Hàng loạt điểm sạt lở, xuất hiện hàm ếch trên đèo Hải Vân khiến xe tải đi trong nơm nớp
Đoạn đường lên đèo Hải Vân phía Đà Nẵng được ghi nhân bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với phía Thừa Thiên Huế. Đã hơn nửa tháng trôi qua nhưng cơ quan chức năng chỉ mới cơ bản hoàn thành viện giải phóng đất đá khỏi mặt đường để cho lưu thông xe chứ chưa thể gia cố, khắc phục.
Những ngày qua khu vực đèo Hải Vân vẫn tiếp tục có mưa nên một số điểm khắc phục chưa thể giải phóng bước 1 hoàn toàn. Hàng nghìn khối đất đá chưa thể đưa khỏi hiện trường để đảm bảo lưu thông thuận lợi. Tại cung đường được xem là cảnh đẹp dọc đường thiên lý Bắc - Nam có nhiều điểm như đường miền núi. Xe cộ phải nhường đường cho nhau khi đi qua
Theo các tài xế xe đường dài, thời gian lưu thông qua đèo Hải Vân tăng lên gấp rưỡi so với trước đây vì phải vừa giảm tốc độ, vừa dừng để tránh nhau. Có nhiều đoạn vách núi lộ ra những tảng đá, khối đất lớn có thể đổ xuống đường bất cứ lúc nào.
Từ Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đi lên khoảng 3km xuất hiện một đoạn sạt lở nguy hiểm nhất cung đường này. Phía sườn núi là 2 vệt sụt lớn, trở thành dòng chảy mới sau đợt mưa kỷ lục 14-10. Trong khi đó phía taluy âm là một "hàm ếch" rộng hàng chục mét và sâu vào phía tim đường. Xe cộ đi qua vị trí này nơm nớp lo sợ.
Anh Nguyễn Văn Bảo, một người bán cà phê, nước giải khát ở vị trí này cho biết, đêm 14-10 quán của anh bị cuốn mất một nửa, còn quán bên cạnh bị nước từ thượng nguồn xóa sổ hoàn toàn. Do rừng thông trước đây đã không còn nên đất đá cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đoạn đường bị tê liệt nhiều ngày.
Theo đại diện Cty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (đơn vị quản lý vận hành đoạn đường lên đèo Hải Vân), ngay sau khi xảy ra sạt lở, đơn vị đã huy động lực lượng và phương tiện khơi thông tuyến.
Các điểm sạt lở nhiều nên đến nay việc khắc phục mới chủ yếu để đảm bảo giao thông bước một. Còn đối với đá lớn sạt lở xuống đường đèo, Cục Đường bộ đang xác nhận khối để đưa ra phương án xử lý.
Công Khanh