Hạn nặng giữa mùa mưa, nông dân khốn đốn
Năm 2019 đã khép lại và đây là năm mà ngành nông nghiệp TT-Huế chịu nhiều thiệt hại nặng nề do hạn hán kéo dài. Những ngày cuối tháng 12-2019, tỉnh TT-Huế tổ chức một hội nghị “khẩn” để bàn giải pháp cấp bách chống hạn khi năm 2020 được dự báo là một năm nóng kỷ lục.
Những ngày cuối năm 2019, hồ thủy lợi Phú Bài 2 mực nước thấp bất thường. |
Nông dân lo lắng
Những năm trước, vào mùa này ở xứ Huế xuất hiện những cơn mưa kéo dài cả tháng trời nhưng năm nay, những đợt nắng kéo dài khiến nông dân nơi đây như ngồi trên đống lửa vì lo thiếu nước phục vụ sản xuất. Về vùng nông thôn TT-Huế những ngày cuối năm 2019, đi đâu cũng nghe nông dân phàn nàn về sự bất thường của thời tiết khi họ chuẩn bị xuống giống cho hơn 32.000 ha lúa và hoa màu vụ đông xuân. Trong đó, tại các vùng thấp trũng, thuộc các huyện: Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền mọi năm thường bị ngập nặng, kéo dài cả tháng, nhưng năm nay ở đây chưa có cơn lũ nào mang phù sa về cho ruộng đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến chuột sinh sôi, phá hoại mùa màng.
Nông dân Nguyễn Văn Phú ở xã Quảng Thọ (H.Quảng Điền, TT-Huế) nói trong lo lắng: “Năm rồi cũng gặp khó khăn vì hạn hán, đến lạc là loại cây chịu hạn nhất cũng chết cháy thì cây lúa làm sao sống nổi”. Theo Sở NN & PTNT, trong năm 2019, TT-Huế có khoảng 2.000 ha lúa chết cháy vì thiếu nước. Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu cũng bị hư hại, bỏ hoang do thiếu nước trầm trọng. “Năm nay mùa màng thất bát vì thiếu nước sản xuất. Cộng với dịch tả lợn Châu Phi kéo dài nên gia đình tui cũng như nhiều hộ trong thôn rất điêu đứng. Tết này cũng không có tiền để sắm sửa như mọi năm nữa”- chị Nguyễn Thị Ơi ở H.Phong Điền chia sẻ.
Theo Đài Khí tượng thủy văn TT-Huế, trong năm 2019, lượng mưa đạt thấp phổ biến 60%-70% so với trung bình cả năm. Đặc biệt, mùa mưa năm nay mới có 4 trận mưa lớn trên diện rộng. Nhiệt độ trung bình cả năm cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,8 độ C đến 2 độ C. Năm 2019 lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ đạt 60%-70%, các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do lưu lượng về hồ thấp, không đủ nước để tích. Những ngày đầu tháng 12, mực nước các thủy điện và hồ thủy lợi chỉ đạt khoảng 49%. Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN TT-Huế, trong vụ đông xuân 2019-2020 có khả năng thiếu hụt nước vào cuối vụ và có khả năng kéo dài đến vụ hè thu 2020. Mức độ thiếu hụt nước có khả năng gay gắt hơn năm 2019.
Mực nước Thủy điện Hương Điền đạt mức thấp so với những năm trước. |
Phải chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang
Trước thực trạng thiếu nước tại các hồ chứa, cuối tháng 12-2019, tỉnh TT-Huế tổ chức hội nghị “khẩn” để bàn giải pháp cấp bách chống hạn, tổ chức sản xuất vụ đông xuân. Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, cho rằng các địa phương cần chủ động chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang, tránh gây thiệt hại cho người dân. Đồng thời tiến hành nạo vét các ao hồ, kênh rạch vùng cát để lấy nước ngọt cho vùng ruộng ven phá và vùng biển. Sử dụng tiết kiệm nước, tưới luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý, cơ cấu giống ngắn ngày. “Theo dự báo, vào tháng 6 và 7-2020 nguồn nước trên sông Bồ sẽ bị thiếu hụt, vì vậy những hộ chăn nuôi các lồng trên sông cần chủ động giảm mật độ nuôi, thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. Bên cạnh đó, so với mọi năm, hiện nay một số khu vực có diện tích đất đủ điều kiện, thuận lợi để làm màu thì các hộ dân cần sớm gieo sạ các giống lúa ngắn ngày…” - ông Vang nói.
Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND H.Quảng Điền cho biết, dự báo trong thời gian tới, toàn huyện có 100ha bị hạn và phải chuyển đổi. Trong đó, dự kiến 60 ha chuyển sang trồng sen; 25 ha trồng khoai lang tím, cây nén... Ngoài ra, huyện tiến hành nạo vét các hồ chứa, tuyến sông, hói nội đồng, lòng hồ, khơi thông dòng chảy để đảm bảo nguồn nước cho vụ đông xuân. Ông Phan Thanh Hùng- Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN cho biết, dự báo trong những tháng đầu năm 2020, hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng. Tại tỉnh TT-Huế, lượng mưa tháng 12-2019 thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo từ tháng 1 đến 3-2020 lượng mưa thấp hơn TBNN khoảng 30%, lượng mưa phân bố không đều giữa đồng bằng và vùng núi. Trong tháng 3 lượng mưa lại thấp hơn TBNN và nắng nóng xuất hiện cục bộ, qua tháng 4 nắng nóng xuất hiện trên diện rộng, tổng lượng mưa thấp hơn TBNN 10%-25%. Hiện tại, mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60%-100% dung tích thiết kế, riêng hồ Phú Bài 2 đạt 30,5%. Với thực trạng nguồn nước hiện tại thì khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ đông xuân năm 2019-2020 và vụ hè thu năm 2020.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, hồ thủy lợi Tả Trạch là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung nhưng hiện chỉ đạt khoảng 75% dung tích; hồ thủy điện Hương Điền đạt 53,7%, hồ thủy điện Bình Điền đạt 25%, dưới mức nước dâng bình thường hơn 20m. Dự báo lượng mưa trong 3 tháng đầu năm 2020 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm 30% và nắng nóng xuất hiện cục bộ. Ông Hồ Sỹ Nguyên cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 28.667 ha lúa và 3.591 ha rau các loại. Trong đó, dự kiến sẽ có 2.192 ha bị thiếu nước, chuyển đổi 491 ha. Diện tích lúa hè thu năm 2020 dự kiến sẽ có khoảng 3.000 ha không chủ động được nguồn nước ở vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng núi Nam Đông, A Lưới và các vùng cuối kênh. Tỉnh TT-Huế đề nghị các địa phương cần tập trung cấy giống lúa ngắn ngày, chậm nhất là cuối tháng 1-2020 phải kết thúc gieo sạ. Đối với hoa màu thì xuống giống càng sớm càng tốt. Những chân ruộng cao phải chuyển đổi sang trồng hoa màu hoặc bỏ hoang, chứ không trồng lúa.
Trước diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế phải triệu tập lãnh đạo các sở ban ngành, huyện thị để bàn và khẩn cấp triển khai các giải pháp chống hạn. Ông Phan Ngọc Thọ dẫn chứng, đầu tháng 11 vừa qua, ngay cao điểm mùa lũ mà UBND tỉnh đã phải ban hành chỉ thị tăng cường chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, yêu cầu thủy lợi phải tiết kiệm nước. “Trong tình hình thời tiết khắc nghiệt, phức tạp, các địa phương cần chủ động triển khai các giải pháp theo phương châm “bốn tại chỗ”. Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác để có giải pháp cụ thể, lâu dài như tái cơ cấu cây trồng; chuyển đổi mô hình sản xuất từ đơn giản, nhỏ lẻ sang bài bản, quy mô; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…”- ông Phan Ngọc Thọ đề nghị.
HẢI LAN