Báo Công An Đà Nẵng

Hành trình đón công dân vào “ngôi nhà số”

Thứ tư, 07/02/2024 18:52
Công an TP Đà Nẵng đến tận nhà hỗ trợ người già, tàn tậtlàm hồ sơ CCCD.

Chiến dịch nối tiếp chiến dịch

Nhớ lại những thời điểm đầu thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) để làm nền tảng thực hiện Đề án 06 sau này, lực lượng Công an toàn TP Đà Nẵng trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức. Khối lượng công việc lớn và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, trong năm 2020 và 2021, toàn lực lượng Công an TP vượt lên chính mình để thực hiện 2 dự án, liên tiếp mở các chiến dịch làm ngày, làm đêm, bất kể ngày nghỉ hay lễ để thu nhận hồ sơ CCCD. Đằng sau đó, Công an địa phương tiếp tục thực hiện hàng loạt công việc cần thiết triển khai đồng thời để bảo đảm tính pháp lý, tính “đúng, đủ, sạch, sống” cho dữ liệu thu nhận.

Chiến dịch cũ đang tiếp diễn thì tiếp tục trong năm 2022 và đặc biệt là 2023, Công an TP Đà Nẵng mở các chiến dịch, đợt cao điểm khác để thực hiện Đề án 06 như: chiến dịch “60 ngày, đêm” thu nhận hồ sơ CCCD, cài đặt tài khoản định danh điện tử; chiến dịch “30 ngày, đêm” đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) mức 2; cao điểm thu nhận hồ sơ, cấp CCCD cho các trường hợp sinh các năm 2002, 2005, 2007 và 2008 là học sinh trong độ tuổi tham dự các kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT năm 2023.

Đặc biệt, quá trình thực hiện các chiến dịch kích hoạt tài khoản ĐDĐT, không ít đơn vị Công an xã, phường từ tốp cuối vượt lên trong các chiến dịch, đóng góp chung vào thành tích của toàn lực lượng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, tính đến ngày 19-10-2023, toàn thành phố mới thu nhận đạt 75,3%; đến 20-11-2023 tài khoản theo chỉ tiêu Bộ Công an giao được kích hoạt đạt 90,6%. Tính đến giữa tháng 12- 2023, một số đơn vị đã về đích và vượt chỉ tiêu như Công an quận Liên Chiểu, Công an quận Cẩm Lệ, các quận, huyện còn lại cũng tiệm cận với con số 100%. Riêng tại Cẩm Lệ, tính đến chiều 29-11, đơn vị đã thực hiện vượt chỉ tiêu và thời gian so với yêu cầu đặt ra, kích hoạt thành công 101.221 tài khoản, đạt 101%, vượt trên 0,64% về trước thời gian. Có 6/6 Công an phường (CAP) đạt 100% chỉ tiêu trở lên, trong đó CAP Hòa Phát dẫn đầu với 12.745 tài khoản được kích hoạt (đạt 105,5% chỉ tiêu), góp phần đưa CAQ Cẩm Lệ trở thành đơn vị đầu tiên toàn thành phố đạt 100% chỉ tiêu được giao.

Thượng tá Võ Hoàng Trung - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP cho biết, trong quá trình thực hiện, lực lượng Công an và các đơn vị tập trung tối đa nguồn lực, phục vụ người dân từ sáng sớm đến tối muộn, kể cả ngày nghỉ, lễ. Không khí khẩn trương, quyết liệt được len lỏi đến từng con đường, góc phố. Các Tổ công tác tại khu dân cư được thành lập, huy động lực lượng hùng hậu từ Tổ trưởng dân phố, đoàn viên thanh niên, Hội cựu chiến binh... cùng Cảnh sát khu vực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản ĐDĐT mức 2.

P. Nam Dương tổ chức có Tổ trưởng dân phố ký cam kết cùng thực hiệncác chiến dịch đăng ký, kích hoạt Tài khoản ĐDĐT mức 2.

Từ chiến dịch chuyển thành “trái ngọt”

Đến nay, những “trái ngọt” đã hiện hữu, mang lại những hiệu quả thiết thực cho xã hội và người dân chính là đối tượng thụ hưởng lớn nhất. Người dân dần thay đổi thói quen, dần làm chủ “ngôi nhà số” mà chìa khóa chính là tiện ích từ Đề án 06.

Với thẻ CCCD hoặc VNeID, người dân chỉ mất vài phút đã thực hiện xong các thủ tục mà trước đây nếu khai báo thủ công phải mất rất nhiều thời gian. Theo Sở y tế TP Đà Nẵng, hiện đã có 83/96 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng thẻ CCCD gắn chip và ứng dụng VNeID; cùng với đó là hơn 1 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT thành công. Cũng nhờ vào các tiện ích từ Đề án 06, việc khai báo lưu trú tại các cơ sở kinh doanh lưu trú được thuận tiện hơn thông qua phần mềm ASM... Ứng dụng này thực sự hữu ích đối với thành phố du lịch như Đà Nẵng.

Nếu như trước đây việc làm thủ tục lưu trú phải đến trực tiếp cơ quan Công an, thì việc đăng ký lưu trú đã trở nên đơn giản hơn. Kinh doanh cho thuê khách sạn, chị Huỳnh Thị Ngọc Mai (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) phải thường xuyên làm thủ tục đăng ký tạm trú cho khách. Với phần mềm ASM, nhân viên khách sạn chỉ cần khai báo trên mạng, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí.

Công an Đà Nẵng xây dựng các điểm dịch vụ công trực tuyến tại khu dân cư để phục vụ người dân.

Cùng với đó, những tiện ích Đề án 06 mang lại, công dân còn có thể sử dụng ứng dụng VNeID để tố giác tội phạm. Dù ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào cũng có thể tham gia tố giác tội phạm, không cần trực tiếp đến cơ quan Công an. Anh Trần Thanh Hải, người dân P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu phấn khởi cho biết: “Trước đây, chúng tôi còn e ngại khi tố giác tội phạm, nhưng khi được cơ quan Công an tuyên truyền về những tiện ích của ứng dụng VNeID có tính bảo mật thông tin cao, không bị lộ lọt danh tính của người tố giác tội phạm như một nguồn động viên, khích lệ những người dân như chúng tôi chủ động tham gia tố giác tội phạm”.

Trung tá Phạm Thị Diệu Thúy – Đội trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP thông tin, ngoài các tiện ích trên, người dân khi có nhu cầu thực hiện các dịch vụ công thiết yếu chỉ cần ngồi ở nhà và thao tác trên máy tính. Hiện đã triển khai cung cấp 22/25 dịch vụ công thiết yếu được TP triển khai theo Đề án 06. Một số dịch vụ công có tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 100% và cao trên 90%.

Nhờ có các tiện ích từ Đề án 06, người dân được hưởng lợi rất nhiều, thực sự trở thành chủ thể, trung tâm. Và để có thể đưa Đề án 06 đến gần hơn với người dân, dẫn dắt người dân vào “ngôi nhà số” là sự nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an và các cấp chính quyền địa phương.

MAI VINH