Báo Công An Đà Nẵng

Hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý sử dụng đất và đầu tư các dự án ở Gia Lai

Thứ ba, 25/11/2014 18:04

(Cadn.com.vn) - Trao đổi với Báo Công an TP Đà Nẵng ngày 25-11, UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đang tiến hành kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền xung quanh kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng một số dự án trên địa bàn.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Công văn số 2834/TB-TTCP thông báo Kết luận thanh tra “Về việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng một số dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Qua đó, TTCP tiến hành thanh tra ở 4 nội dung: công tác quản lý nhà nước đối với đất đai, công tác quản lý khai thác khoáng sản, công tác triển khai các dự án thủy điện và đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng. Qua đó, TTCP đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý cũng như chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, TTCP phát hiện: UBND TP Pleiku (Gia Lai) không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để quản lý xây dựng đô thị dẫn đến việc phát triển không gian, kiến trúc đô thị không đúng, chắp vá, thiếu đồng bộ, không phù hợp với quy chuẩn thành phố đô thị loại II. Không những thế, việc thu hồi đất, giao đất thiếu căn cứ, gây lãng phí tài nguyên. Trách nhiệm này thuộc về thường trực UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND TP Pleiku.

Bên cạnh đó, việc giao đất ở TP Pleiku, thị xã An Khê và huyện Chư Păh chưa tuân thủ các quy định như giao đất không đúng quy hoạch, không tổ chức đấu giá đất, giao đất theo khung giá cho các đối tượng không đủ tiêu chuẩn. Điều này vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, gây thất thu ngân sách nhà nước. Trách nhiệm này thuộc về thường trực UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở TN&MT, UBND và các phòng, ban của TP Pleiku, thị xã An Khê, H. Chư Păh.

Buông lỏng trong công tác quản lý khiến đập thủy điện Ia Krel 2 vỡ 2 lần ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Đối với các dự án được giao đất để kinh doanh phát triển nhà: UBND tỉnh Gia Lai đã không tổ chức đấu giá mà giao đất có thu tiền sử dụng đất là vi phạm Luật đất đai tại các dự án: khu phố mới Hoa Lư- Phù Đổng, khu dân cư Phượng Hoàng I, khu đô thị Cầu Sắt và tiền đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) Hội Phú. Bên cạnh đó, thiếu đôn đốc để thu tiền giao đất lần 1 của dự án khu phố mới Hoa Lư- Phù Đổng theo đúng quy định của nhà nước và thỏa thuận giữa UBND tỉnh với Cty FBS để Cty này nợ hơn 6,2 tỷ đồng. Đối với dự án Khu đô thị Cầu Sắt và TTTM Hội Phú các ngành chức năng chưa tiến hành quyết toán, đối trừ tiền giải phóng mặt bằng và tiền đầu tư xây dựng TTTM Hội Phú do Cty CP GP.Highland ứng trước vào tiền sử dụng đất của các dự án nên Cty này còn nợ tiền sử dụng đất trên sổ sách gần 135 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã tính toán, thẩm định không đúng, buông lỏng giám sát một số dự án trên, nếu không phát hiện dễ gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền gần 55,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép UBND tỉnh Gia Lai chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su, từ năm 2008-2012 tỉnh Gia Lai đã giao hơn 35,3 nghìn héc-ta đất rừng cho doanh nghiệp. Với mục tiêu của Chính phủ đặt ra là sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất tại Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Thế nhưng, tỉnh Gia Lai đã thực hiện không đạt các mục tiêu đề ra, để xảy ra sai phạm. UBND tỉnh Gia Lai đã triển khai kế hoạch trồng cao su đến năm 2012 không căn cứ vào quy hoạch, giao đất ngoài quy hoạch gần 5.000ha cho 29/52 DN thuê đất để trồng cao su trong năm 2010-2011. Bên cạnh đó, buông lỏng quản lý đất đai, để Cty TNHH cao su Chư Sê thỏa thuận đền bù đất sản xuất của người dân lấy đất trồng cao su (hơn 233ha đất nông nghiệp của các hộ đồng bào DTTS) gây nguy cơ tiềm ần khiếu nại, tố cáo, gây mất ổn định.

Buông lỏng quản lý rừng, lâm sản tận thu khi chuyển rừng nghèo sang trồng cao su. Việc thu hút lao động đối với người dân đồng bào DTTS còn hạn chế, tỷ lệ đạt thấp, các doanh nghiệp sau khi được thuê đất trồng cao su chưa thực hiện đúng cam kết về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, trường, trạm) cho địa phương có đất giao. Việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền ký quĩ phục hồi môi trường, thuế tài nguyên chưa được quan tâm, đôn đốc, xử lý kịp thời theo đúng các quy định của nhà nước dẫn đến số tiền nợ động ở các huyện và các dự án trồng cao su, thủy điện, khoáng sản đến 31-12-2012 là gần 75 tỷ đồng. Trách nhiệm trên thuộc về thường trực UBND tỉnh Gia Lai, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Cục thuế và các ngành chuyên môn của tỉnh này và các huyện.

Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, tỉnh này chưa chỉ đạo các ngành chức năng công bố quy hoạch thủy điện theo trình tự thủ tục qui định, quá trình chấp thuận đầu tư và cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án chưa đúng quy hoạch được duyệt dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch. Đặc biệt, có hiện tượng vừa thi công, vừa xin điều chỉnh quy hoạch nên việc quản lý công trình rất khó khăn, tiềm ẩn gây hậu quả do chất lượng công trình không đảm bảo. Hậu quả là 2 lần xảy ra sự cố vỡ đập, đê quây thủy điện Ia Krel 2 (xã Ia Dom, H. Đức Cơ, Gia Lai). Đồng thời tại Công văn số 2834, TTCP cũng kết luận nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng một số dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.

Từ các sai phạm qua đợt thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: giao Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực này. Ban hành quyết định thu hồi 14 dự án thủy điện do chậm tiến độ, loại ra khỏi quy hoạch 17 dự án. Xem xét, xử lý việc Cty cao su Chư Sê tự thỏa thuận đền bù để lấy hơn 233 ha đất nông nghiệp của người dân để trồng cao su…Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng như kết luận thanh tra và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT có kế hoạch kiểm tra đánh giá toàn diện việc thực hiện quy hoạch phát triển rừng của tỉnh Gia Lai để có biện pháp quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổng kết đánh giá việc thực hiện chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung để có giải pháp phát triển bền vững.

P.V