Hành trình hướng đến tỉnh đầu tiên an toàn với bom mìn
Quảng Trị đặt mục tiêu trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam an toàn với bom mìn vào năm 2025, sau khi đạt được nhiều thành công trong việc hợp tác và vận động nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ để khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, bắt đầu từ năm 1995 đến nay.
Được thành lập vào tháng 8-2018, MAT 19 là tên gọi của đội nữ rà phá bom, mìn duy nhất trong 40 đội rà phá bom mìn do tổ chức phi chính phủ Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) triển khai hoạt động tại tỉnh Quảng Trị, có nhiệm vụ rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng. |
Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với hơn 81% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương. Trong 26 năm qua (1995 - 2021), tỉnh đã vận động được gần 144 triệu USD do các tổ chức quốc tế, phi chính phủ tài trợ để khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Nguồn kinh phí này đã giúp tỉnh rà phá trên 214 triệu m2 đất; tiến hành khảo sát bom chùm trên 449 triệu m2 đất; xác định được hơn 446 triệu m2 đất ô nhiễm bom chùm, trong đó đã xử lý trên 86 triệu m2 đất ô nhiễm loại bom này. Tổng số vật nổ đã tìm thấy và được xử lý là hơn 740.700 quả đạn, pháo các loại. Đồng thời, hàng chục nghìn người được hỗ trợ sinh kế, nâng cao nhận thức về bom mìn.
Năm 2018 là năm đầu tiên Quảng Trị ghi nhận không có tai nạn do bom mìn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam khẳng định, những năm qua, tỉnh đã triển khai có hiệu quả việc khắc phục hậu quả bom mìn. Các chương trình, mô hình hành động bom mìn đã được thực hiện khoa học hiệu quả. Nhiều diện tích đất ô nhiễm bom mìn được xóa bỏ hoàn toàn. Nhận thức của người dân về bom mìn được nâng lên. Những hoạt động dân sinh trên nhiều vùng đất bị ô nhiễm bom mìn trước đây, nay đã diễn ra bình thường.
Từ năm 1995 đến nay, các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đã hỗ trợ Quảng Trị nhiều nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn với hàng chục triệu USD. Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam (PTVN) của Hoa Kỳ là tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép (năm 1995) hoạt động và triển khai hoạt động rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị. Đây là sự khởi đầu cho một loạt hoạt động hợp tác quốc tế, khắc phục hậu quả bom mìn do Hoa Kỳ tài trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ như: Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG), Tổ chức phi lợi nhuận Clear Path International (CPI)...
Các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đã hỗ trợ Quảng Trị giải phóng an toàn khoảng 187 triệu m2 đất khỏi ô nhiễm bom mìn, vật nổ; phát hiện, hủy nổ hàng trăm nghìn bom mìn và vật nổ. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ còn góp phần quan trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế, cùng với ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào việc rà phá bom mìn. Ngoài ra, nguồn tài trợ của Hoa Kỳ còn tạo việc làm ổn định, có thu nhập cao cho gần 900 lao động ở địa phương.
Chương trình hợp tác giữa Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (RENEW) và Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), thực hiện Dự án NPA/RENEW từ năm 2001, đang giúp người dân sống ở những vùng ô nhiễm bom mìn có cuộc sống an toàn hơn. Vào đầu tháng 3-2021, ông Tạ Thành Đạt ở khu phố 6, Phường 1 (thành phố Đông Hà) tiến hành đào móng xây nhà ở đã phát hiện lượng lớn vật nổ. Ông Đạt đã gọi điện thoại thông báo ngay cho Đội xử lý bom mìn lưu động (EOD) thuộc Dự án NPA/RENEW để được hỗ trợ. Nhận được thông tin, EOD đã đến hiện trường tìm kiếm và phát hiện 22 vật liệu nổ cùng hơn 350 viên đạn con. Tất cả vật liệu nổ và số đạn này được di chuyển về bãi tập trung để hủy nổ an toàn. Theo ông Tạ Thành Đạt, sự kịp thời của Đội xử lý bom mìn lưu động thuộc Dự án NPA/RENEW đã mang lại yên tâm, an toàn cho lực lượng xây dựng nhà ở cho gia đình, đồng thời giúp công trình được xây dựng theo đúng kế hoạch.
Ngoài ra, Dự án NPA/RENEW còn tiến hành làm sạch bom mìn nhiều diện tích đất giúp người dân sản xuất được an toàn. Thôn Hoàng Hà, xã Gio Việt, huyện Gio Linh có hơn 100 hộ dân. Phần lớn diện tích đất canh tác của người dân nơi đây bị ô nhiễm bom mìn gây nguy cơ mất an toàn khi sản xuất. Vào tháng 1-2021, lực lượng của NPA/RENEW đã hoàn thành khảo sát 865.000m2 đất ở thôn Hoàng Hà, qua đó phát hiện và phá hủy an toàn 110 bom chùm cùng nhiều vật liệu nổ khác. Theo ông Lê Viết Mậu ở thôn Hoàng Hà, xã Gio Việt, trước đây, phần lớn đất canh tác trong thôn chưa được rà phá bom mìn nên khi sản xuất rất nguy hiểm. Do đó, khi thấy lực lượng chức năng về làm sạch bom mìn trên đất canh tác, bà con rất phấn khởi.
Theo kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh giai đoạn 2021-2025, Quảng Trị đặt mục tiêu bình quân mỗi năm rà phá được khoảng 3.000 ha đất ô nhiễm bom mìn; vận động viện trợ từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài 10 triệu USD/năm để khắc phục hậu quả bom mìn; hoàn thành 100% hoạt động khảo sát bom chùm và công bố các khu vực xác định nguy hiểm do ô nhiễm bom mìn. Hàng năm, 60.000 lượt người được tiếp cận chương trình giáo dục phòng, tránh bom mìn; có từ 1.300 - 1.500 nạn nhân và gia đình nạn nhân bom mìn được hỗ trợ về y tế, phát triển sinh kế. Đến năm 2025, tất cả trường học trên địa bàn tỉnh đều đưa chương trình giáo dục phòng, tránh bom mìn vào dạy học tích hợp trong các môn học.
Để thực hiện được mục tiêu này, Quảng Trị đề ra các giải pháp gồm: đẩy mạnh vận động tài trợ nước ngoài cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Tỉnh xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo và tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn; thực hiện tốt thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhân dân.
Đặc biệt, Quảng Trị đặt mục tiêu trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam an toàn với bom mìn vào năm 2025, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn quản lý rủi ro do bom mìn gây ra. Bà Nguyễn Triều Thương, Giám đốc Sở Ngoại vụ kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh cho biết: Quảng Trị đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, tỉnh tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, vận động nguồn viện trợ, nhằm có nguồn lực triển khai các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn, để trong tương lai không xa, địa phương có thể tự giải quyết có hiệu quả và bền vững vấn đề ô nhiễm bom mìn do chiến tranh để lại, đồng thời triển khai mô hình “quản lý rủi ro” sau năm 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh phát triển Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, trở thành Trung tâm Hành động bom mìn của khu vực miền Trung với nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau; tổ chức xây dựng triển khai thực hiện các dự án rà phá bom mìn, trong đó ưu tiên giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở những khu vực bị ô nhiễm bom mìn nặng.
N.L