Hàng rong biến tướng
* Bài 1: Lợi dụng trẻ em, người tàn tật để bán hàng
(Cadn.com.vn) - Ở nhiều địa phương, tình hình xin ăn biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách, lợi dụng trẻ em, người khuyết tật bán kết hợp xin ăn, gây phản cảm, phản ứng trong nhân dân và du khách. Dư luận cho rằng, đứng đằng sau những người này, có một số đối tượng chăn dắt.
Tại quán 46-Yết Kiêu (TP Huế), tầm 18 giờ, có một cô bé khoảng 12 tuổi, ẵm theo đứa trẻ hơn 1 tuổi trên vai vắt một dây đậu phụng da cá. Hôm đó, trời nóng nực nhưng đứa trẻ lại được khoác chiếc áo lông dày cộp, đầu trùm kín mũ. Vừa bước đến một bàn nhậu, cô bé nhanh tay chìa bì đậu ra, nói trống không: "Mua giùm với". Một thanh niên trong bàn nói: "Trời nóng ri mà cháu trùm kín mũ lông cho đứa nhỏ làm chi tội nghiệp rứa. Bỏ mũ xuống, rồi chú mua cho 2 gói". Cô bé không đáp, nhanh tay rút dây đậu phụng lui ra, đi qua bàn khác. Cô bé đến cạnh một phụ nữ, cũng đưa dây đậu phụng đến sát người khách mà không nói năng gì. Lúc này, đứa trẻ cựa quậy, khóc thét lên khiến nhiều ánh mắt đổ dồn. Có ai đó lên tiếng: "Bỏ mũ xuống cho cháu, kẻo hắn ngột chừ đó". Cô bé xem như không hề nghe thấy, tỏ thái độ khó chịu, nhanh chóng bế đứa trẻ đi nhanh ra ngoài. Chúng tôi theo ra thì thấy một phụ nữ tầm 50 tuổi đội sẵn mũ bảo hiểm ngồi trên xe máy chờ với vẻ mặt hung dữ. Cô bé kể gì đó với người phụ nữ, thấy chúng tôi đưa điện thoại lên, người phụ nữ hất hàm nói: "Liệu hồn đó mà chụp ảnh!".
Bế trẻ em... |
Đêm sau, trời vẫn nóng ngột ngạt, cô bé đó tiếp tục bế đứa trẻ mặc áo lông đến bán kẹo cao su. Trong quán hôm ấy, có mặt của những vị khách cũ hôm trước nhưng hầu như cô bé không hề nhớ. Có người quan tâm hỏi: "Cháu và đứa trẻ này có quan hệ thế nào". Cô gái trả lời cộc lốc: "Em". "Em đi bán răng không để em ở nhà cho cha mẹ trông", cô bé không nói gì và sắc mặt thay đổi.
Anh P.H.P., công tác ở đài truyền hình cho biết có đến quán 46 nhiều lần và lần nào cũng thấy cô bé ẵm đứa trẻ mặc áo lông này đến bán kẹo ở đây. Có khi thì cô bé nói ở P. Hương Sơ (TP Huế), có khi thì nói ở P.Phú Cát (TP Huế). Nhiều khách dù không muốn mua hàng nhưng thấy đứa nhỏ tội nghiệp nên cho tiền. Một người đi xe ôm gần khu vực quán cho biết cô bé ẵm đứa trẻ đến bán hàng rong lúc nào cũng có một người phụ nữ chở đến.
Tại quán Phương Hướng trên đường Trần Văn Kỷ cũng thường có một cô bé hơn 10 tuổi, bế đứa trẻ hơn tuổi đến bán kẹo cao su. Nhiều người lúc đầu thấy tội nghiệp nên mua hết kẹo giúp nó. Cô bé định nói điều gì đó, rồi ngập ngừng im lặng cầm tiền đi ra khỏi quán. Hơn 1 giờ sau, cô bé quay lại, cầm kẹo trên tay, bế theo đứa trẻ, chạy đến nài nỉ khách mua giúp. Sau này, nhiều người mới phát hiện cứ vào buổi tối, có một phụ nữ khoảng 50 tuổi chở cô bé này đi bán kẹo cao su.
…và đẩy người tàn tật đi bán hàng rong. |
Tại quán nhậu Thu An đối diện UBND P. An Tây (TP Huế), hầu như tối nào cũng có một nam thanh niên khoảng 25 tuổi đẩy một người đàn ông bị bại não trên xe lăn đến bán tăm tre, bông váy tai, bút bi... Người bại não trên xe lúc nào đầu cũng nghiêng xệch về một bên, miệng méo được người thanh niên đẩy từ bàn này đến bàn khác để mời khách mua hàng. Theo nhân viên của quán, hai người này quê ở H. Quảng Xương (Thanh Hóa). Trước đây, khách hàng trong quán thường hay mua vì thấy người tàn tật, tội nghiệp nhưng có lần, có người hỏi hoàn cảnh, địa chỉ để kêu gọi giúp đỡ hoặc đưa người bệnh vào trung tâm nuôi dưỡng thì thanh niên lảng đi, không chịu nói. Nhiều người đâm ra nghi ngờ người thanh niên đẩy xe và người tàn phế ngồi trên xe không hề quen biết. Có thể thanh niên này chỉ đi bán thuê và làm theo yêu cầu của ai đó. Tại quán nhậu K3, một phụ nữ khoảng 45 tuổi thường đẩy xe chở một phụ nữ tàn tật đi bán đậu phộng, kẹo cao su. Theo lời người phụ nữ, mỗi buổi tối bán được khoảng 500-700 ngàn đồng nhưng khi hỏi người được chị đẩy trên xe lăn có quan hệ gì thì chỉ cười, rồi nhanh chóng đẩy xe đi nơi khác.
Tại quán Lạc Sơn trên đường Lê Quý Đôn, nhiều khách hàng đến đây đã quen với hình ảnh, một thanh niên ốm tong teo đẩy chiếc xe lăn có một cậu bé bệnh down đi bán tăm, viết... Được biết trước Trung tâm thể thao dưới nước nằm trên đường Lê Quý Đôn, một dãy quán nhậu vỉa hè nằm san sát nhau là nơi mà những người bán hàng rong đẩy theo những người tàn tật nặng thường ghé qua mỗi đêm...
Theo chủ nhiều quán nhậu cho biết, những người tàn tật này được một số người thuê, rồi giao cho một người lành lặn đẩy đi bán hàng. Theo một chủ quán nhậu trên đường Lê Quý Đôn, mỗi tối có khoảng vài chục người lành lặn đẩy trên xe lăn những người tàn tật nặng đi bán hàng rong. Có hôm đẩy người này, mai lại đổi người tàn tật khác. Phần lớn khách trong quán mua hàng thì ít, cho tiền thì nhiều vì họ đánh vào tâm lý lòng thương của người khác...
Khi chúng tôi đưa hình ảnh những người lành lặn đẩy những người mắc bệnh, tàn tật đi bán hàng rong, anh Hoàng Trung Cường- Tổ trưởng Tổ quản lý thu gom thuộc Đội trật tự quản lý đô thị TP Huế cho biết: "Nếu họ ăn xin hoặc bán hàng rong ở những tuyến đường cấm thì mình phát hiện được sẽ xử lý nhưng đằng này họ buôn bán nên mình không có cơ sở pháp lý để xử lý". Anh Cường còn cho biết, mấy lần bắt gặp những người đẩy người tàn tật đi bán hàng, hỏi người ngồi trên xe lăn, thì họ nói "là chú, là cậu". Một luật sư cho rằng, việc lợi dụng trẻ em, người tật nguyền tham gia bán hàng rong là vi phạm đạo đức xã hội bởi vì những đối tượng này không thể nhận thức, ý thức được những việc họ đang làm.
Hải Lan
(còn nữa)