Báo Công An Đà Nẵng

Hành trình không nghỉ

Thứ tư, 11/04/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - 9 giờ ngày 9-4-2012, Đại tá Quách Tử Hấp, người con quê hương Quảng Nam “Trung dũng kiên cường”, nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Mặt trận 579 đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân, đồng đội. 

Sinh ngày 22-8-1925 tại thôn Hà Dục Tây, xã Đại Lãnh (H. Đại Lộc, Quảng Nam),  trong một gia đình nông dân yêu nước, mới 12 tuổi  Quách Tử Hấp đã tham gia cảnh giới, bảo vệ cuộc vận động bầu cử Phan Thanh và Đặng Thai Mai vào Viện Dân biểu Trung Kỳ tại Đại Lộc. Tháng 8-1945, ông gia nhập quân đội. Tháng 12-1946, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân Quảng Ngãi, ông được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 2 Quyết tử Quân khu 5 (đơn vị của “quả bom quyết tử” Ngô Mây) và được kết nạp Đảng tháng 7-1947. 45 năm bền bỉ hành quân và đánh giặc, ông từng giữ chức Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Nam, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Khánh, Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 5, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Mặt trận 579... Tháng 7-1990, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, huy chương các loại, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng...

Đọc những trang sử hào hùng của LLVT Quân Khu 5 trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước, ai cũng biết tài chỉ huy và lòng yêu thương chiến sĩ của ông. Song, ấn tượng sâu đậm nhất về ông trong ký ức mọi người vẫn là quãng thời gian giã từ quân ngũ với những cuộc hành trình bằng xe đạp có tổng chiều dài gần 130 nghìn cây số. Theo ông, đi là để thực hiện lời hứa thăm lại những vùng đất, miền quê mà ông đã sống, từng học tập, công tác, chiến đấu. Cũng là để tạ ơn đồng chí, đồng bào, đồng đội, bà con, bạn bè - dù còn hay mất - đã cưu mang, giúp đỡ ông trong những năm khói lửa chiến tranh.

Đại tá Quách Tử Hấp tâm sự cùng lính trẻ. 

Điều mà Đại tá Quách Tử Hấp “thu hoạch” từ 60 chuyến đi bằng xe đạp là ông đã thực hiện được hơn 60 bài viết về mảnh đất, con người, các công trình lịch sử, tấm gương thương binh vượt khó, cảnh đời cần giúp đỡ... với khoảng một nghìn trang, trong đó có nhiều bài viết đã được đăng tải trên các báo, đài Trung ương và địa phương. Đặc biệt, cũng từ những chuyến đi này, ông đã cho ra đời tác phẩm “Cây Chùm Ruột” viết về Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây, nhận được sự hưởng ứng đón đọc của đông đảo bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ cả trong và ngoài quân đội.

Qua những chuyến đi về nhiều miền quê, tiếp xúc với nhân dân, Đại tá Quách Tử Hấp đã viết thư đề đạt kiến nghị với trung ương và địa phương những tâm tư tình cảm của người dân với nhiều nội dung nóng hổi, bức xúc như: vấn đề phá rừng và ô nhiễm môi trường; giao trách nhiệm cho các cơ quan đóng góp xây dựng đường giao thông vào các khu di tích, các cung đường rẽ vào Đền Hùng, Tân Trào, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn...  Qua những chuyến đi, ông có điều kiện quan sát, phát hiện, hiểu biết thêm về phong tục tập quán địa phương, chia sẻ khó khăn của người dân, đồng cảm cùng những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ. Đặc biệt là ông được đến viếng, thắp hương ở các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp đất nước cũng là thực hiện trọn vẹn lời hứa, tình cảm tri ân của ông với vong linh các anh hùng liệt sĩ, với đồng đội đã khuất. Được sự cổ vũ của báo đài, đặc biệt là lời dặn dò ân tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Quách Tử Hấp đã có chuỗi hành trình từ dự kiến vài ba năm và thực tế kéo dài hơn gấp nhiều lần. Những chuyến đi đầy nghị lực và táo bạo ấy đã giúp ông sống vui, sống khỏe, đóng góp nhiệt huyết cho đời...

Thanh thản đi về cõi vĩnh hằng, Đại tá Quách Tử Hấp đã khắc sâu trong trái tim đồng đội hình ảnh người cán bộ quân đội mẫu mực, thủy chung cả trong chiến tranh ác liệt cũng như trong cuộc sống đời thường.

Đỗ Thị Ngọc Diệp – Nguyễn Thanh Tường