Hành trình đầy gian nan của những người cùng khổ
Sáng 7-10, chốt kiểm soát giao thông đường bộ phòng, chống dịch COVID-19 phía Nam Hà Tĩnh (Km 590+400 trên tuyến QL1 đoạn qua xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) lại tất bật đón tiếp hàng ngàn người dân lưu hành bằng xe máy từ các tỉnh, thành phía Nam vào địa phận Hà Tĩnh. Trong số này, số ít là công dân người Hà Tĩnh, còn chiếm phần lớn là người dân các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh, thành phía Bắc.
Chị Dính cùng con và chuyến hành trình hồi hương đầy mệt nhọc. |
Mở cửa 4 hầm trên Quốc lộ 1 hỗ trợ người dân đi xe máy về quê Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị mở cửa 4 hầm trên Quốc lộ 1 gồm: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các khu vực vùng dịch COVID-19 các tỉnh phía Nam đi xe máy về quê. Theo đại diện Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, tối 6-10, nhận thấy lưu lượng xe máy của người dân từ các vùng dịch phía Nam di chuyển về quê qua đèo Hải Vân rất lớn, thời tiết miền Trung lại đang vào mùa mưa rất nguy hiểm khi người dân di chuyển qua đường đèo, đơn vị đã tiến hành mở hầm Hải Vân và phối hợp với lực lượng chức năng hai tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng để hỗ trợ người dân đi xe máy qua đường hầm Hải Vân. Theo đại diện Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, ngay trong đêm 6-10 và rạng sáng 7-10, đã có khoảng 1.000 người và phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân theo hướng từ Nam ra Bắc. Để các đoàn xe máy được di chuyển trong hầm, đơn vị quản lý vận hành hầm phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng cho xe ô-tô lưu thông hết ra khỏi hầm và chặn các xe ô-tô khác ngay từ đầu tuyến đường dẫn. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho người dân, xe của lực lượng cảnh sát giao thông dẫn đầu đoàn đi vào hầm. Đoàn xe máy của người dân sẽ đi sau xe dẫn đoàn. Đồng thời, lực lượng phòng cháy chữa cháy-cứu hộ cứu nạn của đơn vị vận hành hầm Hải Vân xen kẽ từng tốp để sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố xảy ra. |
Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh - phụ trách chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, cho hay: Chốt thường xuyên cập nhật công tác phòng chống dịch ở các tỉnh, thành phía Nam và tăng cường trao đổi thông tin với lực lượng chức năng một số tỉnh lân cận để đưa ra các nhận định, chủ động phương án ứng phó nên chốt vẫn thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát. Công dân ở miền Nam khi về tới chốt kiểm soát được chính quyền địa phương và các lực lượng tại chốt hỗ trợ bánh mì, sữa, nước lọc...; hướng dẫn khai báo y tế, cách thức di chuyển.
Tầm gần trưa, những chiếc xe máy “cà tàng” đủ biển số từ các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Nghệ An,… chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh rồng rắn nhau đến điểm dừng chân. Đây là điểm dừng được lực lượng chức năng Hà Tĩnh bố trí sẵn rạp, đồ ăn, nước uống, áo quần... hỗ trợ cho công dân hồi hương.
Đôi mắt đỏ hoe sau 2 ngày 3 đêm chạy xe máy, anh Giàng Y Dờ (1989, quê Yên Bái) cho hay: “Vợ chồng tôi vào Bình Dương làm công nhân, tiền lương mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, hai người được 14 triệu. Hơn 4 tháng qua, không có việc làm nên quyết định về quê”. Cũng theo anh Dờ, vợ chồng anh và nhóm bạn 10 người Mông bắt đầu đi xe máy từ Bình Dương về quê Yên Bái. Trước lúc xuất phát, họ chuẩn bị xăng và ít gói mì tôm, nước ngọt. Cả nhóm chạy xe liên tục cả ngày và đêm, chỉ tranh thủ nghỉ ngơi, chợp mắt bên vệ đường khi quá mệt. “Biết chạy xe máy đường xa sẽ rất nguy hiểm, nhất là về phía ngoài này trời lại mưa nữa, nhưng thật lòng chúng tôi không còn cách nào khác nữa cả. Hơn 4 tháng bám trụ, ăn mì tôm qua ngày, thậm chí có những ngày nhịn đói vì tiền hết sạch. Để có kinh phí về quê, vợ chồng tôi phải bán cái điện thoại được 500.000 đồng và vay mượn thêm một ít nữa”, anh Dờ chia sẻ.
CSGT Hà Tĩnh dẫn đoàn xe ngoại tỉnh đi qua địa phận Hà Tĩnh.
Ngồi cạnh bên, chị Lương Thị Vân (quê huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết: “Vợ chồng em cũng là công nhân, mấy tháng dịch vừa qua hầu hết những người lao động như bọn em đều không có việc làm, em lại đang mang bầu được 8 tháng. Ăn uống qua ngày nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và những mạnh thường quân nhưng cũng không thể bám trụ lại ở trong đó được. Em lại sắp sinh, không có tiền, không có người chăm sóc nên vợ chồng em quyết định chạy xe máy với đoàn về quê. Dù biết di chuyển một quãng đường xa như vậy sẽ rất nguy hiểm, nhưng nếu ở lại thì không biết sẽ sống ra sao nữa”.
Khuôn mặt bơ phờ, bế trên tay cô con gái 3 tháng tuổi, bên cạnh là con trai 5 tuổi, anh Vường Pá Xửng (quê huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mệt mỏi cho biết: “Gia đình vào Bình Dương được 2 năm nay, vợ chồng làm công nhân nên lương cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Vừa rồi dịch COVID-19 phức tạp, các khu công nghiệp đóng cửa vợ chồng tôi cũng như hàng ngàn công nhân khác không có việc làm. Con cái bữa đói bữa no, thậm chí có lúc tôi phải lên Facebook đăng bài xin hỗ trợ sữa cho con. Vợ lại mới sinh xong, sức khỏe còn yếu lắm, nhưng chúng tôi không thể ở lại thêm được ngày nào nữa. Về quê còn có bà con xóm làng, rồi rau rừng nuôi sống. Sau 2 ngày 3 đêm di chuyển bằng xe máy, may chính quyền địa phương các tỉnh đều đón tiếp, các tổ chức mạnh thường quân cho thức ăn nước uống, cho xăng xe dọc đường mới về được tới đây”.
Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh cho biết thêm, những người ở các địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa… sau khi được “tiếp sức”, lực lượng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ dẫn đường di chuyển qua địa phận Hà Tĩnh rồi bàn giao cho tỉnh Nghệ An. Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng bố trí phương tiện để chở những người đi bộ, người không đảm bảo sức khỏe, người già, trẻ con qua địa bàn. Việc dẫn đường, hỗ trợ công dân các tỉnh di chuyển vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa để chắc chắn họ không ghé vào các địa điểm ở Hà Tĩnh, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Trường hợp công dân trở về Hà Tĩnh thì tiến hành khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt và thông báo lực lượng công an, chính quyền địa phương nơi người đó trở về để tổ chức phương án đưa đón, cách ly phù hợp. Những người có biểu hiện ho, sốt thì nhanh chóng đưa vào khu cách ly tập trung.
Hà Tĩnh huy động xe buýt vận chuyển hàng ngàn người dân ngoại tỉnh đi qua địa bàn.
Tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại Cầu Bến Thủy 2- cửa ngõ vào TP Vinh (Nghệ An), ngồi nghỉ chân sau chặng đường dài cả ngàn cây số, anh Mùa A Sềnh (1984, quê ở Sơn La) ánh mắt đỏ hoe lộ rõ sự mệt mỏi. Anh đang tranh thủ lấy chiếc bánh bao từ đoàn từ thiện ở Nghệ An cho con trai ăn chống đói để tiếp tục hành trình. “Vợ chồng tôi đưa theo 2 đứa con 3 tuổi và 11 tháng đi từ Bình Dương về đã 4 ngày rồi mới đến Nghệ An. Trên đường gặp mưa to nên đi xe máy hơi vất vả, may mắn chúng tôi nhận được nhiều sự trợ giúp của mọi người. Tôi đưa vợ con vào Bình Dương làm việc mới được 2 tháng thì phải nghỉ vì bùng dịch. Giờ xóm trọ mọi người ai cũng về, mình ở lại cũng không có cái ăn, dịch thì chưa biết khi nào hết. Giờ đi đến Nghệ An cũng mừng rồi, chỉ mong sớm về đến quê thôi”, anh Sềnh chia sẻ.
Chạy quãng đường xa trong thời tiết mưa to, vợ chồng chị Vừ Thị Dính (23 tuổi) và Thào Mí Tủa người ướt sũng. Chị Dính cởi bộ áo quần ướt để thay cho đứa con gái 1 tuổi nhưng cả chiếc túi vải ướt nhẹp, không còn đồ để thay. Đúng lúc, có đoàn thiện nguyện mang túi quần áo để ở chốt, chị Dính lấy tạm chiếc áo cỡ hơi rộng mặc vào cho con. Đầu năm 2021, vợ chồng chị gửi đứa con đầu ở nhà cho ông bà, đưa theo con thứ 2 vào Bình Dương làm ăn. Suốt 4 tháng nghỉ làm vì dịch COVID-19, tiền tích trữ lâu nay cũng hết. “Ngày ra về, trong người hai vợ chồng không còn đồng nào, đi đường chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ, trợ giúp từ mọi người”, chị Dính nói.
X.S-D.H