Hành trình đưa các anh về đất Mẹ
Những năm qua, Đảng ủy- Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt Đề án tìm kiếm, quy tập HCLS và Đề án xác định HCLS còn thiếu thông tin giai đoạn 2013- 2020. Bộ Tư lệnh Quân khu đã thành lập Ban Chỉ đạo 1237 Quân khu và chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo 1237 các tỉnh, thành phố (nay là Ban Chỉ đạo 515), chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Trên cơ sở danh sách liệt sĩ lưu trữ qua các thời kỳ chiến tranh, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 515 Quân khu tiến hành phân tích theo nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu gửi về các địa phương để bổ sung, xác minh, hoàn thiện cơ sở dữ liệu. Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành, cơ quan chức năng đối chiếu, xác định tổng số liệt sĩ hy sinh trong từng thời kỳ, danh sách liệt sĩ của từng địa phương; thẩm tra, sàng lọc, khoanh vùng, chốt địa bàn, chuẩn hóa thông tin và cập nhật vào phần mềm quản lý. Quá trình làm việc đã lồng ghép với khai thác kết quả giải mã ký hiệu, phiêu hiệu đơn vị, lịch sử, truyền thống của các địa phương.
Địa bàn Quân khu 5 trải dài suốt 11 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Vượt lên bộn bề trở ngại, các lực lượng Quân khu đã hoàn thành kết luận địa bàn theo 3 cấp (xã, huyện, tỉnh), lập bản đồ tìm kiếm, quy tập HCLS ở các địa phương. Đến nay, đã quy tập hơn 160.000 mộ liệt sĩ. Chỉ tính riêng giai đoạn 2013- 2020, đã xác minh, khảo sát, tìm kiếm quy tập trên địa bàn Quân khu 2.425 HCLS; ở Lào, Campuchia 541 HCLS. Mộ liệt sĩ sau khi cất bốc được lập hồ sơ quản lý và lấy mẫu sinh phẩm để xét nghiệm ADN theo quy định.
Theo tín ngưỡng của đồng bào Raglai (Ninh Thuận), khi người chết (kể cả liệt sĩ) đã được làm tục bỏ mả, thì không ai dám chỉ hoặc động đến những ngôi mộ đó. Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận cùng đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương đã kiên trì vận động các già làng, người có uy tín các tộc họ, đến tận nhà người dân thuyết phục. “Mưa dầm thấm lâu”, một số gia đình, thân nhân liệt sĩ đã đồng thuận và cho phép đưa HCLS về nghĩa trang.
Đối với Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, việc cảm hóa, thuyết phục, động viên những người một thời ở bên kia chiến tuyến xác định các địa chỉ chôn cất liệt sĩ đã mang lại những kết quả tốt. Ông Huỳnh Văn Sĩ, xã Thành An, thị xã An Khê năm 1967 trúng quân dịch, làm lính Trung đoàn 44 Sư đoàn 23 ngụy. Tháng 8-1968, chỉ huy bắt ông cùng một số lao công dân binh đào hố tại khu vực Suối Vối để chôn 26 xác chiến sĩ Quân Giải phóng do quân ngụy chở về. Được LLVT thị xã An Khê đến tận nhà tuyên truyền, động viên, thuyết phục, ông không những là một nhân chứng sống để bộ đội triển khai tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ mà còn vận động những người cùng thời với mình trước đây tìm ra manh mối, thu thập thông tin, tham gia khảo sát địa hình, lên sơ đồ, xác định HCLS…
So với trong nước, việc tìm kiếm, quy tập HCLS Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào và Campuchia lại càng khó khăn hơn. Cứ đến đầu mùa khô, khoảng từ cuối tháng 10 đến tháng 11 hằng năm, các Đội quy tập K51 (Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk), K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai), K53 (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) lại lên đường sang đất bạn. Hơn 20 năm qua, các anh đã hành quân hàng triệu km vượt qua bao con sông, con suối trên những con đường mòn cheo leo trên vách núi, đào bới hàng chục ngàn m3 đất đá, hàng trăm ki-lô-mét đường hào... Quanh năm ăn rừng, ngủ núi, thường xuyên đối mặt với sốt rét, thú rừng, rắn rết nên CBCS đều sở hữu nước da đen nhẻm, xù xì, chi chít vết muỗi châm, vắt cắn. Đội K52 có 1 đồng chí hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ, 7 đồng chí khác bị thương, được công nhận là thương binh. Dù gian nan đến mấy, ý chí dũng cảm, tinh thần quên mình của đơn vị luôn được thể hiện kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất.
Làm nhiệm vụ trên đất bạn, CBCS luôn chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận, kết hợp làm nhiệm vụ với khám, cấp thuốc và chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, cấp cứu được nhiều ca sốt rét nặng, gặp tai nạn giao thông, hỗ trợ một phần lương thực của mình cho các hộ nghèo, giúp dân thu hoạch mùa màng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, tin tưởng, thương yêu với cấp ủy, chính quyền, quân và dân các địa phương đi qua, để lại ấn tượng sâu đậm về Bộ đội Cụ Hồ “Đi dân nhớ, ở dân thương”.
…Trên hành trình tìm kiếm, quy tập HCLS dù phải đương đầu với những khó khăn, vất vả, gian khổ, hy sinh nhưng CBCS LLVT Quân khu 5 không chùn bước. Trái tim thôi thúc các anh tiếp tục lên đường, tới những chiến trường xưa nơi các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả để tìm kiếm, đưa HCLS về đất Mẹ. Việc làm thầm lặng ấy luôn tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới, xứng đáng được ghi nhận là những chiến công.
Đỗ Thị Ngọc Diệp