Báo Công An Đà Nẵng

Hàn - Nhật bùng nổ căng thẳng thương mại

Thứ tư, 03/07/2019 11:50

Thực tế cho thấy, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không thể sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh song phương trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, sau cái bắt tay ngắn ngủi giữa họ chỉ để chụp ảnh.

Mối quan hệ lâu năm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang rơi xuống mức thấp mới, trong bối cảnh các vấn đề lịch sử phức tạp của hai bên đang lan sang lĩnh vực kinh tế, trong đó tiếng nói hòa giải bị gạt bỏ bởi các chính kiến, chủ nghĩa dân tộc và sự không tin tưởng lẫn nhau.

Mối quan hệ lâu năm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang rơi xuống mức thấp mới. Ảnh: AFP

“Ăn miếng trả miếng”

Tokyo đã “bắn phát súng” mở màn cho “trận chiến” mới nhất giữa hai nước khi tuyên bố siết chặt quy định xuất khẩu đối với 3 mặt hàng công nghệ cao được sử dụng trong quá trình chế tạo chíp bán dẫn, màn hình tivi và điện thoại thông minh sang Seoul.

Theo quy định mới, các Cty Nhật Bản sẽ phải nộp đơn xin giấy phép cho từng hợp đồng để xuất khẩu các nguyên liệu cụ thể cho khách hàng Hàn Quốc, trong đó có Samsung, SK. và LG. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn, có hiệu lực từ ngày 4-7, sẽ làm chậm tiến trình xuất khẩu, có khả năng ảnh hưởng đến các tập đoàn này. Biện pháp này được đưa ra khi Nhật Bản trở nên thất vọng với những gì Tokyo coi là sự thiếu hành động của Seoul nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến phán quyết của tòa án hàng đầu Hàn Quốc hồi tháng 10-2018, vốn yêu cầu Tập đoàn thép Nippon bồi thường cho lao động bị cưỡng ép trong Thế chiến II.

Seoul phản ứng mạnh mẽ trước động thái này của Tokyo và đã triệu Đại sứ Nhật Bản tới để phản đối. Hàn Quốc chỉ trích biện pháp này của Nhật Bản vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cảnh báo Seoul sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết bao gồm việc nộp đơn kiện lên WTO. Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 2-7, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho rằng, quyết định của Tokyo về việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc không vi phạm các quy định của WTO. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp nội các thường kỳ, ông Seko nêu rõ việc kiểm soát xuất khẩu này là do Hàn Quốc không đưa ra các biện pháp thỏa đáng để giải quyết vấn đề liên quan người Hàn Quốc bị ép lao động khổ sai cho các Cty Nhật Bản trong Thế chiến II.

Tương lai nào cho quan hệ Hàn - Nhật?

Biện pháp trả đũa làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn lâu nay xấu đi do các mối thù lịch sử và lãnh thổ xuất phát từ thời kỳ thuộc địa hóa bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945 của Nhật Bản - và khiến giới chuyên gia phải lo ngại về sự bùng phát tranh cãi mới nhất này. “Đây là một trong những chương tồi tệ nhất trong mối quan hệ song phương do rất hiếm khi một bên thực hiện một bước chính sách cụ thể, đặc biệt như thế so với bên kia, trong khi trước đây, những nước láng giềng này chỉ tranh cãi vì những vấn đề nhức nhối của họ”, giáo sư Park Won-gon nhận định.

Khi công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cũng thừa nhận “phải nói rằng mối quan hệ tin cậy giữa Nhật-Hàn đã bị tổn hại đáng kể”, một dấu hiệu cho thấy bước này có liên quan đến vấn đề lịch sử nói trên. Trong dẫn chứng cho thấy mối quan hệ mờ nhạt của họ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không thể sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh song phương trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, sau cái bắt tay ngắn ngủi giữa họ chỉ để chụp ảnh. Các nhà qua sát nhận định Diễn đàn Osaka đóng vai trò như một lời nhắc nhở nghiêm túc về tình trạng hiện tại của mối quan hệ đang gặp khó khăn và cho thấy cơ hội bị vuột mất cho cả hai nước để tạo tâm trạng hòa giải thông qua hội nghị thượng đỉnh.  Giới doanh nghiệp lo ngại căng thẳng lần này sẽ có thể gây tổn hại tới mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương.

KHẢ ANH