Hành trang cho ngày trở về
Những ngày cuối tháng 5-2022, không khí lao động tại xưởng may của phân trại số 3, Trại giam Nghĩa An vô cùng tất bật để hoàn tất đơn hàng trang phục nhà hàng, khách sạn xuất khẩu ra nước ngoài vào tháng 6-2022. Nhìn những sản phẩm với đường may tinh tế, chẳng ai nghĩ nó được làm chính từ bàn tay của những phạm nhân. Còn ở xưởng khắc đá, xưởng mây tre đan, làm lông mi giả, xưởng mộc…, các phạm nhân đang tỉ mẩn từng chi tiết để cho ra sản phẩm thủ công vô cùng đẹp mắt, chất lượng.
Phạm nhân Hùng (26 tuổi) cho biết, trước khi phạm tội và bị kết án, phạm nhân chưa có nghề nghiệp, lông bông nên sinh nông nổi. Khi chấp hành án tại Trại giam Nghĩa An, Hùng được cán bộ giám thị giáo dục hướng thiện, hướng nghiệp và “bén duyên” với nghề may. Tiếp lời bạn tù trẻ tuổi, phạm nhân Hiếu (34 tuổi) cho biết thêm, phạm nhân ở xưởng may đều có tay nghề cứng. Điều này giúp họ trong hành trang ngày trở về, hòa nhập cộng đồng có nghề để mưu sinh, lo cho gia đình. Trong lời chia sẻ của mình, phạm nhân Hiếu xúc động bày tỏ sự biết ơn khi được hướng nghiệp, dạy nghề ngay tại một nơi mà “không ai muốn đến”...
Mới đây, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có buổi khảo sát công tác tổ chức lao động, sản xuất và dạy nghề cho phạm nhân tại Trại giam Nghĩa An. Qua khảo sát, nắm tình hình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá cao công tác tổ chức lao động, sản xuất và dạy nghề cho phạm nhân của Trại giam Nghĩa An, đặc biệt là mô hình liên kết với các doanh nghiệp vừa tổ chức đào tạo nghề vừa sản xuất gia công hàng hóa thành phẩm. Theo Thượng tá Đỗ Huyền Tâm- Giám thị Trại giam Nghĩa An, trong quá trình thực hiện cải tạo, giáo dục phạm nhân, công tác tổ chức lao động, sản xuất, dạy nghề là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thi hành án phạt tù nhằm chuẩn bị cho phạm nhân tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, các phạm nhân đều tham gia lao động, sản xuất. Đặc biệt, đơn vị đã liên kết với các đối tác xây dựng nhà xưởng tổ chức gia công một số sản phẩm, ngành nghề thủ công như làm mi mắt giả, may mặc, gia công inox, mộc, xây dựng, đan bàn ghế nhựa. Từ năm 2020 đến nay, Trại giam Nghĩa An đã tổ chức lao động, dạy nghề cho hơn 2.900 phạm nhân, trong đó năm 2020 có 691 phạm nhân được đào tạo nghề; năm 2021 đào tạo nghề cho 1.003 phạm nhân và năm 2022 là 1.200 phạm nhân được đào tạo nghề. Song hành với việc đào tạo nghề, Trại giam Nghĩa An còn tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ lao động, dạy nghề cho 400 phạm nhân với 5 ngành nghề gồm kỹ thuật xây dựng; gia công thiết kế sản phẩm mộc; chạm khắc; hàn và gia công cơ khí; may công nghiệp. Những kết quả đáng ghi nhận trong công tác dạy nghề cho phạm nhân của Trại giam Nghĩa An đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, nhà nước và xã hội đối với những người từng mắc phải lỗi lầm, sai phạm.
Trong quá trình hướng nghiệp, đào tào nghề cho phạm nhân, Trại giam Nghĩa An luôn xem xét, bố trí ngành nghề phù hợp. Chính vì thế đã tạo sự hứng thú cho phạm nhân, qua đó giúp họ hiểu giá trị bản thân mà tu dưỡng, học tập, cải tạo. Trở thành những người thợ và đợi ngày trở về làm người hữu ích, phạm nhân thấy con đường hoàn lương càng rộng mở…
Bảo Hà