Báo Công An Đà Nẵng

Hàng loạt tàu cá “chết dở” vì quy định mới

Thứ năm, 04/07/2019 12:50

Cũng giống như các tỉnh thành ven biển, hàng loạt tàu cá của Đà Nẵng đối mặt với nguy cơ nằm bờ sau quy định mới của Bộ NN&PTNT. Đội tàu đánh bắt xa bờ của thành phố bao đời bám biển khai thác vùng khơi, giờ bị “trói chân” ở vùng lộng 60 hải lý trở về. Theo phản ánh của ngư dân, việc Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 1314 (ngày 27-2-2019) và Công văn 2030 (ngày 25-3-2019) khiến nhiều tàu cá có công suất lớn nhưng chiều dài dưới 15m gặp khó.

Nhiều tàu cá của ngư dân Đà Nẵng sẽ không được phép khai thác vùng khơi như từ trước đến nay nếu quy định của Bộ NN&PTNT được thực hiện.

Ngư dân khốn đốn

Câu chuyện được bàn tán nhiều nhất, và trở thành mối lo lắng lớn nhất của cộng đồng ngư dân có tàu đang neo tại âu thuyền Thọ Quang thời gian qua chính là “câu chuyện 15m”. Nhiều chủ tàu đang hoang mang tàu của mình có công suất lớn nhưng kết cấu lại thiếu vài chục cen-ti-mét nữa mới đủ 15m thì ra đánh bắt vùng khơi như từ trước tới nay sẽ bị xử lý thế nào. Số còn lại muốn cải hoán đủ chiều dài như trong quy định để yên tâm vươn khơi thì lại vướng phải quy định về hạn ngạch, Đà Nẵng chỉ được giao 523 giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Không chỉ bị “bó chân” về phạm vi đánh bắt, trái sở trường về ngành nghề khai thác, hàng trăm tàu cá sẽ thiếu hụt lao động khi buộc phải rời bỏ để đầu quân cho các tàu trên 15m đi khai thác ở ngư trường xa. Nếu như vậy, nhiều gia đình sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản do tàu nằm bờ mà nợ nần ngân hàng đã vay trước đây để đầu tư tàu chưa trả hết, có muốn bán tàu cũng không được.

P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà là địa phương có nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó có 72 tàu cá công suất lớn nhưng chiều dài dưới 15m tham gia các tổ đội đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa qua nhiều đời. Nhưng gần 2 tháng trở lại đây họ đã hết sức hoang mang với quy định mới của Bộ NN&PTNT. Nghiệp đoàn nghề cá của phường đã tập hợp ý kiến của bà con ngư dân để kiến nghị lên UBND TP Đà Nẵng và Bộ NN&PTNT có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Ông Nguyễn Bi - chủ tàu cá ĐNa - 90502 cho biết, theo quy định trước đây, tàu có công suất 90CV trở lên là đủ điều kiện khai thác vùng khơi, nhưng nếu theo quy định mới thì tàu của ông là  420 CV cũng buộc phải lui về vùng lộng phía trong vì tàu chỉ dài 14,5m. Cách đấy mấy chục năm, ông chỉ sở hữu một con tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, nhưng theo chủ trương của nhà nước, ông dần dần tích cóp, vay mượn để đầu tư tàu lớn, mua sắm ngư lưới cụ và thiết bị hiện đại hơn. Chưa thể thu hồi vốn, nợ ngân hàng trả chưa xong giờ chủ trương mới ra đời khiến ông có khả năng vỡ nợ. “Chúng tôi không hiểu vì sao lại có quy định vùng đánh bắt căn cứ vào chiều dài của tàu. Có tàu công suất lớn nhưng chỉ ngắn hơn mấy chục phân mà không được ra khơi trong khi tàu khác nhỏ hơn nhưng dài hơn một tí lại có thể đi xa bờ. Chẳng lẽ vì quy định này mà chúng tôi phải bỏ nghề mà mình gắn bó, mưu sinh hàng chục năm nay. Quy định hết sức vô lý và không thực tế, khiến ngư dân thiệt thòi”, ông Bi bức xúc. Cùng cảnh ngộ với ông Bi, tàu cá ĐNa – 90951 của ông Nguyễn Văn Minh có công suất hơn 420CV nhưng cũng sẽ phải nằm bờ vì giấy tờ đăng ký, đăng kiểm chỉ dài… 14,9m. Tức là thiếu 10cm mới đủ điều kiện để ra khơi đánh bắt ở ngư trường xa theo quy định mới. Ông Minh phân tích, nếu không thể ra khơi thì không những các chế độ chính sách được hưởng từ trước tới nay cũng sẽ không còn mà đánh bắt ở vùng biển gần cũng không hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Cao Văn Minh – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) cho hay, theo Công văn số 1314 của Bộ NN&PTNT, cơ quan chức năng sẽ không cấp phép cho tàu dài dưới 15m khai thác vùng biển xa bờ như từ trước tới nay, thay vào đó những tàu nằm trong diện này phải lùi về khai thác các ngư trường vùng lộng (60 hải lý). Theo ông Minh, cả phường có 72 tàu cá nằm trong diện này thì hiện đã có 32 tàu đã nằm bờ. 40 tàu cá còn lại có nguy cơ không thể tiếp tục hoạt động do chính sách mới gây khó cho ngư dân. Khi vào đánh bắt gần bờ sẽ không còn hiệu quả vì không đúng ngành nghề. Đánh bắt sản lượng kém, thu nhập thấp thì bạn tàu sẽ phải dịch chuyển qua đầu quân cho các tàu lớn. Nếu không còn lao động, tàu sẽ phải nằm bờ chờ phá sản thôi chứ nợ nần ngân hàng, vướng các quy định nên cũng không thể bán mà chuyển đổi ngành nghề nữa. “Không được ra khơi, nhưng cũng không thể bán thì chỉ có ôm nợ, có muốn chuyển đổi ngành nghề cũng chịu. Thực tế thì tàu dài 14m hay 15m là có sức chịu đựng sóng gió và độ an toàn như nhau. Chỉ có dân đi biển mới biết. Đây là chính sách không thực tế với nghề biển hiện nay, làm cho ngư dân lo lắng.  Không chỉ sản lượng khai thác xa bờ giảm đi, ảnh hưởng đến đóng góp của  ngành thủy sản cho nền kinh tế mà hình bóng của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống, trên vùng biển chủ quyền cũng ít hơn”, ông Minh nói.

Thêm một vấn đề nữa gây bất lợi cho ngư dân Đà Nẵng là ngày 2-5 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS về việc giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Đà Nẵng được giao 523 giấy phép (bằng số tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên). Như vậy, các tàu có chiều dài dưới 15m không thể thực hiện cải hoán vì không còn hạn  ngạch để cấp, khiến đội tàu này phải từ bỏ ngư trường truyền thống. Theo cộng đồng ngư dân, cơ quan chức năng lý giải việc cấp hạn ngạch tàu cá nhằm mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhưng đây chưa hẳn đã là một giải pháp tốt. Hiện tại ở vùng lộng nguồn lợi hải sản đã giảm, nếu những tàu trước đây khai thác vùng khơi tập trung về khai thác, mật độ nhiều lên sẽ khiến nguồn lợi ở đây cạn kiệt hơn. Trong khi đó, ở vùng biển xa, nguồn lợi thủy sản đa dạng, đội tàu công suất lớn lại ít hơn trước. 

Ông Cao Văn Minh: “Quy định mới của Bộ NN&PTNT có nhiều điểm bất cập, sẽ làm khó ngư dân, khiến họ phải bỏ ngư trường truyền thống”.

Thấp thỏm chờ bộ

Ông Nguyễn Đỗ Tám – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho biết, sau khi nhận kiến nghị của Nghiệp đoàn Nghề cá P. Nại Hiên Đông, Sở đã có văn bản gửi Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT xem xét thấu đáo các vấn đề trong quy định mới theo phản ánh của cộng đồng ngư dân. Văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ NN&PTNT bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi để các tàu cá có chiều dài dưới 15m thực hiện cải hoán. Đi kèm với việc này là ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân có tàu cá trong diện này để chủ tàu có kinh phí thực hiện việc cải hoán. Trong trường hợp không nâng hạn ngạch, không hỗ trợ cải hoán, Bộ NN&PTNT cần có chính sách hỗ trợ xả bản, chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho ngư dân. Theo ông Tám, văn bản của Sở NN&PTNT về việc xử lý kiến nghị của Nghiệp đoàn nghề cá đã gửi cách đây một tháng nhưng hiện vẫn chưa có phản hồi.  “Hiện Sở cũng đang đợi ý kiến trả lời từ Bộ để có báo cáo lãnh đạo thành phố và thông tin cụ thể đến ngư dân rõ. Còn việc ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, khan hiếm lao động phải nằm bờ như thế nào thì cũng chỉ mới là dự  báo thôi. Chưa có kiểm chứng thực tế”, ông Tám trao đổi.

Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây, sau khi nghe ý kiến phản ánh của đại diện ngư dân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, vai trò của ngư dân, ngư nghiệp trong phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng đối với TP Đà Nẵng là hết sức quan trọng. Ông Nghĩa đề nghị UBND TP căn cứ vào thông tư, văn bản sớm làm việc với ngư dân để làm rõ những bất cập trong chính sách, khuyến khích ngư dân làm giàu từ biển. Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX sắp tới cũng sẽ thông qua một loạt chính sách hỗ trợ đối với ngư dân.

Trước đó, ngày 10-5-2019, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định: thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động khai thác, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, hiện đại hóa nghề khai thác; chú trọng hỗ trợ thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác và trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại trên biển. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển, đảo quốc gia.

CÔNG KHANH

Phải thay đổi vùng đánh bắt

Theo Nghị định 33 (ngày 31-3-2010) của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cá, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, hiện nay, theo Nghị định 26 (hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản mới), quản lý tàu cá không căn cứ theo công suất nữa mà phải đảm bảo tàu dài trên 15m mới được đánh bắt tại vùng khơi. Việc chuyển quản lý từ công suất sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu cá đang tạo ra sự phản ứng trong ngư dân cũng như  phản biện của cấp quản lý Nhà nước về thủy sản tại các địa phương. Hàng nghìn tàu cá phải thay đổi vùng đánh bắt từ vùng khơi về vùng lộng, ven bờ theo Công văn 1481 về việc giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố của Bộ NN&PTNT.