Báo Công An Đà Nẵng

Hàng không thế giới trước mối lo khủng bố

Thứ năm, 19/11/2015 09:52

(Cadn.com.vn) - Việc Nga xác nhận máy bay A321 bị rơi ở sa mạc Sinai, Ai Cập là do bị bom làm dấy lên mối lo ngại cho an ninh hàng không thế giới -  đặc biệt là ở các sân bay. Giới chuyên gia tính đến kết cục đổi mới hơn về an ninh. Một số chuyên gia cho rằng, cần có thêm thông tin tình báo từ cả hành khách và nhân viên sân bay.

Trong nhiều thập kỷ qua, máy bay luôn là mục tiêu chính trong các cuộc tấn công khủng bố bởi chỉ cần vụ nổ tương đối nhỏ là đủ để hạ máy bay lớn gây nhiều thương vong.

Giám đốc điều hành của Easyjet, Carolyn McCall, cho biết, "cứ nghĩ đến việc bom được đặt trên máy bay khiến giám đốc điều hành các hãng hàng không không thể ngủ yên giấc". Bà lo ngại, "một số sân bay" trên thế giới, tiêu chuẩn an toàn không đảm bảo.

Có thể làm gì?

Không có tiêu chuẩn toàn cầu đối với an ninh sân bay. Chúng được nhắc đến trong Phụ lục 17 của Công ước Chicago, tài liệu đặt ra các quy tắc quốc tế cho ngành công nghiệp vận tải hàng không. Theo đó, cả hành khách và hành lý cần được sàng lọc trước khi được cho phép lên máy bay.

Tuy nhiên, đây chỉ là những yêu cầu tối thiểu. Chính phủ mỗi nước quyết định cách thực hiện, và tất nhiên các sân bay tuân theo quy định này. An ninh tại các sân bay lớn như London Heathrow rất tốt, với đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản. Nhưng tại các sân bay địa phương, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, tiêu chuẩn này khá lỏng lẻo. Các tổ chức như Cục An ninh Giao thông Mỹ (TSA) có đại diện ở nước ngoài làm nhiệm vụ giúp chính phủ các nước tăng cường an ninh, nhưng theo các chuyên gia, kết quả không như mong đợi. TSA bị chỉ trích nặng nề hồi đầu năm nay, khi để các nhân viên chính phủ buôn lậu vũ khí giả, vật liệu nổ tại các sân bay của Mỹ đến 67 lần.

Hành khách xếp hàng để kiểm tra an ninh tại sân bay. Ảnh: BBC

Sàng lọc dựa trên thông tin tình báo

Các nước phải làm gì để cải thiện tình hình? Việc kiểm tra hành khách đã được thắt chặt đáng kể sau vụ tấn công 11-9-2001 và vụ tấn công của "kẻ đánh bom giày" Richard Reid. Thậm chí hiện nhiều hành khách đôi khi được yêu cầu bỏ giày khi đi qua cửa an ninh và quy định cấm mang theo các chất lỏng lên máy bay vẫn còn hiệu lực.

Theo Ben Vogel, biên tập viên của tờ Jane's Airport Review, không cần có thêm những quy định cấm kiểu như vậy. "Trong thời gian qua đã diễn ra buổi thảo luận về sàng lọc dựa trên thông tin tình báo và rủi ro", ông nói. Ông Matthew Finn, giám đốc quản lý của Trung tâm tư vấn an ninh Augmentiq, cũng đồng ý với ý kiến này. "Chúng ta không thể tiếp tục xem mỗi hành khách đều đặt ra cùng một lượng rủi ro. Bà cụ 85 tuổi và em bé 3 tuổi không đặt ra cùng một lượng rủi ro như một người đã từng được các nhà chức trách chú ý, sử dụng vé một chiều đi đến một điểm đến đáng lo ngại", ông nói. Cách tiếp cận này chắc chắn sẽ được hành khách hoan nghênh, qua đó làm giảm sự chậm trễ và căng thẳng tại sân bay.

Ưu tiên nhân viên sân bay

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ưu tiên hiện nay nên tập trung vào những người thực sự làm việc trong sân bay chứ không phải là hành khách.

Ví dụ như, nhân viên an ninh thường được trả lương thấp và đào tạo kém. Ở những nước thường xuyên xảy ra tham nhũng, họ có thể được trả tiền để làm ngơ đối với những hành lý đáng ngờ. Lương thấp cũng khiến các nhân viên có kinh nghiệm rời bỏ công việc. "Các công nghệ, nhân lực và thủ tục tại sân bay chỉ có hiệu quả nếu chúng được triển khai chính xác", ông Matthew Finn nói. Nhưng nhân viên an ninh không phải là đối tượng duy nhất cần được kiểm tra kỹ càng. Bất cứ ai làm việc tại sân bay đều nguy hiểm, như nhân viên hành lý, tài xế xe buýt, nhân viên bảo trì.

An Bình
(Theo BBC)