Báo Công An Đà Nẵng

Hàn Quốc cảnh giác trước việc chảy máu chất xám vào Trung Quốc

Thứ ba, 21/07/2020 15:03

Các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc hiện phải đối mặt với áp lực giữ chân nhân viên và bảo vệ các công nghệ quan trọng khi nhiều Cty Trung Quốc đang nỗ lực thu hút nhân tài từ nước láng giềng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử.

Cựu Chủ tịch Samsung - Chang Won-kie đã được tuyển dụng vào vị trí Phó Chủ tịch tại ESWIN, một Cty công nghệ của Trung Quốc.

Những chiêu trò từ các Cty Trung Quốc

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các Cty Trung Quốc trong kế hoạch tuyển dụng lao động Hàn Quốc đang trở thành “vấn nạn” trong các ngành công nghiệp quan trọng ở nước này, nêu bật tương lai cạnh tranh toàn cầu của hai nước trong lĩnh vực điện tử và đóng tàu.

Theo các công nhân trong ngành công nghiệp màn hình, 3 đến 4 năm qua đã chứng kiến sự bùng nổ của các Cty Trung Quốc khi họ cố gắng tìm kiếm những tài năng ở Hàn Quốc  bằng cách đưa ra mức lương cao gấp 5 lần cùng với các lợi ích hấp dẫn khác. Họ cũng đưa ra các ưu đãi lớn khi tìm kiếm các kỹ sư hoặc nhân viên khác có khả năng truy cập vào thông tin kỹ thuật quan trọng. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, trong đó những nhân viên được tuyển dụng thường  phải “làm lại từ đầu” sau khi Cty rút cạn thông tin chính từ họ.

Các Cty Trung Quốc đã từng mời gọi nhiều nhân sự chủ chốt từ các gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc như Samsung và LG, nhưng mới đây, họ “đánh mẻ lớn” hơn khi tuyển mộ cựu Chủ tịch Samsung - Chang Won-kie, người đã làm việc tại Samsung gần 40 năm qua. Ông Chang Won-kie đã được tuyển dụng vào vị trí Phó Chủ tịch tại ESWIN, một nhà sản xuất mạch tích hợp trình điều khiển hiển thị (DDIC) cho màn hình OLED của Trung Quốc.

Việc tuyển dụng vị trí cấp cao rất đáng lo ngại vì lĩnh vực DDIC của Samsung luôn đứng đầu trên thị trường trong 18 năm liên tiếp. Nhiều chuyên gia cho rằng, có khả năng cao các Cty Trung Quốc sẽ tiếp tục tuyển mộ nhân sự chủ chốt từ các đại gia công nghệ Hàn Quốc để tăng cường cho công nghệ của họ. Năm 2017, gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc từng gây chấn động với vụ việc mời ông Lee Sang Chul, cựu Bộ trưởng truyền thông và Giám đốc của nhà mạng di động LG Uplus vào vị trí Cố vấn trưởng.

Mối lo không chỉ của riêng Hàn Quốc

Việc các Cty Trung Quốc tuyển dụng nhân viên lành nghề từ nước ngoài đang gây chảy máu chất xám không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở Nhật Bản, đảo Đài Loan, Đức và Mỹ.

Từ năm 2008, các Cty ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã nỗ lực tuyển dụng các cá nhân tài năng từ các ngành công nghiệp công nghệ cao ở các quốc gia khác, được cho là đặt mục tiêu thuê 1.000 công nhân lành nghề từ ngành công nghiệp chính này mỗi năm. Trong lĩnh vực bán dẫn và màn hình, các Cty ở Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến nhân sự chủ chốt của Hàn Quốc, trong đó những người làm việc cho các tập đoàn địa phương hoặc các chi nhánh liên kết luôn ở đầu danh sách tuyển dụng.

Năm 2018, 2 nhà nghiên cứu từ một chi nhánh của một tập đoàn lớn ở đây đã đánh cắp các bản thiết kế liên quan đến màn hình OLED và chuyển đến một Cty Trung Quốc. Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, 2 người đã bị theo dõi và sau đó bị kết án lần lượt 18 tháng và 14 tháng, trong khi chính quyền có thể lấy lại các công nghệ bị rò rỉ. Trong 5 năm qua, đã có hơn 580 trường hợp rò rỉ công nghệ, 71 trong số đó được các Cty nước ngoài mời chào. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, trong số 71 trường hợp này, có đến 48 vụ việc là do các Cty Trung Quốc mời chào.

Thậm chí đã có trường hợp người Trung Quốc đến làm việc cho các Cty quan trọng tại đây với mục đích rõ ràng là có được thông tin về các công nghệ nhất định. Vào năm 2013, một người đàn ông Trung Quốc đã vào một Cty OLED ở Hàn Quốc để đánh cắp các công nghệ chính và truyền thông tin qua tài khoản email cá nhân của anh ta, một trình nhắn tin internet và các thiết bị USB. Các sản phẩm sử dụng các công nghệ bị rò rỉ này thường được phát hành trên thị trường sau 2 đến 5 năm, như đã thấy trong lĩnh vực màn hình, nơi vốn được mệnh danh là “mảnh đất màu mở cho những kẻ đánh cắp dữ liệu quan trọng”.

Theo Viện nghiên cứu công nghệ thông tin Hàn Quốc, thị phần OLED của Trung Quốc đứng ở mức 7% trong năm 2017, nhưng được dự đoán sẽ vượt 20% trong năm nay. Trước đây, các Cty Trung Quốc tập trung vào việc đảm bảo các công nghệ và nhân sự chủ chốt, nhưng sau khi gặp khó khăn từ các vụ kiện, họ hiện đã thay đổi chiến lược để có được các công nghệ liên quan thông qua M&As (sáp nhập và mua lại) hoặc thực hiện tấn công mạng.

KHẢ ANH