Báo Công An Đà Nẵng

Hạnh phúc trú ngụ trong miền đớn đau (*)

Thứ tư, 12/07/2017 09:21

(Cadn.com.vn) - Ngay lúc tập thơ "Đoản khúc tang bằng" được chuyển từ nhà in về thì tác giả của nó, nữ nhà báo Khánh Hồng đang chuẩn bị "di trú" lên tận Tây Nguyên, không chỉ để tránh những cơn đau vật vã vốn là nhịp sinh học đằng đẵng 13 năm trời đã qua, mà còn để đón lấy cái không khí mát mẻ, tịnh yên cho khoảng thời gian "không còn gì để khóc". 13 năm chị yêu tận cùng cuộc sống trong những cơn đau, chưng cất nó bằng tiếng lòng tha thiết được người đồng nghiệp, nhà báo Trần Tuấn "nhặt" lại trên trang cá nhân và giới thiệu là "khoảng thời gian bừng thức hơn một thập kỷ mê dài".

Như nhiều nhà báo thành danh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chị Khánh Hồng bước chân vào nghề tại Báo Công an TP Đà Nẵng, sau trở thành cây bút nữ sắc sảo của Báo Tiền Phong tại miền Trung - Tây Nguyên với bút danh rất lạ: Lâm Chiêu Tranh. Nhưng rồi số phận nghiệt ngã, căn bệnh nan y khiến chị phải trải qua nhiều lần đại phẫu, theo tháng ngày lặng im "nhìn mặt ra giàn lan rất thích" để dõi theo "cuộc sống vẫn mải miết đi qua ngõ".

Tập thơ "Đoản khúc tang bằng" của nữ nhà báo Khánh Hồng được anh Trần Tuấn tập hợp
vừa ra mắt độc giả.

Chọn 161 bài thơ trên trang cá nhân của chị để cho ra đời "Đoản khúc tang bằng", nhà báo Trần Tuấn (Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong miền Trung tại Đà Nẵng) giới thiệu: Tập thơ đặc biệt, của một người 13 năm gần như vô thức với những cơn co giật đau đớn, không thể nhìn vào mặt chữ. Vùng ý thức của bộ não như những sợi tơ mảnh chập chờn run lên trong dông gió.  Đây là tập thơ buồn, rất buồn, với những ai không/chưa biết buồn. Đây sẽ là tập thơ đẹp không hề bi lụy, cho những ai đã thấu cạn nỗi buồn, nỗi đời. Nhưng, trên đời này tìm đâu ra người không biết buồn? "Khi tôi nhắn Hồng rằng sẽ đứng ra "nhặt" thơ trên facebook để in thành sách, Hồng ngần ngừ. Rồi nói, nếu in thì chọn in ít bài thôi, vì nhiều thơ buồn quá, không muốn làm "đau" thêm bạn đọc, bạn bè. Nhưng tôi vẫn quyết tìm ra bằng hết và in đầy đủ nhất. Nhiều mảnh ghép nhưng rất thống nhất. Tiếc là không kịp đưa bài thơ mới nhất vào. Ứa nước mắt", anh Tuấn tâm sự. Xâu chuỗi những bài thơ ấy, thấy phía sau là cả một khát khao cháy bỏng với cuộc sống bằng những cảm xúc rất thật, rất đời thường. Nhớ có lần làm tiểu luận về nhạc Trịnh Công Sơn, tiến sĩ Trương Thị Diễm (lúc đó là giảng viên ngôn ngữ Đại học Sư phạm Đà Nẵng, sau là Trưởng khoa Ngữ Văn rồi Phó hiệu trưởng của trường này, giờ cô đã mất), là người hướng dẫn hỏi tôi: "Có cái gì đằng sau những ca từ mang màu sắc âm tính, buồn bã đến tận cùng trong những ca khúc của Trịnh? Có cái gì đằng sau những câu "nửa đêm tiếng ca lên như than phiền, bàng hoàng lạc gió mây miền?". Tôi cứ ú ớ mãi cho đến khi nhận được câu trả lời rằng đằng sau đó là trái tim yêu cuộc sống tận cùng! Tương tự như trường hợp của "Đoản khúc tang bằng", anh Trần Tuấn nói, Khánh Hồng muốn chia sẻ với mọi người về quyền được buồn, đặc biệt là những người đã thấu cạn nỗi buồn để biết đó là cuộc sống, chứ không phải để nhận lại những câu nói kiểu như "hãy cố gắng lên"!

Tôi lần giở những bài thơ được góp nhặt cả từ thời chị còn là nữ sinh Đại học Sư phạm Văn ở Huế và phần lớn là khoảng thời gian tuôn trào những cảm xúc, không còn sức lực để chỉnh sửa sau này, khi "không còn đủ sức cầm trên tay dù màn hình bé tẻo/ Nhấn vài chữ nói với thời gian". Cho đến bài thơ mới nhất mà người đồng nghiệp gắn bó bao năm ấy chưa kịp gom vào, chỉ mở facebook giới thiệu như phần hậu kỳ, thì thấy lòng se sắt.

Cười vui như Tết dặn chồng

Em thích trưng em bức ảnh này, rất thật

Anh đừng bày vẽ chi cho nhọc

Chỉ mở nhạc thiền để khỏi rũ lòng đau

Đừng xáo trộn cửa nhà, giường chiếu nghe anh

Cái phản, và tấm nệm sắp bỏ đi xếp cho em nằm nhìn mặt ra giàn lan rất thích

Em sẽ mỗi sớm nghe sẻ nâu lích chích

Và mọi người đến chào em còn có chỗ nghỉ chân

Rồi chị định nghĩa hạnh phúc với người chồng đã đau đớn cùng mình trong bao năm qua: Và em gọi đấy là hạnh phúc/ Vụng về cúc áo lệch hàng/ Bàn tay ngón gầy khẳng khan bóp khăn sung lau mặt vợ/ốm đầm nước lạnh thấu xương.

Mang cái ý niệm quyền được buồn, được đau đớn để khám phá tập thơ nhặt cả mấy chục năm trong vòng mấy tuần lễ, thấy chị bản lĩnh trong tự truyện duy nhất đóng lại cuốn sách, như xé toang nỗi buồn. "Người đàn bà về từ phía biển" được viết vào lúc bắt đầu một ngày mới đầu năm 2017 có đoạn như thế này: "Khao khát sống không còn dừng chỗ ở nghĩa lý qua ngày. Mà gói ghém cả những thâu nhặt cho ngày xa nữa. Và cho nhiều những phần đời tựa hồ đang chia tay vô vọng cầu khát trong sự bất lực của con người. Cô ấy thách đố cái gọi là nan y. Và cô ấy dành chiến thắng cho tất cả những người đồng cảnh... Cô ấy đang rất nhẹ, an lạc trong từng bước chân".

Sau khi ra bộ đôi thơ, ký sự "Chậm hơn sự dừng lại" và "Uống cà-phê trên đường của Vũ", Trần Tuấn cạn túi. Được chiếu cố "in nợ" 1.000 cuốn và ra mắt cùng bạn văn, bạn báo, "Đoản khúc tang bằng" đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Anh Tuấn nói mình đủ "tiếng tăm" để ký gửi ở các hiệu sách, nhưng sẽ bán phần lớn ở Văn phòng Đại diện Báo Tiền Phong tại 19-Ngô Gia Tự, Đà Nẵng. "Vì đây là nơi giống như ngôi nhà của cô ấy - bạn tôi, có thể "nhìn mặt ra giàn lan rất thích". Quý hơn nữa là nơi trú ngụ bình yên, là nơi Hồng được sống trong sự bảo bọc, sẻ chia của những người đồng nghiệp trong suốt hành trình chống chọi với bệnh tật", nhà báo Trần Tuấn  tâm sự.

CÔNG KHANH

(*) Đọc "Đoản khúc tang bằng" của nhà báo Khánh Hồng