Hành trình đòi công lý của người mang phận vợ bé
(Cadn.com.vn) - Người phụ nữ chấp nhận phận làm lẽ về sống chung với người đàn ông đã có gia đình, vợ con; với sự đồng ý và trực tiếp người vợ cả mang trầu cau sang “dạm ngõ”. Mặc dù không có hôn thú, nhưng trong hộ khẩu vẫn ghi người ấy là vợ, thậm chí khi ông chồng mất đi, các con ông vẫn ghi tên bà trên bia mộ. Hơn 30 năm cùng gia đình chồng làm lụng vất vả, tạo dựng được cơ nghiệp, gia sản bề thế, nhưng vừa mãn tang, sợ người “vợ bé” đòi chia thừa kế nên gia đình vợ cả đã tìm cách “lật kèo”. Và từ đây, hành trình đòi công lý của người vợ bé trải qua không ít khổ ải, đọa đày...
“CHỒNG CHUNG AI HIỂU NỖI NIỀM RIÊNG”...
Người phụ nữ mà chúng tôi nói đến là bà Nguyễn Thị Hồng (1950, trú tổ 19, P. Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam). Bà Hồng kể, do bố mẹ mất sớm nên bà phải sống với vợ chồng chú thím từ nhỏ. Vốn nhanh nhẹn, tháo vát nên khi trưởng thành bà đã tự lập bằng nghề buôn bán, kinh doanh. Trong thời gian này, bà gặp và quen biết với ông Lê Đình Tùng (1941, trú đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Hội An) rồi hai bên nảy sinh tình cảm. Mặc dù biết ông Tùng đã có vợ con, nhưng khi nghe ông ngỏ lời muốn chung sống và lấy bà làm “vợ bé”, bà có chút băn khoăn. Tuy nhiên, khi thấy đích thân bà Ngô Thị Thế (1943, vợ ông Tùng) đưa trầu cau lên ra mắt với chú thím, xin bà Hồng về sống chung trong gia đình, bà nhận lời, ấy là năm 1974.
Bà Hồng về sống chung trong nhà với ông Tùng, bà Thế và hai người con chung của họ. Do không có con nên bà xem hai con của chồng như con của mình. Gia đình sống hòa thuận, làm ăn ngày càng khấm khá. Năm 1994, bà Hồng chính thức có tên trong hộ khẩu gia đình với danh phận là vợ ông Tùng.
Với sự nhạy bén trong làm ăn kinh doanh của ông Tùng, cộng với sự đồng cam cộng khổ, tháo vát của bà Hồng, từ chỗ buôn bán nhỏ lẻ, ông Tùng và bà Hồng là thành viên sáng lập Xí nghiệp vận tải Sông Thu. Sau nhiều lần chuyển đổi hình thức kinh doanh, có được số vốn kha khá, đến năm 2002, ông Tùng giải thể xí nghiệp, chuyển vốn và tài sản vào Cty TNHH hai thành viên Hoa Sen (Cty Hoa Sen) với 60% (300 triệu đồng) vốn góp của ông, số còn lại là của con trai ông. Cty làm ăn thuận buồm xuôi gió, mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực với tổng tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng…
Mọi việc đang êm thấm thì ngày 2-6-2007, ông Lê Đình Tùng đột ngột qua đời, không để lại di chúc. Uẩn khúc cũng bắt đầu từ đây. Sau khi ông Tùng chết, gia đình bà Thế đã họp và đưa ra quyết định “tài sản và tiền mặt của ông Tùng đóng góp cho Cty Hoa Sen được chuyển giao toàn bộ cho bà Thế thừa kế”; đồng thời tìm nhiều lý do để đuổi bà Hồng ra khỏi Cty, nơi mà bà và ông Tùng đã ở một thời gian dài để thuận tiện cho công việc.
Thực tế bà Hồng cũng không muốn làm to chuyện, nhưng cả đời làm lụng vất vả, hơn nữa, toàn bộ tài sản riêng của bà đã gom góp cho ông Tùng làm ăn nhưng khi buộc phải ra đi trong cảnh trắng tay, bà mới thấy xót xa cho phận mình. Trong cảnh bơ vơ, không chốn nương thân, bà được thím dâu đón về cho ở tạm trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ ở P. Thanh Hà, với tài sản duy nhất là chiếc giường ọp ẹp - của “hồi môn” mà bà Thế nhường lại khi bà chuyển ra ở tại Cty với ông Tùng. Bà Hồng buồn rầu nhớ lại, khi còn sống, ông Tùng nhiều lần tâm sự xây cho bà một ngôi nhà riêng và viết di chúc để lại cho bà một phần tài sản, thế nhưng dự định của ông mãi chỉ là dự định.
Bà Hồng kể lại hành trình gian nan đòi công lý của mình. |
HÀNH TRÌNH ĐÒI CÔNG LÝ
Lấy lý do giữa ông Tùng và bà Hồng không đăng ký kết hôn nên không hợp pháp, đồng thời trên giấy tờ, bà Hồng không liên quan gì đến Cty nên các con của ông Tùng cho rằng bà không có quyền gì trong việc phân chia tài sản do ông Tùng để lại. Bức xúc trước sự cạn tình cạn nghĩa ấy và để đòi lại những gì mình đáng được hưởng, bà Hồng làm đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm (ngày 16-9-2010), TAND TP Hội An thừa nhận “bà Hồng là vợ ông Tùng”, tuy nhiên tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu thừa kế của bà Hồng khi quyết định chia thừa kế 2 lô đất mà không chấp nhận chia thừa kế với 60% vốn góp của ông Lê Đình Tùng vào Cty Hoa Sen vì lý do “thực tế ông Tùng không có vốn góp”. Phiên sơ thẩm do TAND TP Hội An cũng như phiên phúc thẩm do TAND tỉnh Quảng Nam thụ lý sau này đều không công nhận bà Hồng là vợ ông Tùng, đồng nghĩa với việc bà Hồng không có quyền thừa hưởng tài sản do ông Tùng để lại...
Trong sổ hộ khẩu do ông Tùng làm chủ có ghi tên bà Hồng với danh phận là vợ. |
Mới đây, sự việc được Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý và xét xử giám đốc thẩm. Theo HĐXX TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, tại điểm a, mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định: “Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13-1-1960) ngày công bố Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đối với miền Bắc; trước ngày 25-3-1977 ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật, thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ…”.
Theo các quy định nêu trên của pháp luật thì ông Tùng và bà Hồng chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1974 tại Hội An (Quảng Nam) nên được pháp luật công nhận là vợ chồng, bà Hồng là người thừa kế hàng thứ nhất của ông Tùng.
Vì những lẽ trên, HĐXX Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra quyết định hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2013/DSPT ngày 31-1-2013 của TAND tỉnh Quảng Nam và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 41/2012/DS-ST ngày 12-9-2012 của TAND TP Hội An, Quảng Nam đối với vụ việc nêu trên. HĐXX Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) để xét xử sơ thẩm lại đúng theo quy định của pháp luật.
D.H
Theo quy định, tài sản mà bà Hồng đáng được phân chia là một phần của Cty TNHH Hoa Sen. Cty này được định giá sau khi trừ nợ ngân hàng còn gần 29 tỷ đồng và ông Tùng có 60% tổng giá trị tài sản, khoảng 17 tỷ đồng. Và bà Thế và bà Hồng là người thừa kế ở hàng thứ nhất theo quy định. |