Báo Công An Đà Nẵng

Hàng ngàn hộ dân gặp khó khăn với khoản nợ tiền sử dụng đất

Thứ hai, 29/02/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - Hôm nay, ngày 29-2-2016 là hạn cuối cùng để hộ gia đình, cá nhân được UBND thành phố bố trí đất, giao đất ở tái định cư  nộp tiền sử dụng đất ở TP Đà Nẵng được hưởng chính sách hỗ trợ 25% số tiền lãi phát sinh. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến khảo nghiệm thực tế tại các nơi liên quan đến việc trả nợ tiền sử dụng đất của người dân và không khỏi giật mình.

Người dân thưa thớt đến làm thủ tục tại Trung tâm phát triển quỹ đất.

Im ắng trước giờ G

Thường thì vào những ngày cuối cùng của thời hạn thực hiện các chính sách mà trong đó, chính sách cũ có lợi hơn thì thường bắt gặp cảnh người dân chen chúc làm thủ tục,  nộp tiền để được áp dụng mức ưu đãi. Thế nhưng, tại Đà Nẵng, mặc dù thành phố đặt ra mức ưu đãi giảm đến 25% tiền lãi phát sinh đối với số nợ tiền sử dụng đất nhưng người dân không mấy mặn mà, nói đúng hơn là người dân không có tiền để nộp vì khoản tiền lãi cao ngất ngưởng. Sáng thứ sáu ngày 26-2, đã là ngày áp cuối của thời hạn ưu đãi (vì ngày 27, 28-2 rơi vào ngày thứ 7 và chủ nhật), có mặt tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ tái định cư của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy số lượng người đến làm thủ tục cũng không tăng hơn so với  bình thường. Hỏi thăm một số người cầm hồ sơ trên tay thì đa số là họ đến hỏi về các thủ tục nhập thửa, tách thửa, thừa kế... chứ ít thấy người nào đến làm thủ tục trả nợ tiền đất. Trong vai một người dân đến hỏi về việc nộp tiền sử dụng đất, người viết được một nhân viên ở đây cho biết vẫn còn nhận hồ sơ (bình thường phải mất 3 ngày) và còn nhắc nhở: "Nhanh lên nhé, thứ 2 là hạn cuối nộp tiền đấy...". Ở nơi nộp tiền sử dụng đất là Kho bạc Nhà nước thành phố cũng không khác mấy, khi chúng tôi đến có khoảng chục người đứng trước quầy nộp tiền, mỗi người có lý do nộp tiền khác nhau và chỉ khoảng 2, 3 người nộp tiền sử dụng đất, những người này phần lớn số tiền nợ còn lại ít nên họ cố nộp cho xong.

Gặp ông Q. đang tần ngần với tờ thông báo thu nợ tiền sử dụng đất trên tay, ông chia sẻ: Mặc dù được giảm 25% số tiền lãi phát sinh nhưng số tiền phải đóng quá lớn nên cũng đành chịu, thôi thì họ sao mình vậy chứ tiền đâu mà nộp, cả trăm triệu chứ phải chi là năm mười triệu thì cũng cố... Ông Q. cho biết, nhà ông ở P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, giải tỏa cách đây hơn 10 năm, tiền đền bù đất (100m2) và cả nhà cửa, vật kiến trúc... được khoảng 45 triệu đồng. Gia đình ông được bố trí một lô đất tái định cư (TĐC) diện tích khoảng hơn 80 m2 cũng ở trong phường và số tiền đất phải trả là gần 75 triệu đồng. Không có tiền để trả tiền đất nên ông đành ký nợ tiền sử dụng đất vào năm 2007, thời hạn nợ là 10 năm không tính lãi nhưng lại quy ra vàng. Những năm qua thành phố có nhiều chính sách thay đổi về nợ tiền sử dụng đất, từ tiền quy ra vàng, rồi lại từ vàng quy ra tiền và tính lãi, đến nay số tiền nợ của mảnh đất nhà ông Q. đã lên đến 127 triệu đồng (trong đó tiền lãi khoảng 53 triệu đồng), nếu được giảm 25% của 53 triệu đồng thì số tiền lãi vẫn còn là 40 triệu đồng, cộng với tiền gốc nữa là vị chi gần 115 triệu đồng. Ông Q. buồn rầu nói: "Mảnh đất tôi để không từ mười mấy năm nay chứ tiền đâu mà làm nhà, rồi bây giờ nợ lại tăng lên nữa, tiền đâu mà trả. Trước đây dù rách dù lành cũng có căn nhà của mình, nay nhà cũng không có mà còn ôm một cục nợ, tên thì trên giấy đó nhưng biết đến bao giờ mới thực sự là đất của mình".

Trong số các lô đất còn để trống, nhiều lô là do người dân chưa có tiền trả nợ và làm nhà.

Mơ được làm chủ mảnh đất của mình

TP Đà Nẵng vẫn tự hào là địa phương đạt nhiều thành tựu trong giải tỏa, đền bù, chỉnh trang đô thị với khoảng 100 ngàn hộ dân được giải tỏa, tái định cư ở những nơi mới khang trang, sạch đẹp, văn minh nhưng có một góc khuất phía sau là đến nay có khoảng 10% trong số các hộ được giải tỏa đang từ chỗ có nhà có đất đang trở thành... con nợ vì không trả nổi tiền sử dụng đất. Với số tiền được đền bù, nhiều người vay mượn thêm để làm nhà nhưng mảnh đất họ đang sử dụng vẫn thuộc của Nhà nước vì họ chưa trả được tiền sử dụng đất.

Ông Q. là một trong khoảng 9.000 hộ dân ở TP Đà Nẵng hiện đang nợ tiền sử dụng đất của Nhà nước (tính đến đầu năm 2016) đang bế tắc vì số tiền lãi phát sinh quá cao, vượt ngưỡng khả năng trả nợ. Ông bảo, riêng số tiền gốc mà trả cho được cũng đã hết hơi rồi, thêm tiền lãi mấy chục triệu nữa, hỏi tiền đâu ra. Đó là trường hợp ông Q. cũng còn cầm cự được đến giờ này chứ như bà B. đã phải bán đất từ năm ngoái. Nhà bà B.cũng thuộc diện giải tỏa khoảng năm 2004-2005, đền bù được hơn 40 triệu nhưng tiền đất tái định cư phải trả là khoảng 53 triệu. Bà ký nhận nợ quy ra hơn 50 chỉ vàng (giá vàng lúc đó khoảng 800 ngàn đồng/chỉ), gần 15 năm cứ đi ở ké hoài mà tiền đất thì không biết bao giờ mới trả được nên cuối năm 2014 bà đành bấm bụng bán đi mảnh đất TĐC để tính đến cách ra vùng ven kiếm mảnh đất rẻ hơn mới may có được chỗ ở. Lúc đi trả tiền sử dụng đất bà mới tái mặt khi biết số tiền nợ  ban đầu nay đã lên  hơn 125 triệu đồng. Cụ thể là, khi bà nhận nợ thì vàng được tính là 800 ngàn đồng/chỉ, khi trả nợ thì số vàng đang nợ lại được quy đổi thành tiền (số lượng vàng còn nợ x đơn giá vàng 1.260.000 đồng/chỉ) cộng thêm tiền lãi theo mức lãi suất 1%/tháng, thời gian tính lãi được tính từ ngày 1-7-2007 đến 15-6-2013. Theo cách tính này thì mỗi chỉ vàng mà bà B. nợ đã tăng thêm 460.000 đồng so với khi nhận nợ và còn cộng thêm lãi suất theo quy định nên tổng số tiền bà phải trả cao hơn gấp 2,5 lần số tiền nợ.

Việc thu tiền sử dụng đất có tính lãi quá cao đã gây khó khăn cho hàng ngàn hộ dân ở TP Đà Nẵng và người dân đã bức xúc phản ánh qua nhiều kỳ họp của HĐND TP. Mặc dù TP đã có một số chính sách như giảm từ 50% đến 25%  số tiền lãi nhưng so với mặt bằng đời sống của người dân thì vẫn là mức quá cao. Theo báo cáo hàng năm của UBND TP thì khoản thu tiền sử dụng đất chiếm gần 1/3 tỷ trọng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của TP Đà Nẵng, những năm gần đây, khoản thu này đang ngày càng giảm dần. Trước tình hình này, mong muốn của rất nhiều người dân là thành phố có những chính sách phù hợp để người dân có thể trả nợ được mà Ngân sách thành phố cũng thu được một nguồn đáng kể từ tiền sử dụng đất đã bị nợ đọng trong nhiều năm qua.

K.T