Hành trình đến với Myanmar (Ngày thứ 3: Lạc vào thế giới thần tiên!)
Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy rất sớm, phần vì muốn ghi lại những hình ảnh đẹp, riêng biệt mang hơi thở của Kyaiktiyo - vùng đất còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của Myanmar. Thời tiết ở đây se lạnh như Đà Lạt, sương mù bảng lảng. Đúng là “trời không phụ lòng người”, vừa mở cửa khách sạn, tôi đã nhìn thấy cả đoàn nhà sư đi khất thực ngay dưới chân núi. Đông không kém các nhà sư là người dân bản địa và cả các em nhỏ, ai cũng thoa 2 bên má và trán lớp bột Thanakha, tay bưng cơm nắm, bánh, nước ngọt... mời chào. Hỏi ra mới biết, họ mời du khách mua để phát cho những nhà sư đi khất thực. Tôi rủ đồng nghiệp đi cùng mua cơm, bánh, nước và đứng bên đường chắp tay lần lượt đưa cho từng nhà sư, kể cả các sư nhỏ tuổi. Nhưng điều mà tôi thấy buồn cười nhất và cảm thấy hơi mất ý nghĩa của việc đi khất thực là các nhà sư cứ xếp hàng dài đi qua đi lại hàng chục lần chỗ chúng tôi đứng để khất thực. Lát sau tôi cũng tự an ủi phần nào khi chứng kiến các nhà sư chia sẻ đồ ăn cho những thanh niên đứng bên đường. Tôi cũng kịp chứng kiến cảnh người dân nơi đây bán lèo tèo vài bó rau, củ, đồ ăn, cảnh nhà sư ngồi uống nước tại hàng quán bên đường... Nói chung người dân ở đây còn rất nghèo, hiền hòa, họ cũng giống như núi rừng, cảnh vật Kyaiktiyo, khiến tôi cứ lưu luyến mãi khi leo lên xe tải xuống núi.
Đoàn tham quan chụp ảnh bên tượng Phật nằm Shwethalyaung. |
Chào tạm biệt Kyaiktiyo, chúng tôi quay chở lại Bago tham quan Chùa Kyaikpun, được xây dựng năm 1476, gồm 4 tượng Phật cao 30 mét dựa lưng nhau nhìn về 4 phía, biểu tượng của sự giác ngộ. Tên Kyaikpun xuất phát từ ngôn ngữ của người Mon. Từ Kyail có nghĩa là Phật, từ Pun là bốn. Chùa có bốn tượng Phật đấu lưng vào nhau, nên được gọi là Kyaikpun. Điểm đặc biệt thu hút nhiều du khách chính là bức tượng bốn mặt. Tương truyền rằng, nơi đây được chọn như là nơi để cất giữ miếu thờ Phật Bốn Mặt. Bốn Đức Phật quay mặt theo bốn hướng: Kakusandha, Konagamana, Kassapa, Gautama. Đây cũng được xem như là một trong những nơi linh thiêng nhất của Myanmar.
Cũng tại Bago cổ kính, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng tượng Phật nằm Shwethalyaung. Theo truyền thuyết, tượng Phật tuyệt đẹp này được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 dưới thời vua Mon Mgadeikpa. Đây là bức tượng Phật nằm (ngả tượng phật) lớn nhất tại Myanmar và lớn thứ hai trên thế giới sau bức tượng nằm dài 74m ở Dawei (Tavoy). Phật ngả có chiều dài 55m và cao 16m. Sau khi Bago bị chiến tranh tàn phá vào năm 1757, người ta không còn thấy sự xuất hiện của pho tượng Phật khổng lồ Shwethalyaung cho đến năm 1881 khi một nhà thầu đã khai quật được nó trong khi xây dựng tuyến đường sắt Yangon - Bago. Năm 1906, các kiến trúc sư nổi tiếng nhất của Myanmar đã tu tạo lại bức tượng này. Gắn liền với sự ra đời của bức tượng Phật nằm khổng lồ Shwethalyaung là một câu chuyện truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn. Câu chuyện xoay quanh mối tình của Hoàng tử triều đại Mgadeikpa và cô gái người Mon. Khi Hoàng tử đi săn trong rừng vô tình bắt gặp một cô gái Mon. Ngay lập tức, trái tim Hoàng tử đã bị rung động. Nhưng cô gái đó là một Phật tử còn Hoàng tử là người ngoại đạo, cũng là người kế nhiệm quyền thống trị vương quốc sau này. Nhưng bất chấp tất cả, kể cả sự phản đối của vua cha, họ yêu thương và kết hôn. Nhà vua khi biết chuyện rất tức giận và ra lệnh xử tử cả Hoảng tử và cô gái Mon. Tuy nhiên, sự phản đối của nhà vua đã bị một thế lực vô hình cản phá. Cuối cùng, nhà vua mới nhận ra sai lầm và ra lệnh xây dựng một bức tượng Phật và đưa nước mình trở thành một nước theo Đạo Phật. Sức ảnh hưởng của truyền thuyết này đến mức bất kỳ người dân Myanmar nào cũng biết về nó và trở thành một điều gì đó không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Myanmar.
Trước khi “lạc vào thế giới thần tiên” - Shwedagon, chúng tôi có 2 tiếng mua sắm tại Trung tâm thương mại và chợ Yangon. Hàng hóa ở Myanmar ít, không đa dạng, phong phú như ở Việt Nam. Nhưng Myanmar có mỏ đá quý, nên chúng tôi chủ yếu tìm mua hàng lưu niệm có gắn đá. Người bán hàng ở đây khá dễ chịu, giá cả phải chăng, thích thì bớt, bớt mà không mua cũng không sao. Do đó, chúng tôi thoải mái lựa chọn rồi qua hàng bên cạnh so sánh, nếu giá cả phù hợp thì có thể quay lại mua. Đến 17 giờ chiều hầu hết các cửa hàng đã dọn dẹp để đóng cửa. Đây cũng là một thói quen lâu đời của người Myanmar, 9 giờ sáng mới dọn hàng ra bán, chiều 17 giờ đóng cửa nghỉ ngơi, tối chủ yếu là lên chùa cầu nguyện.
Phật 4 mặt tại Chùa Kyaikpun. |
Kết thúc 2 giờ đồng hồ mua sắm, chúng tôi lên xe di chuyển tới Shwedagon (tiếng Myanmar có nghĩa là Chùa Vàng) - đây được xem là Quốc bảo và niềm tự hào của Myanmar. Shwedagon là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanma, được hình thành từ 2.500 năm trước và được các triều đại phong kiến Myanmar tu bổ mở rộng dần. Chùa lưu giữ 4 báu vật đối với các tín đồ Phật giáo: cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, dụng cụ lọc nước của Phật Câu Na Hàm, mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Sau khi qua cổng kiểm soát an ninh, bỏ giày, tất, kiểm tra quần áo, chúng tôi xếp thành hàng vào thang máy, đi bộ lên chùa. Khi vừa đặt chân vào khuôn viên chùa Shwedagon, tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào chốn thần tiên, một màu vàng rực rỡ chói chang, lấp lánh bao quanh các tháp, giống như trong thế giới cổ tích. Trải rộng trên diện tích 50.000m2, chùa Shwedagon được xây dựng trên ngọn đồi thiêng Singuttara, tháp chính nằm trên một nền vuông cách mặt đất 6,4 m, được phủ bằng 60 tấn vàng nguyên chất. Quanh tháp chính có 4 tháp nhỏ hơn ở bốn hướng và hơn 60 tháp nhỏ rải rác. Tổng chiều cao của tháp chính là 99 m. Tháp có một chiếc chuông lớn được dát vàng toàn bộ, mỗi năm chuông lại được dát một lớp mới. Với chiều cao ấn tượng, đứng từ bất cứ đâu ở thành phố, bạn cũng có thể nhìn thấy Shwedagon. Chính phủ đã ban quy định các tòa nhà xây ở khu vực thành phố Yangon không được vượt quá chiều cao của chùa Shwedagon (tính cả nền đất là 160 m). Khu vực quanh tháp chính còn nhiều tháp phật với các sảnh cầu nguyện, tượng điêu khắc và đền thờ. Phần lọng tháp có 7 tầng, được dát vàng và nặng tới hơn 1 tấn, trang trí bằng chuông vàng, chuông bạc và nhiều loại đá quý. Tầng cao nhất được khảm hơn 1.100 viên kim cương, 1.383 viên đá quý. Đỉnh tháp có một quả cầu gắn 4.351 viên kim cương, trên cùng là một viên khổng lồ lên tới 76 carat. Trong số vàng dát trong quần thể các tháp ở Shwedagon thì có khoảng 1/3 là do chính người dân tự nguyện đóng góp. Thường cứ chiều chiều là người dân Myanmar đến Shwedagon cầu nguyện rất đông, già, trẻ, gái, trai đều có. Các nhà sư, các gia đình và tín đồ đạo Phật coi việc hành hương tới chùa Shwedagon cũng giống như người theo đạo Hồi nhìn nhận việc phải tới thánh địa Mecca một lần trong đời. Ngoài tháp chính cao gần 100m và vô số các tòa tháp nhỏ tất cả đều được dát vàng thì điều làm tôi chú ý là trong chùa có rất nhiều góc cầu nguyện. Người ta không chỉ cầu nguyện trong các gian điện mà bên ngoài còn có nhiều góc cầu nguyện khác nhau. Theo phật lịch của Myanmar thì một tuần có 8 ngày trong đó riêng thứ 4 chia làm 2 ngày là Wednesday Morning và Wednesday Afternoon. Mỗi ngày ứng với một vị thần may mắn và có một linh vật biểu tượng. Chủ Nhật là chim cánh vàng, một loại chim thần trong Ấn Độ giáo. Thứ 2 là con hổ. Thứ 3 là con sư tử. Nửa ngày đầu của thứ 4 là con voi có ngà, nửa ngày còn lại của thứ 4 là voi không ngà. Thứ 5 là con chuột. Thứ 6 là con lợn và thứ 7 là con rồng. Mỗi góc cầu nguyện người ta đề là “Sunday corner”, “Monday corner”, “Tuesday corner”... Góc nào cũng có tượng phật bên trên và linh vật biểu tượng tương ứng với ngày trong tuần bên dưới. Ai sinh vào ngày nào thì đến góc cầu nguyện dành cho ngày đó, lấy cốc hứng nước từ vòi rồi đổ lên đầu tượng hoặc linh vật biểu tượng. Bạn bao nhiêu tuổi thì đổ bấy nhiêu cốc nước. Khi làm thế, người Myanmar nguyện cầu may mắn và bình an. Người viết bài năm nay đã 40 có lẻ, nhưng thay vì múc nước tắm Phật theo số tuổi của mình, tôi đến bên một tượng Phật, bỏ tiền vào thùng công đức, khấn cho cả đoàn may mắn, đi đến nơi về đến chốn, rồi múc 5 lần nước “tắm” Phật.
Mặc dù các nhà sư, người dân và du khách đến đây rất đông, nhưng quang cảnh chùa rất yên bình, trật tự. Chỉ văng vẳng tiếng tụng kinh ngân vang được phát ra loa bằng tiếng Myanmar. Có lẽ vì sự nguy nga, tráng lệ và liêng thiêng của Shwedagon nên không ai dám cười, nói lớn tiếng. Điểm thu hút nữa là Shwedagon rất sạch, sạch nhất trong các chùa ở Myanmar mà chúng tôi đã tham quan. Xung quanh khuôn viên chùa còn trồng rất nhiều cây xanh, càng làm nổi bật màu vàng rực rỡ của Shwedagon.
Tạm biệt Shwedagon, chúng tôi được thưởng thức bữa tối buffet trên thuyền hoàng gia Karaweik, xây dựng trên mặt hồ Kandawgyi. Tòa nhà Karaweik là một cấu trúc bê tông trông giống như hai con chim vàng khổng lồ, với mái nhà được xây dựng theo hình dạng Pyatthat. Chúng tôi vừa dùng bữa, vừa xem các tiết mục nghệ thuật đặc sắc đậm chất Myanmar như nhảy voi, múa rối, múa truyền thống....
(còn nữa)
Ghi chép: THU HUYỀN