Hành khất cho... khỏe !
(Cadn.com.vn) - 7 giờ ngày 10-5, một đôi vợ chồng dìu nhau lê từng bước trong khu chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), vừa đi người chồng vừa chủ động bắt chuyện người qua lại để xin tiền, miệng lúc nào cũng lễ phép: "Dạ, cô bác làm ơn cho vài đồng giúp vợ con chữa bệnh?" hoặc "Vợ em bị ung thư giai đoạn cuối, xin anh chị vài đồng để lo thuốc men"... Thấy vậy nhiều người đi chợ não lòng nhét tận tay người chồng vài ngàn đồng với lời an ủi: "Ở quê làm nông chẳng giàu có chi, thôi thì lá rách ít đùm lá rách nhiều vậy"… Trong khi người chồng kể nghèo, kể khổ thì người vợ ủ rũ, tóc tai rối bời dựa đầu vào vai chồng, nhưng mắt lại không ngừng quan sát các diễn biến xung quanh. Chỉ trong vòng hơn nửa giờ đồng hồ, cả hai đã xin được 500 ngàn đồng… Song, hành vi của đôi vợ chồng này đều không qua mắt được các lực lượng CA, dân quân xã Hòa Phong đang túc trực đảm bảo ANTT tại khu vực chợ.
Khi được mời về cơ quan làm việc, người chồng khai tên Lê Phước Khai (1972, trú xã Vĩnh Tú, H. Vĩnh Linh, Quảng Trị), còn người vợ tên Đặng Thị Lan (1966, trú xã Phước Lộc, H. Tuy Phước, Bình Định). Qua đấu tranh, cả hai nhanh chóng thừa nhận mình là cặp đôi bất hảo, chuyên lợi dụng lòng tốt của người dân để thỏa mãn cuộc sống riêng. Theo khai nhận, cuối năm 2011, thấy Khai xa quê làm thợ "đụng" ở TP Quy Nhơn (Bình Định) nên Lan làm quen rồi chung sống như vợ chồng. Từ ngày "nên duyên", Khai - Lan nhập vai lang thang xin ăn tại các chợ trên địa bàn TP Quy Nhơn để kiếm tiền, khỏi phải làm lụng vất vả.
Sau khi bị người dân ở đây "nhẵn mặt", cả hai mới lân la ra TP Tam Kỳ (Quảng Nam) thuê trọ tiếp diễn các màn kịch để đánh động lòng thương của mọi người. Theo đó, cứ mỗi sáng đi "cầu thực", Khai - Lan được một đối tượng tên Tùng (trú cùng khu thuê trọ) điều khiển xe máy chở đến các chợ. Trong lúc Khai - Lan vào chợ diễn kịch thì Tùng quanh quẩn gần đó chờ chở về. Số tiền xin được trong ngày chia đều cho cả ba. Khai cho biết, chỉ "làm ăn" buổi sáng, buổi trưa về lại nhà trọ nghỉ ngơi lấy sức cho sáng hôm sau. Trung bình mỗi buổi "khất thực" tại các chợ, ít nhất mỗi người cũng bỏ túi gần 300 ngàn đồng.
Lê Phước Khai, Đặng Thị Lan và số tiền xin được tại chợ Túy Loan. |
Được biết, tuy cuộc sống người nông dân hiện nay còn không ít khó khăn, nhưng tấm lòng của họ luôn chân chất, tin người, nên ai cũng dễ dàng bỏ chút tiền để giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn. Khi chúng tôi đem câu chuyện đi xin tiền mà trong người mang theo 5 triệu đồng, 5 chiếc nhẫn vàng và mấy tờ vé số, phơi đề, nhiều tiểu thương trong chợ Túy Loan đã cho tiền đôi vợ chồng này rất đỗi ngạc nhiên. Có người bức xúc: "Thấy họ tội nghiệp quá nên mới giúp đỡ. Nhìn người vợ bệnh tật, mặt xanh xao ai mà không xót, có ai nghĩ bọn họ giả bệnh để lừa đảo đâu".
Để ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ tận gốc tệ nạn này, nhất là tình trạng ăn xin "trá hình" như đôi vợ chồng trên, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ cho tiền người ăn xin phải thể hiện đúng nơi, đúng chỗ và đúng đối tượng.
An Dương