Hàng vô chủ - cái gai khó nhổ trong cuộc chiến chống buôn lậu
(Cadn.com.vn) - Nhiều lô hàng trị giá bạc tỷ đổ về Đà Nẵng nhưng không ai chịu nhận. Bởi lẽ, các chủ hàng không đủ căn cứ chứng minh hàng hóa đó hợp pháp, nếu nhận sẽ bị xử lý thêm tội buôn lậu, nên bị bắt, chủ hàng xác định “của đi thay người”. Nhưng chính điều này đã khiến công tác chống buôn lậu thêm gian nan vì không xử lý được từ gốc...
Diện tích cảng Đà Nẵng ngày càng quá tải trong khi số container vô chủ vẫn nằm lì. |
Hàng bạc tỷ chẳng ai nhận
Năm 2013, hãng vận tải biển Wanhai đưa về Cảng Đà Nẵng lô hàng 5 container chứa “siêu xe” trị giá hàng chục tỷ đồng. Theo vận đơn, chủ tiếp nhận lô hàng là một Cty ở TPHCM, nhưng Cty này đã từ chối nhận hàng với lý do bị “gửi nhầm”. 5 container “siêu” xe này vẫn nằm lì ở cảng suốt cho đến nay và trong diện điều tra. Tương tự, cuối tháng 8 vừa qua, lực lượng chức năng cũng phát hiện các container chứa gần 8 tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê trị giá hàng trăm tỷ đồng, theo vận đơn thì 2 Cty ở Đà Nẵng sẽ tiếp nhận, thế nhưng cả hai Cty này đều từ chối tới làm việc, biến các lô hàng trên thành vô chủ.
Thực tế số lượng container chứa hàng hóa giá trị hàng tỷ đồng chuyển về Cảng Đà Nẵng mà các đơn vị từ chối tiếp nhận rất nhiều. Ông Lê Hồng Nam - Phó Phòng kinh doanh Cảng Đà Nẵng cho biết, hiện tại cảng còn tồn đọng 29 container hàng hóa mà các chủ hàng không chịu tới nhận mặc dù đơn vị đã nhiều lần gửi công văn thúc ép. Trong đó, nhiều nhất là 17 container lốp cao su cũ theo vận đơn bên nhận là một Cty sản xuất kính ở Chu Lai- Quảng Nam, được chuyển về cảng từ tháng 8 tới tháng 12-2014. Kế tiếp là 5 container chứa máy móc thiết bị của một Cty sản xuất giấy (trụ sở Quảng Ngãi) chuyển về cảng từ tháng 10-2011.
“Khi chủ hàng tới nhận lúc đó chúng tôi mới tính phí lưu bãi 20 ngàn đồng/container/ngày. Thực tế với các container tồn đọng lâu, chúng tôi có chính sách giảm phí lưu bãi cho họ. Nhưng điều đáng nói là họ từ chối nhận hàng mặc dù chúng tôi nhiều lần thúc ép. Mà họ không nhận hàng thì cảng cũng không thu được đồng phí lưu bãi nào. Trong khi lượng hàng về cảng ngày càng nhiều, luôn quá tải và thiếu mặt bằng để xếp hàng, thiệt hại rất lớn” - ông Nam nói.
Thành viên BCĐ 389 TP bắt vụ buôn lậu ngà voi, vẩy tê tê tại cảng Tiên Sa. |
Bị bắt là... bỏ
Đầu tháng 6-2015, bất ngờ kiểm tra xe tải BKS 29C-20037, lực lượng CSGT và QLTT Đà Nẵng đã phát hiện lô hàng 57 tủ lạnh (loại 120 lít) không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Tài xế xe tải này cho biết nhiệm vụ của mình chỉ là vận chuyển hàng tới địa điểm theo yêu cầu của khách không biết chủ hàng là ai cũng như các giấy tờ liên quan. Một tháng sau, QLTT và CSGT TP Đà Nẵng tiếp tục kiểm tra xe tải BKS 74K-6490 chạy hướng Quảng Trị - Đà Nẵng và phát hiện 4 tấn đường kính do Thái Lan sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Tài xế vẫn điệp khúc “mình chỉ biết vận chuyển thôi chẳng biết gì”. Mới nhất, vào đầu tháng 9-2015, QLTT và CSGT Đà Nẵng tiếp tục kiểm tra xe tải biển kiểm soát 98C- 00225 và phát hiện hơn 17,3 ngàn tô, ly thủy tinh do Indonesia sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Tất nhiên, câu trả lời của tài xế vẫn là chở thuê, không biết chủ hàng. Theo quy định, toàn bộ lô hàng từ tủ lạnh, đường kính, ly thủy tinh bị tạm giữ, đăng thông báo để chờ chủ hàng tới xuất trình giấy tờ, nhận hàng. Tuy nhiên, chẳng có chủ hàng nào tới, có cơ sở để nhận định các lô hàng trên là hàng lậu, không có chứng từ.
Trong phần lớn các vụ kiểm tra, thu giữ hàng hóa số lượng lớn, có giá trị mà lực lượng QLTT TP Đà Nẵng tiến hành, hầu hết không xác định được chủ hàng. Tất nhiên, toàn bộ số hàng hóa không hợp lệ đó sẽ được đem đấu giá sung công quỹ hoặc tiêu hủy, song để quy kết trách nhiệm, để xử lý với hành vi buôn lậu một ai đó là điều rất khó. Thành thử, việc bắt các vụ buôn lậu chỉ là bề nổi, hay nói cách khác là phần ngọn, còn phần gốc của hoạt động buôn lậu thì diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi hơn.
Ông Nguyễn Nho Hậu - Phó Chi cục trưởng QLTT Đà Nẵng cho biết, vì là hàng lậu, không có chứng từ nên các chủ hàng không dám đến nhận. Bởi lẽ nếu nhận, hàng vẫn bị tịch thu mà còn bị truy thêm tội buôn lậu. Thế nên, khi bị bắt, họ xác định bỏ, đó cũng là lý do hàng vô chủ nhiều thế. Cũng theo ông Hậu, việc chống hàng lậu phải làm quyết liệt từ gốc, chính là các cửa khẩu. Khi hàng lậu đã tuồn vào nội địa, việc kiểm soát rất khó khăn.
Khó đủ đường
Trao đổi với PV, ông Lữ Bằng- Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó ban chỉ đạo 389 TP Đà Nẵng cho biết, hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại qua địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi. Nổi lên là tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu, rượu nhập lậu, mỹ phẩm, hóa chất, đồ dùng gia đình. Trong 9 tháng qua, các ngành thành viên của BCĐ 389 đã xử lý gần 7 ngàn vụ/8,2 ngàn vụ kiểm tra, tăng 20% so với cùng kỳ, nộp ngân sách hơn 76 tỷ đồng. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm của các lực lượng trong tấn công hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các tiểu thương, hộ kinh doanh cam kết không bán hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Trong thực tế, ông Bằng nhận định, hoạt động chống buôn lậu, hàng giả vẫn rất gian nan. Bởi lẽ thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, trên khâu lưu thông đường bộ hay về cảng, khi các vụ việc bị phát hiện thường không có chủ hàng, không có cơ chế xử lý với các tài xế. Chẳng hạn vụ phát hiện 350 chai rượu ngoại tại tàu SE2 tại ga Đà Nẵng trước đây, không có chủ hàng nhận nên Đội QLTT số 7 chỉ tịch thu chứ không xử lý được đối tượng buôn lậu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa quan tâm tới nghĩa vụ phải kiểm tra thông tin sản phẩm trước khi mua, hám của rẻ, chưa có ý thức tố cáo các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả...
Hải Hậu