Báo Công An Đà Nẵng

Hàng giả, hàng dỏm tràn ngập thị trường

Thứ tư, 28/09/2016 09:37

(Cadn.com.vn) - Hàng giả, hàng nhái, hàng dỏm đang tràn ngập thị trường. Thậm chí đến người chết vẫn phải dùng quan tài dỏm. Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng Trần Văn Thiết đã cho biết như vậy tại hội thảo chuyên đề hôm 27-9.

Hàng giả tràn lan

Qua một số khảo sát, ông Thiết cho biết hàng giả, hàng dỏm không chỉ có trong các "mẹt" hàng tạp hóa trên các chợ vùng sâu, vùng xa, trên hè phố mà len lỏi cả vào những siêu thị cao cấp. Trong thời đại vàng thau lẫn lộn như hiện nay, hàng dỏm không chừa ai, ngay cả người chết vẫn phải dùng quan tài dỏm. Cũng theo ông Thiết, hàng dỏm rất đa dạng về mẫu mã, "linh động" về giá cả và phong phú về chủng loại. Hệ lụy của hàng dỏm để lại không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho những người sản xuất chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng, đặc biệt là thực phẩm, thuốc chữa bệnh... khiến bệnh tật thi nhau "nẩy nở" trong cơ thể người tiêu dùng. Số liệu của Quản lý thị trường Đà Nẵng cho thấy, trên địa bàn TP từ năm 2013 đến 2015 có hơn 50 ngàn đơn vị hàng hóa dỏm bị tiêu hủy, trị giá trên 10 tỷ đồng. Riêng nửa năm 2016, QLTT đã xử lý 72 vụ hàng dỏm, xử phạt trên 500 triệu đồng. Những con số nêu trên là rất nhỏ so với thực tế thị trường, bởi chính các ngành chức năng kiểm soát thị trường cũng thừa nhận việc kiểm soát không xuể và tồn tại nhiều bất cập.

Lý giải vì sao hàng dỏm tràn ngập thị trường, ông Thiết nói do phối hợp giữa các lực lượng chưa tốt. Đơn cử như vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ có tới 5 cơ quan, tuy đông nhưng không mạnh, thậm chí chồng chéo nhau. Mặt khác, hàng dỏm lộng hành do quá tinh vi, người dùng không phát hiện được, song cũng một phần do người dùng ham rẻ, tạo "đất sống" cho hàng dỏm. Trong khi đó ông Nguyễn Nho Hậu- Phó Chi cục trưởng QLTT Đà Nẵng nhìn nhận, khi mua hàng, người dùng phần lớn chỉ so sánh về giá cả, khi mua phải hàng dỏm thì ngại thông báo với cơ quan chức năng. Trong khi đó, doanh nghiệp biết sản phẩm của mình bị làm giả, nhái nhưng không dám cung cấp thông tin vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, do cạnh tranh. "Để chứng minh hàng đó là giả thì phải có tiêu chuẩn hàng thật để so sánh, nhưng cái này nhà sản xuất sợ lộ, không dám cung cấp, vì thế đấu tranh với hàng giả khó lắm"- ông Hậu chia sẻ.

Hàng dỏm không nhãn mác, xuất xứ được bán tràn lan trên vỉa hè Đà Nẵng.

Quản lý nhiều bất cập

Công tác kiểm soát, đấu tranh với hàng giả, hàng dỏm khó không chỉ bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng dỏm ngày càng tinh vi mà còn vướng bởi những rào cản trong qui định. Ông Nguyễn Tứ- Chi Cục trưởng Chi cục chất lượng Nông Lâm Thủy sản Đà Nẵng nói: Luật qui định khi tiến hành thanh tra phải thông báo trước cho cơ ở ít nhất 5 ngày về toàn bộ nội dung thanh tra, thành phần đoàn... Điều này khác gì báo trước cho cơ sở kinh doanh đối phó, làm sao hoạt động thanh tra có hiệu quả. Hoặc sản phẩm nông sản qua chế biến không bao gói chưa có qui định buộc ghi thông tin về xuất xứ sản phẩm nên  không biết nơi sản xuất có an toàn không. Chẳng hạn 1 đòn chả bán ngoài chợ, Luật không bắt buộc ghi xuất xứ, chẳng biết nó được làm từ đâu, cơ sở đó có an toàn không, bỏ hóa chất gì trong hàng hóa, điều đó khác gì tiếp tay cho hàng kém chất lượng ung dung ra thị trường. Một bất cập khác trong quản lý thị trường mà ông Tứ nêu lên, đó là tính hình thức. Một mẫu kiểm nghiệm hàng hóa để xác định không an toàn, là hàng dỏm nhanh nhất cũng từ 8-10 ngày, lúc đó gần như hàng hóa đó đã ở trong bụng người tiêu dùng.

QLTT Đà Nẵng đang kiểm tra một lô hàng giả.

Ông Trần Văn Thiết thẳng thắn nhìn nhận Luật hiện còn nhiều kẽ hở để những đối tượng cơ hội làm ăn chụp giật, lách luật thậm chí là "xé rào" để làm hàng dỏm. Đơn cử như quản lý mũ bảo hiểm dỏm hiện rất lúng túng. Những người sản xuất mũ dỏm thì bảo sản xuất mũ thời trang bán cho người đi bộ, xe đạp. Những người bán thì chưng biển mũ bảo hiểm siêu rẻ, nhưng toàn bán cho người đi mô-tô và xe máy, nếu bị kiểm tra thì họ nói bán cho người đi xe đạp, người đi bộ. Vậy là, những mũ bảo hiểm kém chất lượng cứ được sản xuất, bày bán công khai mà không thể xử lý được.

Rõ ràng hàng dỏm đang là thách thức rất lớn, trực tiếp tác động tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên cơ chế kiểm soát, loại bỏ các mặt hàng này đang tồn tại nhiều bất cập. Nói như ông Nguyễn Nho Hậu, muốn loại bỏ hàng dỏm ra khỏi đời sống thì không chỉ có trách nhiệm của các ngành chức năng mà cần thái độ hợp tác của nhà sản xuất và ý thức lựa chọn hàng chất lượng, tẩy chay hàng rẻ, kém chất lượng từ người tiêu dùng phải được nâng lên.

Hải Quỳnh