Hàng trăm cột điện gãy đổ trong bão số 5, dân nghi ngờ chất lượng
Dù cơn bão số 5 đổ bộ vào TT-Huế chỉ có sức gió cấp 7- 8, giật tối đa cấp 11 nhưng đã khiến hàng trăm cột điện được cho là chịu đựng bão trên cấp 12 vẫn gãy đổ. Tình trạng cột điện gãy đổ la liệt khiến người dân nghi ngờ chất lượng của hệ thống cột điện.
Dù sức chịu đựng của các cột điện là bão cấp 12 nhưng cơn bão số 5 (gió chỉ ở cấp 6 đến 8, giật tối đa cấp 11) nhưng cột điện vẫn gãy đổ ngổn ngang. |
Đến chiều 22-9, sau 4 ngày từ khi xảy ra cơn bão số 5, người dân nhiều khu vực ở TT-Huế vẫn chưa được cấp điện sinh hoạt trở lại. Tình trạng mất điện kéo dài khiến đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Theo nhiều người dân ở TT-Huế, chưa bao giờ họ chứng kiến cột điện gãy đổ hàng loạt chỉ sau một cơn bão không lớn như cơn bão số 5 vừa qua. Cơn bão số 5 tràn qua địa bàn tỉnh sáng 18-9 chỉ có sức gió từ cấp 6 đến cấp 8, giật tối đa cấp 11. Cột điện được thiết kế chịu được bão trên cấp 12, nhưng chỉ cơn bão số 5 đi qua đã gãy đổ hàng loạt. Nhiều cột gãy đổ được giải thích là do cây xanh ngã vào đường dây, nhưng nhiều khu vực giữa đồng ruộng, hoàn toàn không có cây xanh gãy đổ mà cột điện vẫn gãy đổ hàng loạt.
Liên quan đến việc hàng loạt cột điện bị gãy đổ trong bão số 5, ngày 22-9, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Hà Thanh Long- Giám đốc Cty Điện lực TT-Huế cho biết không tính các cột điện bị đổ, nghiêng, riêng cột điện bị gãy do bão ở tỉnh là 272 cột, trong đó có 109 cột điện trung áp, 163 cột hạ áp. Trong số 272 cột điện bị gãy, số cột ly tâm dự ứng lực có 30 cột, chiếm tỷ lệ 11%. Qua thống kê nhanh, thiệt hại do cột điện gãy đổ ở tỉnh là 11,4 tỷ đồng. “Cột điện gãy, tôi cũng đang đau đầu. Mình phải trả lời vì sao mà gãy. Bây giờ phải tìm nguyên nhân, vì thiết kế cột phải theo yêu cầu là chịu đựng bão trên cấp 12… Ngay cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng đang hỏi câu hỏi tại sao. Cái này phải có hội thảo khoa học đánh giá cụ thể. Khi chưa có kết luận chính thức, trong giai đoạn này, tạm ngưng sử dụng loại cột ly tâm dự ứng lực”- ông Long nói.
Người dân lo ngại chất lượng của các cột điện. |
Theo ông Long, cột ly tâm dự ứng lực được thiết kế theo TCVN 5487:2016, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng thẩm định và Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Cột xuất xưởng tại nơi sản xuất được thử nghiệm chặt chẽ với 2 nội dung là thử nghiệm chịu lực và thử nghiệm phá hủy. Tất cả 2 thử nghiệm này nếu đạt mới được dán tem chứng nhận chất lượng xuất xưởng. “Dư luận nói rằng cột không có sắt, tôi cho đập cột ngay tại chỗ, tại hiện trường luôn. Bây giờ không còn dư luận bảo không có sắt nữa”- ông Long nói thêm.
Nhận định nguyên nhân cột điện trên địa bàn TT-Huế gãy hàng loạt trong bão số 5, ông Long cho rằng mặc dù đây là cơn bão được đánh giá có cường độ chưa mạnh, nhưng sức gió khó lường, gây ra các hiện tượng quăng, quật, giật, xoáy làm ngã đổ vật cản trên đường di chuyển của bão. Theo ông, cột điện gãy là “do lực xoắn chứ không phải lực nén”. Nói về nguồn gốc các cột điện ly tâm được thi công tại TT-Huế; ông Long cho biết loại cột này được mua từ nhiều nơi như: Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… và được cung cấp bởi các đơn vị trúng thầu. Khi được hỏi về con số cột điện ly tâm dự ứng lực được sử dụng trên địa bàn tỉnh thì lãnh đạo Điện lực TT-Huế cho rằng, vì việc thi công do từ nhiều phía gồm: một phần do công trình dự án chuyển giao, một phần thi công khác là do Tập đoàn đảm nhận và một số công trình thì do Điện lực TT-Huế nên hiện vẫn chưa thống kê được số liệu. Hiện, Cty đang cho rà soát, kiểm tra lại số lượng để nắm số liệu cụ thể.
Cột điện gãy đổ, uy hiếp tính mạng người đi đường. |
Theo một số ý kiến của chuyên gia, cột điện ly tâm dự ứng lực được cho là chịu lực tốt, nhưng có đặc tính giòn; trong khi, cột đúc truyền thống có đặc tính dẻo. Khi bị tác động ngoại lực mạnh, cột ly tâm dự ứng lực sẽ đứt gãy, còn cột điện truyền thống là “cột dẻo” nên cong oằn, nếu bị gãy thì khó đứt lìa, “ruột” được thiết kế bằng sắt thép có cỡ phi lớn hơn so với cột dự ứng lực. Hiện nay, các tỉnh, thành tại Việt Nam sử dụng đồng loạt cột điện ly tâm dự ứng lực, sản phẩm bảo đảm TCVN được cơ quan chức năng thẩm định và công bố, với giá thành rẻ hơn từ 5-10% so với cột truyền thống; khi đưa vào sử dụng sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí cho ngân sách đầu tư. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay, đặc tính vùng miền liên quan khí hậu, thời tiết, gió bão khác nhau, đặc biệt là khu vực miền Trung; cho nên, đây là điều nên được cân nhắc, xem xét lại trong sử dụng loại cột điện phù hợp…
Trước thực trạng cột điện đổ ngã hàng loạt tại TT-Huế trong cơn bão số 5, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc đánh giá lại việc sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực. Trước mắt, tạm dừng sử dụng các loại cột này và tính toán lắp đặt các loại cột đảm bảo khả năng chống chịu bão.
H.LAN