nhân tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 tại Singapore, nơi ông Trump hứa sẽ chấm dứt các cuộc tập trận quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.

Nhưng thỏa thuận chi tiết, cụ thể và các cuộc đàm phán cho đến nay vẫn chưa tiến triển. Tuần trước, Triều Tiên đã chủ động hủy cuộc họp đã được lên kế hoạch giữa Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Yong-chol với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở New York. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley sau đó đã khẳng định với báo giới rằng lý do các quan chức Triều Tiên hoãn cuộc gặp là  "bởi vì họ chưa sẵn sàng". Truyền thông Triều Tiên cũng đề cập đến việc hủy bỏ cuộc họp. Trang mạng Chosun Sinbo còn lặp lại cảnh báo, Triều Tiên có thể khởi động lại việc phát triển vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không nhượng bộ nhiều hơn nữa.

Tăng cường quan hệ

Bất chấp các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên đang rơi vào bế tắc, hai miền Triều Tiên đang hướng tới những nỗ lực tăng cường quan hệ.

Ngày 12-11, hai nước đã bắt đầu các cuộc đàm phán cấp chuyên viên để lên lịch cho một cuộc khảo sát chung các tuyến đường bộ xuyên biên giới liên Triều nhằm hiện đại hóa và cuối cùng kết nối các tuyến đường này. Đây là cuộc gặp lần thứ 2 về chủ đề này. Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra hôm 13-8 và nhóm nghiên cứu chung của hai miền Triêu Tiên đã tiến hành khảo sát các tuyến đường bộ dọc theo phía Tây bán đảo, từ Kaesong tới Bình Nhưỡng, trong 7 ngày.

Quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 11-11 đã bắt đầu tháo dỡ 20 chốt biên phòng sau khi rút binh sĩ và khí tài, trong nỗ lực thực thi thỏa thuận quân sự toàn diện nhằm giảm căng thẳng trên biên giới liên Triều. Hai bên cũng đã nhất trí giữ lại 2 chốt biên phòng phi quân sự - một ở phía Nam Khu phi quân sự (DMZ) và một chốt khác ở phía Bắc. Sau đó, ngày 12-11 Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo  thông báo Triều Tiên đã dỡ bỏ 636 quả mìn khỏi làng đình chiến Panmunjom sát biên giới với nước này.

Cùng ngày, Hàn Quốc đã vận chuyển bằng đường không 200 tấn quýt tới Triều Tiên nhằm đáp lễ việc Bình Nhưỡng đã gửi tặng 2 tấn nấm thông hồi tháng 9. Việc vận chuyển quýt bằng đường không là một dấu hiệu cho thấy hai miền Triều Tiên đang hướng tới những nỗ lực tăng cường quan hệ dù một hoạt động ngoại giao toàn cầu về chương trình hạt nhân Triều Tiên đang rơi vào bế tắc.

AN BÌNH