Báo Công An Đà Nẵng

Hàng trăm tiểu thương vây BQL chợ Tam Kỳ

Thứ ba, 30/06/2015 08:33

(Cadn.com.vn) - Trong hai ngày 28 và 29-6, hàng trăm tiểu thương bán cá biển tại chợ Tam Kỳ (Quảng Nam) đã tập trung  đến Văn phòng Ban quản lý chợ yêu cầu được chuyển về nơi buôn bán cũ. Riêng trong ngày 29-6, vì quá bức xúc, một số người đã mang các sọt đựng cá, cua, mực đổ trước cửa phòng Ban quản lý, đến cuối giờ chiều vẫn chưa giải tán.

Theo thông tin người dân cho biết, các hộ có bức xúc đều là người dân buôn bán cá tại khu vực Bãi Ngang xã Tam Tiến (H. Núi Thành). Trong 3 ngày qua, không hiểu vì lý do gì Ban quản lý chợ yêu cầu các hộ không được tập trung buôn bán ở chợ mới Tam Kỳ mà phải chuyển về chợ tạm An Sơn. Được biết, chợ Tam Kỳ được xây mới và đưa vào hoạt động hơn 10 tháng qua, những hộ bán cá biển được bố trí ở khu vực sát đường Bạch Đằng.

Có mặt tại tầng 2 chợ Tam Kỳ phóng viên ghi nhận hàng chục ký mực, cá, cua bị đổ vương vãi, nước chảy khắp phòng. Chị Nguyễn Thị Quyệt (chủ của số mực trên) nghẹn ngào cho biết: “Chồng tôi thì đi biển còn tôi làm nghề buôn thúng bán mẹt như thế này đây mà hai hôm nay phải đổ hết vì mực bị hư. Trời thì nắng mà cứ phải chạy xe tới lui từ chợ ni qua chợ kia hỏi làm sao mà bán được”. Được biết sau khi xuống chợ tạm An Sơn được 2 ngày thấy không bán được, chị Quyệt cùng một số người nữa quay trở về chợ Tam Kỳ. Tuy nhiên, chỗ buôn bán cũ của hàng cá biển đã bị rào lại, lực lượng bảo vệ không cho bán mà bắt phải xuống lại chợ tạm nên 2 ngày nay chị Quyệt phải đổ hết 35 kg mực, thiệt hại 2,5 triệu đồng.

“Chợ làm ra là để người dân buôn bán. Tôi không hiểu vì sao chúng tôi lại không được phép buôn bán ở đây trong khi có đóng thuế đầy đủ. Khu vực chợ tạm An Sơn chỉ có vài hàng cá với nhau không có các mặt hàng khác thì làm sao mà buôn bán?”-chị Quyệt bức xúc. Chị Lê Thị Xuyến bán cá và ngao cũng lâm cảnh tương tự, cá không bán được nên bị hỏng hết. Chị Xuyến cho biết: “Hàng ngày 3-4 giờ sáng tôi phải dậy đi mua cá rồi. Mình buôn đi bán lại thì có lời được mấy đồng đâu vậy mà cái chỗ để ngồi bán cũng không có. Tôi mong Ban quản lý chợ và chính quyền phải giải quyết dứt điểm tình trạng trên để chúng tôi còn làm ăn”.

Hàng trăm tiểu thương vây BQL chợ Tam Kỳ.

Không chỉ riêng những tiểu thương bán cá biển mà các hộ kinh doanh quần áo, mỹ phẩm cũng kịch liệt phản đối việc chuyển các hộ bán cá đi nơi khác. Chị Tám, bán quần áo cho biết: “Ở đây tất cả các mặt hàng đều phải nương nhau mà sống. Người đi chợ mua cá thì tiện thể ghé xem cái quần cái áo. Không có hàng cá thì số người đi chợ cũng sụt giảm, chúng tôi cũng không buôn bán được. Tại sao chuyển các hộ bán cá đi chỗ khác mà không bàn bạc lấy ý kiến của mọi người. Nay họ không buôn bán được phải đổ đống như vậy ai là người chịu trách nhiệm?”.

Trong chiều 29-6, Trưởng Ban quản lý chợ Nguyễn Thị Trinh cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, ai có bức xúc sẽ trình bày lại với cấp trên và sẽ đề xuất một buổi đối thoại. Bà Trinh nói, sở dĩ xảy ra sự việc trên do diện tích của chợ không đủ để bố trí các mặt hàng hải sản nên bắt buộc phải di dời về chợ tạm An Sơn. Còn theo ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, việc này nằm trong chủ trương chung về việc sắp xếp lại đô thị. Do số lượng người buôn bán cá biển quá đông gây mất vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng lề đường vì vậy phải có sự sắp xếp lại. Ông Tuấn nói nhất định phải tiến hành di dời, nếu người dân không đồng thuận thì sẽ có biện pháp cụ thể.

Từ khi đi vào hoạt động từ tháng 11-2014 đến nay đây không phải là lần đầu tiên tiểu thương chợ Tam Kỳ bức xúc. Trước đó, ngày 27-11-2014, hàng trăm tiểu thương đã kéo đến UBND TP Tam Kỳ yêu cầu di dời toàn bộ hàng thịt cá, rau củ từ chợ tạm An Sơn về lại chợ mới Tam Kỳ vì chợ vắng khách (Báo công an TP Đà Nẵng đã phản ánh). Thiết nghĩ, sự việc này cần phải có hướng xử lý đúng đắn, chủ trương của địa phương như thế nào thì phải phổ biến và thực hiện  một cách triệt để. Không nên để tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu sự đồng thuận giữa chính quyền và người buôn bán cá ở chợ Tam Kỳ, dẫn đến hậu quả là người dân thì thiệt hại về kinh tế, còn chủ trương chung thì không biết đến khi nào mới thực hiện được.                                   

H.D