Hành trình của một cù lao xanh (Bài 2: 10 năm nói không với túi ni-lông)
Ngày nay, đến với Cù Lao Chàm chúng ta vẫn sẽ nhận ra sự có mặt của các loại túi nhựa, thế nhưng loại túi này chỉ còn tồn tại ở một vài khu vực, điểm buôn bán cho khách du lịch. Chỉ cần bước chân đến một nhà dân bất kỳ, lập tức khẩu hiệu "nói không với túi ni-lông" sẽ lại hiệu nghiệm.
Bờ biển xanh trong, không còn bóng dáng của những túi rác nổi dập dềnh. |
Bước vào một quán nước trên đảo, chúng tôi được phục vụ 5 ly nước mía không ống hút. Đã quen với sự tiện dụng của ống hút khi còn ở trên đất liền chúng tôi liền gọi "cho ống hút cô ơi" thì được cô chủ quán "chỉnh": "Trên đảo ni hạn chế dùng ni-lông, ống hút con nhé".
Chỉ một tình huống nhỏ như vậy cũng đủ để thấy ý thức của người dân trên đảo Cù Lao Chàm hiện nay đã thành nề nếp. Trước năm 2009, Cù Lao Chàm ngập rác thải sau những lần đón tiếp khách du lịch. Rác do du khách mang tới cũng có, rác do người dân làm du lịch thải ra cũng nhiều... Từ một hòn đảo hoang sơ, sạch bong, Cù Lao Chàm bị ô nhiễm trầm trọng. Khách đến đông dần cũng là lúc Cù Lao Chàm gánh những túi rác khổng lồ. Sau mỗi cơn sóng, túi ni-lông nổi lềnh bềnh trên mặt biển bị đánh dạt vào bờ. Thế rồi, trong một lần tìm cách làm sạch Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Sự- nguyên Bí thư Thành ủy TP Hội An lúc bấy giờ đã cương quyết thực hiện kế hoạch "Nói không với túi ni-lông". Ngày 23-5-2009 cũng là thời gian Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, kế hoạch chấm dứt sử dụng túi ni-lông chính thức được thực hiện ở Cù Lao Chàm. Kế hoạch mới được ban hành trong sự băn khoăn, lo lắng từ chính quyền TP đến người dân trên đảo, bởi không ai biết nên bắt đầu từ đâu, như thế nào nếu không sử dụng túi ni-lông hằng ngày. Thế nhưng, bằng sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm, túi ni-lông thực sự đang dần biến mất ở Cù Lao Chàm.
Kể lại "dấu mốc" này, bà Lê Thị Hoa (bán mỳ Quảng) chia sẻ, lúc đầu khi nghe triển khai kế hoạch bà khá bất ngờ vì từ túi đựng rau, đến mỳ, nước nhưng cái gì cũng cần phải đựng trong túi bóng. Nhiều lần bà mất khách chỉ vì không có túi ni-lông đựng cho khách mang về. "Lúc đầu mình cũng bực bội lắm vì nghĩ đây chẳng qua là kế hoạch tuyên truyền của cấp trên chứ làm sao mà khả thi được. Mình hạn chế thì khách vẫn mang lên. Rồi mưa dầm thấm lâu, đài phát thanh cứ tuyên truyền ra rả mình ngồi ngay đầu chợ không thể không làm theo. Ban đầu khách muốn mang về phải mang theo cạp lồng cũng khá bất tiện nhưng sau họ quen dần lại cảm thấy như thế sạch sẽ hơn. Vậy mới nói cái gì cũng từ ý thức của mình mà ra cả".
Không còn túi ni-lông, gánh mỳ Quảng của bà Hoa cũng "nhẹ nhàng" bớt bởi vì chẳng còn phải đùm đề bao nhiêu loại túi bóng, dây chun. "Bây chừ tôi cũng chẳng còn nhớ mấy năm rồi mình không đi mua túi sỉ đựng mỳ nữa", bà Hoa cười vui.
Hoạt động mua bán trên Cù Lao Chàm đều ưu tiên không sử dụng túi ni-lông. |
Thế nhưng, cái khó của gánh mỳ Quảng cũng chẳng thấm vào đâu so với các hàng bán đồ hải sản tươi sống. Du khách ra đảo nhìn thấy tôm cá tươi rói muốn mang về làm quà cũng chẳng biết đựng vào đâu. "Trong cái khó ló cái khôn" những người buôn hải sản liền sáng tạo ra một loại túi bạt cắt từ bao tời. Loại túi này có tính chất rất bền chắc mà lại tái sử dụng được nhiều lần. Chị Trinh (bán hàng hải sản) cho biết dù không thể hoàn toàn nói không với túi ni-lông nhưng hạn chế được chừng nào thì tiểu thương đều cố gắng hạn chế.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị Mỹ Hương- Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp phấn khởi cho biết, trong hành trình 10 năm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thì có lẽ điều lớn nhất mà cộng đồng cư dân trên đảo làm được đó chính là việc nói không với túi ni-lông. "Bây giờ thì đã là chặng cuối của công tác tuyên truyền rồi chứ trước đây đi trên đảo giờ nào cũng nghe mục tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa. Tôi có thể khẳng định là việc nói không với túi ni-lông đã không chỉ là khẩu hiệu nữa mà thực sự đã trở thành hành động và thói quen. Chúng tôi cũng lập điểm ký gửi giỏ nhựa để dành cho những ai "quên" mang giỏ đi chợ. Theo đó, nếu đi ra đường cần mua đồ mà không có giỏ xách thì người dân có thể tự đến đây mượn hôm khác trả. Đây cũng là cách để người dân luôn luôn có ý thức trong việc không dùng túi ni-lông", bà Hương cho biết.
Từ việc chính quyền địa phương phải hướng dẫn cách không dùng bao ni-lông thì người dân địa phương cũng tự sáng tạo ra rất nhiều cách làm của mình. Đơn cử như việc đựng các loại bánh thì đựng trong túi giấy báo, các loại hạt, trái cây thì đựng trong túi lưới vừa tiện lợi vừa tái sử dụng lại được nhiều lần. Bà Phạm Thị Mỹ Hương cho biết, sau 10 năm nói không với túi ni-lông sắp tới Cù Lao Chàm sẽ tiến tới những chiến dịch rộng hơn là nói không với ống hút nhựa và rác thải nhựa.
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện thành công chiến dịch "Cù Lao Chàm nói không với túi ni-lông" đã góp phần tạo tiếng vang lớn ở một khu dự trữ sinh quyển thế giới, lôi cuốn sự tò mò của các du khách đến tham quan học tập, tạo nên một điểm nhấn đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái ở Cù Lao Chàm. Cụ thể, trước thời gian năm 2009, khách du lịch tới đảo đạt khoảng 32.000 người/ năm, nhưng từ năm 2009 đến 2011, lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm luôn đạt từ 70.000 - 80.000 người/ năm. Năm 2012, khách du lịch đến thăm đảo Cù Lao Chàm đã đạt đến con số 106.000 người. Hiện nay, lượng khách "muốn" lên đảo luôn vượt ngưỡng đến nỗi chính quyền TP phải quản lý không quá 3.000 khách lên đảo/ngày. Giờ đây, thương hiệu "Cù Lao Chàm nói không với túi ni-lông" còn trở thành một dạng "sản phẩm du lịch" độc đáo chỉ nơi đây mới có và trở thành niềm tự hào của cư dân cù lao, một địa phương chỉ trong vòng 10 năm đã xóa bỏ được một thói quen mà rất nhiều nơi đang nỗ lực ngày đêm vẫn chưa thể đạt được.
(còn nữa)
Phóng sự: HÀ DUNG