Hàng triệu bé gái "không mong muốn" của Ấn Độ
Theo báo cáo mới nhất của chính phủ Ấn Độ, tư tưởng trọng nam khinh nữ của nước này đã dẫn tới sự ra đời của hàng triệu bé gái "không mong muốn".
Các cặp vợ chồng Ấn Độ có xu hướng tiếp tục sinh con cho tới khi có được một bé trai. Ảnh: CNN |
107 bé trai/ 100 bé gái
Báo cáo Khảo sát Kinh tế 2017-2018 của Ấn Độ cho thấy các cặp vợ chồng nước này có xu hướng tiếp tục sinh con cho đến khi có được một bé trai. Điều này dẫn tới sự ra đời của 21 triệu bé gái "không mong muốn". Thích sinh con trai và các hoạt động chọn lọc giới tính ở Ấn Độ đã dẫn đến sự thiếu hụt khoảng 63 triệu bé gái để có thể cân bằng giới tính.
Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất trên thế giới (107 bé trai/100 bé gái). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ giới tính khi sinh là 105 bé trai/100 bé gái. Tác giả của báo cáo, Cố vấn Kinh tế Arvind Subramanian cho biết, mặc dù ở một số khu vực, người dân đã có tư tưởng tiến bộ hơn, nhưng "sự lựa chọn của con cái trong xã hội vẫn ngày một sâu sắc". Điều này chứng tỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ ở Ấn Độ là khó thay đổi. Tư tưởng này ăn sâu vào suy nghĩ của người dân do các quy tắc về thừa kế, việc phải trả một khoản hồi môn khi con gái kết hôn, truyền thống phụ nữ thuộc về gia đình chồng cũng như các nghi lễ chỉ được thực hiện bởi nam giới.
Theo báo cáo, 55% cặp vợ chồng có con gái cố gắng sinh thêm một đứa trẻ nữa và sẽ tiếp tục sinh cho đến khi có con trai. Việc coi thường phụ nữ cũng cho thấy khoảng cách về giới ngày càng xa tại Ấn Độ.
Giải quyết bất bình đẳng
Báo cáo Khảo sát Kinh tế 2017-2018 cũng đề xuất cách giải quyết bất bình đẳng trong xã hội khi cho rằng, các giá trị nội tại của bình đẳng giới là không thể phủ nhận". Báo cáo chỉ ra, "ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể đạt được ở mức cao hơn nếu phụ nữ có được quyền cá nhân lớn hơn, nắm quyền lực chính trị, đạt được vị thế trong cộng đồng và tham gia bình đẳng vào lực lượng lao động".
Để chống lại sự mất cân bằng giới tính, báo cáo đưa ra sáng kiến đã từng được áp dụng hồi năm 2015 mang tên "Cứu bé gái, giáo dục bé gái" như một bước đi tích cực mà chính phủ đã thực hiện nhằm khắc phục sự mất cân bằng này. Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận cần một chặng đường dài để Ấn Độ đạt được cân bằng giới. Đó là "là một thời gian dài, có lẽ là cả thiên niên kỷ". Bất chấp các sáng kiến như chương trình giáo dục trẻ em gái vào năm 2015, Ấn Độ đang chậm lại trong việc tìm cách giải quyết khoảng cách về giới.
Báo cáo của Kanya.Life, một tổ chức chống phân biệt giới tính, đã sử dụng việc phân tích dữ liệu để cung cấp cái nhìn sâu sắc về vấn đề này. Theo Kanya.Life, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất là Mahesana ở bang Gujarat, nơi có 762 phụ nữ/1.000 nam giới. "Vấn đề phân biệt giới tính trẻ sơ sinh dường như không còn hạn chế ở những ngôi làng nhỏ. Trên thực tế, các khu đô thị lớn cũng tồn tại vấn đề này", báo cáo của Kanya.Life cho biết.
AN BÌNH (Theo CNN)