Báo Công An Đà Nẵng

Hàng loạt Bộ trưởng từ chức, Thủ tướng Anh đối mặt khủng hoảng

Thứ năm, 07/07/2022 11:37
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải), cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid (trái) và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (giữa). Ảnh: AFP

Không hài lòng với cách điều hành chính quyền

Bộ trưởng Y tế Sajid Javid và Tài chính Rishi Sunak ngày 5-7 nộp đơn xin từ chức vì không hài lòng với cách điều hành chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson. "Với tôi, từ chức trong lúc thế giới đang đối mặt với những hậu quả kinh tế của đại dịch, cuộc xung đột ở Ukraine cùng những thách thức nghiêm trọng khác không phải một quyết định dễ dàng", Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho hay. "Công chúng thực sự mong đợi chính phủ được điều hành một cách đúng đắn, hợp lý và nghiêm túc. Tôi nhận ra đây có thể là chức bộ trưởng cuối cùng của mình, nhưng tôi tin rằng những tiêu chuẩn này đáng để đấu tranh và đó là lý do tôi từ chức", ông Sunak cho biết.

Bộ trưởng Sunak được cho là có nhiều bất đồng với Thủ tướng Anh Boris Johnson về chi tiêu chính phủ. Ông nhận được nhiều lời khen ngợi vì cách phản ứng với tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch COVID-19, nhưng bị tổn hại uy tín nặng nề vì thông tin rằng vợ ông đã trốn một số loại thuế ở Anh.

Trong khi đó, trong đơn từ chức gửi Thủ tướng Anh, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid viết: "Được phục vụ trong vai trò này là một đặc ân to lớn, nhưng tôi rất tiếc vì không còn có thể tiếp tục với sự tận tâm hết lòng". Ông Javid nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Johnson vào tháng trước là "một khoảnh khắc cho sự nhún nhường, kiềm chế và hướng đi mới". Bộ trưởng Y tế Javid cho biết nhiều nhà lập pháp Anh và công chúng đã mất niềm tin vào năng lực điều hành chính phủ vì lợi ích quốc gia của Thủ tướng Johnson. "Rõ ràng tình hình này sẽ không thay đổi dưới sự lãnh đạo của ông và do đó ông cũng đã đánh mất niềm tin của tôi", ông Javid viết trong đơn từ chức.

Sau quyết định của Bộ trưởng Sunak và Javid, Thủ tướng Johnson đã lập tức bổ nhiệm Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi làm Bộ trưởng Tài chính mới. Chánh văn phòng Nội các Anh Steve Barclay được điều động giữ chức Bộ trưởng Y tế.

Ngày 6-7, tiếp tục có thêm 2 quan chức cấp cao trong Chính phủ Anh thông báo từ chức sau quyết định tương tự của Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính. Cụ thể, Bộ trưởng Trẻ em và Gia đình Will Quince đã thông báo quyết định rời Nội các và khẳng định "không có lựa chọn nào khác ngoài từ chức". Trong khi đó, Quốc vụ khanh phụ trách Giao thông và là nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền, bà Laura Trott cũng đưa ra tuyên bố tương tự với lý do "mất niềm tin" vào chính phủ đương nhiệm.

Theo CNN, còn rất nhiều quan chức khác bày tỏ ý định rời khỏi chính phủ. Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ Bim Afolami đã thông báo trực tiếp trên truyền hình rằng ông sẽ từ chức. Bên cạnh đó, ông Afolami cũng kêu gọi ông Johnson từ bỏ quyền lực, nói rằng Thủ tướng không còn nhận được sự ủng hộ của đảng hay đất nước nữa. Ngoài ra, ông Alex Chalk - quan chức hàng đầu về pháp luật của Văn phòng Tổng chưởng lý Anh - hôm 5-7 đã thông báo từ chức, nhấn mạnh rằng đã đến lúc "cần một sự lãnh đạo mới". Cùng ngày, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Maroc, ông Andrew Murrison, cũng đã từ chức, nói rằng "vị trí của ông Boris Johnson đã không thể phục hồi được nữa". Trong khi ít nhất năm quan chức cấp cơ sở cũng quyết định từ chức.

Đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm

Nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền Chris Skidmore ngày 6/7 đã đệ trình một lá đơn yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Theo Reuters, động thái diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Anh phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức ngày càng tăng. Nghị sĩ Skidmore kêu gọi thay đổi các quy định của đảng Bảo thủ để xúc tiến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với người lãnh đạo Số 10 Phố Downing. Theo ông Skidmore, "điều quan trọng là Ủy ban 1922 phải khẩn trương xem xét lại các quy định ngăn một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm".

Thủ tướng Johnson đang đối mặt hàng loạt bê bối, đối mặt chỉ trích vì mở tiệc giữa lúc Anh phong tỏa vì COVID-19 hồi năm 2020. Dù mới đây ông đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng Bảo thủ liên quan đến bê bối "Partygate", song tỷ lệ nghị sỹ bỏ phiếu chống lại ông cũng lên tới hơn 40%.

Bên cạnh đó, đảng Bảo thủ cũng để mất hai ghế Hạ nghị sỹ trong cuộc bầu cử bổ sung hồi tháng trước. Mới đây nhất, Thủ tướng Johnson đã phải lên truyền hình xin lỗi về việc bổ nhiệm một nghị sỹ làm quan chức phụ trách kỷ luật của đảng dù đã được thông báo về việc ông này đang vướng vào vụ bê bối quấy rối tình dục.

Trong khi đó, các nhà kinh tế dự đoán Anh có nguy cơ bước vào thời kỳ suy thoái vì những bất ổn hiện nay liên quan đến tình trạng tăng giá và khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu. Hôm 5-7, giá khí đốt của Anh đạt mức cao nhất trong ba tháng khi công ty năng lượng Equinor cho biết các mỏ trên thềm lục địa của Na Uy, nơi sản xuất tương đương 89.000 thùng dầu mỗi ngày, sẽ tạm dừng sản xuất.

Theo một nghiên cứu mới từ nhóm tiêu dùng Which?, hơn 2 triệu hộ gia đình tại Vương quốc Anh đã không thể thanh toán hóa đơn sinh hoạt hàng tháng trong năm nay trong bối cảnh người dân đang phải cố gắng chống chọi với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trong tháng 6-2022, ước tính có khoảng 2,1 triệu hộ gia đình đã không thể thanh toán ít nhất một loại tiền như tiền thế chấp, tiền thuê nhà, khoản vay, thẻ tín dụng hoặc hóa đơn tiện ích. Nghiên cứu này, dựa trên cuộc thăm dò trực tuyến với 2.000 người tiêu dùng, cho thấy số người gặp khó khăn về tài chính vẫn ở mức cao. Cứ 10 người tiêu dùng thì có 6 người cho biết họ phải điều chỉnh kế hoạch chi tiêu để trang trải cho những chi tiêu thiết yếu. Con số này tương tự với mức ghi nhận được trong tháng Tư và tháng 5-2022, nhưng cao hơn nhiều so với một năm trước (khoảng 40%).

AN BÌNH