Hàng trăm người “mất ngủ” vì chủ hụi “ôm” hơn 20 tỷ đồng
Từ phản ánh của người dân, sáng 7-4, phóng viên đến chợ Tam Giang tìm hiểu vụ việc. Bà Đ.T.L. buôn bán rau, củ tại chợ kể: Bà K. quê ở xã Tam Anh Nam (H. Núi Thành), về làm dâu tại xã được 10 năm. Từ lúc về đây, K. buôn bán hàng gia dụng và “cầm cái” biêu hụi với sự tham gia của người dân, tiểu thương tại chợ với số tiền nhỏ từ 2-3 triệu đồng. Ban đầu, bà K. chung chi tiền biêu sòng phẳng nên được người dân tin tưởng, tham gia rất đông. Đầu năm 2022, K. bắt đầu mở nhiều dây biêu, thấp nhất 5 triệu đồng/tháng, kỳ biêu từ 6 tháng đến 1 năm. Theo quy định, 1 dây biêu sẽ có 6 đến 10 người tham gia và mỗi tháng sẽ có 1 người được “rút ống” (nhận số tiền của tất cả người chơi nộp trong tháng). Tháng 11-2022, trên địa bàn xảy ra 1 vụ vỡ biêu, người dân lo lắng đồng loạt đến muốn “rút ống” thì bà K. cho hay đang mất khả năng chi trả, viết giấy mượn lại số tiền và hứa sẽ trả.
“Đầu năm 2022, tôi chơi 3 chân biêu, trừ tiền lãi thì trong 10 tháng phải đóng 143 triệu đồng. Đến kỳ rút ống, bà K. không cho rút và yêu cầu tôi tiếp tục tham gia dây biêu khác. Do chưa cần tiền nên tôi đồng ý tiếp tục tham gia chơi. Khi biết tin bà K. mất khả năng chi trả tiền biêu, chúng tôi đòi tiền thì bà K. viết giấy mượn lại tiền và hẹn đến cuối tháng 3-2023 sẽ trả nhưng thất hứa. Lúc này, người dân bảo viết đơn tố cáo thì bà K. xin cho trả nợ dần. Con gái tôi cũng tham gia nhiều chân biêu tổng số tiền hơn 100 triệu đồng”, bà L. chia sẻ.
Theo người chơi biêu, bà K. đưa ra quy định rằng, nếu nộp tiền biêu chậm thì phải chấp nhận mất tiền lãi. Do đó, cứ đến ngày nộp họ phải vay mượn hoặc cầm cố tài sản để có tiền đóng biêu. Khi sự việc vỡ lở, người chơi đến nhà K. đòi tiền mới tá hỏa phát hiện suốt kỳ biêu không ai được rút biêu lần nào. Thực chất, K. đưa ra thông tin gian dối để không ai được rút biêu, K. “ôm” hết tiền của người tham gia chơi biêu. Sau đó, K. viết giấy mượn lại số tiền trên, hẹn cuối tháng 2, 3 sẽ trả nhưng thất hứa. Ông T.V.C. (chồng bà K.) cũng đi thu tiền biêu của người dân hằng tháng và ký giấy mượn lại số tiền người tham gia góp biêu. Mấy tuần qua, do bị người dân, tiểu thương gây áp lực đòi tiền nên bà K. đóng 3 ki-ốt tại chợ.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bà N.T.H. (trú thôn Đông An, xã Tam Giang) làm phụ hồ vẫn dành dụm tiền tham gia 3 chân biêu (kỳ 6 tháng), trừ tiền lãi thì mỗi tháng bà H. nộp 22,5 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền bà H. nộp biêu cho bà K. là 135 triệu đồng. Bà H. nghẹn ngào kể: “Hằng ngày, tôi dành dụm tiền và lấy thêm tiền của chồng để đóng tiền biêu, mong kiếm thêm ít tiền lãi lo cho con cái ăn học. Do cần tiền đóng học phí cho con, tôi đấu giá cao muốn được rút ống nhưng K. bảo đã có người ra giá cao hơn. Đến kỳ rút tất cả chân biêu, tuy nhiên K. không cho rút và yêu cầu tiếp tục tham gia đóng biêu. Nhiều lần bà K. hứa trả tiền nhưng vẫn chưa trả”.
Là nạn nhân trong đường dây biêu của K. với số tiền 340 triệu đồng, ông T.P.H. cho biết, theo thông tin tôi nắm được thì có khoảng 200 người tại địa bàn tham gia góp biêu cho bà K. với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng. Hiện tại, tôi đã nhận được 30 giấy mượn tiền của người tham gia biêu với số tiền hơn 8 tỷ đồng để tổng hợp, gửi cơ quan Công an xử lý vụ việc. Từ khi xảy ra vụ việc này, cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, gia đình lục đục, mong cơ quan chức năng can thiệp, giúp bà con lấy lại tiền.
Liên quan đến vụ việc, Thượng tá Phạm Viết Tiến - Trưởng Công an huyện Núi Thành cho biết, thông qua dư luận xôn xao tại xã Tam Giang, Công an huyện đã nắm được vụ việc và đã chỉ đạo lực lượng tiến hành xác minh, làm rõ. Để tìm hiểu rõ vụ việc, phóng viên đến nhà tìm gặp bà K. nhưng bà K. không có ở nhà, liên hệ bà K., ông C. theo số điện thoại người dân cung cấp cũng không liên lạc được.
LÊ VƯƠNG