Báo Công An Đà Nẵng

Hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Thứ hai, 24/06/2019 14:30

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn H. Tuy Phước (Bình Định) đang sống vô cùng khổ sở vì cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Nhà máy cấp nước Phước Thuận, đóng tại thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa có công suất thấp, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân cao nên không đủ cung cấp.

Nhiều nơi thiếu nước

Khoảng 2 tháng gần đây, mỗi ngày, hàng trăm hộ dân ở thôn Cảnh An 1 (xã Phước Thành) phải chạy vạy nhiều nơi để tìm nước sạch phục vụ sinh hoạt. Nguyên nhân là do nắng nóng liên tục kéo dài nhiều tháng làm các giếng đào, giếng khoan tại địa phương bị khô cạn. Trong khi đó, hệ thống cung cấp nước sạch chưa "phủ sóng" tới đây nên người dân vô cùng khổ sở. Bà Phạm Thị Hậu, trú thôn Cảnh An 1, than thở: "Mỗi ngày, người dân chúng tôi phải chạy nhiều nơi để tìm nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Các thành viên trong gia đình phải dùng nước tiết kiệm, dè xẻn từng chút nên hết sức chật vật, bất tiện. Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài thì nạn thiếu nước sinh hoạt càng bi đát hơn".

Theo UBND xã Phước Thành, tại địa phương chỉ có hơn 100 hộ dân ở thôn Bình An 1 dùng nước sạch do Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Bình Định cung cấp. Tất cả các hộ dân còn lại trên địa bàn xã đều sử dụng nước giếng đào, giếng khoan phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, do nắng nóng kéo dài làm nước giếng khô cạn, khiến khoảng 60% số hộ đã, đang và sẽ thiếu nước sinh hoạt. Tại xã Phước An cũng mới có người dân ở thôn Ngọc Thạnh 2 tiếp cận với hệ thống nước sạch do Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Bình Định cung cấp. Do đó, hiện địa phương có 2.519 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, gây khó khăn, đảo lộn cuộc sống của người dân. Riêng xã Phước Hưng và Phước Lộc là 2 địa phương chưa được đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch nên tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt mỗi khi vào mùa nắng nóng thường xuyên xảy ra.

Bất cập hệ thống cấp nước

Nghịch lý hơn, tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa..., dù đã có hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng một số khu dân cư ở quá xa đường ống dẫn nước nên tình trạng người dân "khát" nước sạch vẫn còn diễn ra. Đơn cử, người dân ở thôn Lộc Hạ, Diêm Vân (xã Phước Thuận); thôn Huỳnh Giản Nam, Kim Đông (xã Phước Hòa); thôn Kỳ Sơn (xã Phước Sơn) thường xuyên không có nước phục vụ sinh hoạt dù đường ống đã tới tận nhà. Bà Hà Thị Sen, trú thôn Diêm Vân, trình bày: "Gần 200 hộ gia đình ở xóm 2 và xóm 3 thường xuyên rơi vào tình trạng "đứt" nước sạch vì ở quá xa đường ống dẫn nước. Hàng ngày, để có nước sạch phục vụ uống và nấu ăn, bà con phải thức dậy lúc nửa đêm đi mua lại nước ở những khu dân cư lân cận. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng mua được, có hôm đem thùng, can tới rồi về không. Người dân phải mua nước bình về uống và nấu ăn rất tốn kém; còn tắm, giặt thì dùng nước sông".

Đặc biệt, người dân thôn Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa) dù ở cạnh nhà máy cấp nước sạch nhưng vẫn thiếu... nước sạch(!) Khoảng 230 hộ dân ở địa phương phải sử dụng nguồn nước giếng không đảm bảo vệ sinh. Vào mùa nắng nóng, các giếng khoan của Nhà máy cấp nước Phước Thuận, đóng tại xóm Huỳnh Bắc, thôn Huỳnh Mai  hoạt động làm cạn kiệt mạch nước ngầm, khiến giếng đào của gần 30 gia đình ở xóm Huỳnh Bắc bị khô cạn, gây thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Nhiều khu dân cư không có nước sạch sử dụng dù đường ống đã đến tận nhà.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng - Giám đốc Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường H. Tuy Phước, cho biết: Đơn vị thực hiện cung cấp nước sạch cho các xã Phước Quang, Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Thuận; nguồn nước lấy từ các nhà máy cấp nước Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Quang, Phù Cát. Do một số khu dân cư ở xa đường ống dẫn nước, nhu cầu sử dụng nước vào mùa nắng nóng tăng cao nên xảy ra tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt. Nhà máy cấp nước Phước Thuận có công suất thiết kế 900 m3/ngày, đêm (27.000 m3/tháng), chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của hơn 2.800 hộ dân. Hiện nay, số hộ dân ở xã Phước Thuận có hợp đồng sử dụng nước với Ban Quản lý Nước sạch và vệ sinh môi trường huyện đã gần 4.000 hộ; nhu cầu sử dụng nước trên 35.600 m3/tháng, cao hơn so với công suất thiết kế, nên thường xuyên gây thiếu hụt nước tại các khu dân cư ở xa như thôn Diêm Vân, Lộc Hạ. Ngoài ra, Nhà máy cấp nước Phước Thuận cũng không đảm bảo điều kiện đấu nối mở rộng cung cấp nước cho tất cả người dân ở thôn Huỳnh Mai.

Được biết, trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra tại nhiều xã, UBND huyện Tuy Phước đã có văn bản tổng hợp, báo cáo gửi các sở, ngành và UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ. Theo đó, hiện các xã Phước An, Phước Thành, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Hưng, Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng đều xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt với tổng số hơn 13.000 hộ gia đình. Trong đó, các xã có số hộ thiếu nước sinh hoạt nhiều là Phước An (2.519 hộ), Phước Thành (2.430 hộ), Phước Hiệp (2.850 hộ), Phước Lộc (1.154 hộ), Phước Hưng (1.020 hộ), Phước Quang (1.051 hộ).

Theo ông Trần Kỳ Quang - Phó Chủ tịch UBND H. Tuy Phước, kinh phí thực hiện cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các xã ước tính khoảng 700 triệu đồng, gồm hỗ trợ mở mạng cấp nước sinh hoạt và hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân không khai thác được nguồn nước tại địa phương. UBND huyện rất mong các sở, ngành và UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí này để đảm bảo cấp nước sinh hoạt, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân trong thời điểm nắng hạn kéo dài hiện nay.

DƯƠNG MINH