Báo Công An Đà Nẵng

Hành trình tạo bộ kit thử nhanh virus Corona "made in Vietnam"

Thứ tư, 12/02/2020 15:50

Nguyên lý của kỹ thuật RT-LAMP mà nhóm áp dụng là kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic, trong đó giai đoạn phiên mã ngược, giai đoạn khuếch đại đều được thực hiện tại một nhiệt độ duy nhất với khả năng khuếch đại DNA lên đến trên một tỷ lần.

Ngày 11-2, trao đổi với phóng viên, TS Lê Quang Hòa, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, sẽ sớm có kết quả thử nghiệm kit thử nhanh chủng virus Corona mới trên mẫu bệnh phẩm thực.

TS Lê Quang Hòa và đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm.

Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm virus Corona thứ 15

Sáng 11-2, Việt Nam ghi nhận thêm 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus Corona (nCoV), nâng tổng số người nhiễm bệnh lên con số 15.

Bệnh nhân thứ 15 là nữ, 3 tháng tuổi (sinh ngày 5-11-2019) ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân là cháu ngoại của bệnh nhân P.T.B (là bệnh nhân có liên quan đến bệnh nhân N.T.D - 1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đây, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được ra viện ngày 10-2). Ngày 28-1, bệnh nhân 3 tháng tuổi này được mẹ đưa đến nhà bà ngoại chơi và hai mẹ con ở cùng nhà bà ngoại trong 4 ngày. Hiện tại, bệnh nhân và mẹ đang được cách ly cùng nhau (vì bệnh nhân còn nhỏ) tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và đang trong tình trạng ổn định.

B.T

Kết quả thực nghiệm dự kiến có vào cuối tuần này

Theo TS Lê Quang Hòa: Ngày 11-2, nhóm bắt đầu thử nghiệm kit thử nhanh chủng virus Corona mới (2019-nCoV) trên các mẫu bệnh phẩm thực do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp. Các hoạt động thử nghiệm này sẽ diễn ra tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Kết quả thực nghiệm dự kiến sẽ có vào cuối tuần này.

Trước đó, nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hòa đã thông báo kết quả nghiên cứu chế tạo thành công kit thử nhanh chủng virus Corona mới dựa trên kỹ thuật RT-LAMP. Đây là một kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic chuyên dùng để phát hiện RNA (Axit ribonucleic) của các loại virus gây bệnh. Nhóm nghiên cứu gồm 10 thành viên bắt đầu nghiên cứu bộ kit phát hiện nhanh chủng virus Corona mới  từ ngày 15-1, ngay sau khi Trung Quốc công bố trình tự hệ gene của chủng virus này.

Nguyên lý của kỹ thuật RT-LAMP mà nhóm áp dụng là kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic, trong đó giai đoạn phiên mã ngược, giai đoạn khuếch đại đều được thực hiện tại một nhiệt độ duy nhất với khả năng khuếch đại DNA lên đến trên một tỷ lần. Đặc biệt, phản ứng dương tính được phát hiện trực tiếp bằng mắt thường dựa trên việc đổi màu dung dịch, giúp rút ngắn và đơn giản hóa quy trình phân tích.

Cho kết quả sau 70 phút, giá rẻ

Theo TS, tổng thời gian phân tích là 70 phút với các giai đoạn: Tách chiết RNA của virus (30 phút), chuẩn bị và tiến hành phản ứng RT-LAMP (40 phút). Một ưu điểm nổi bật khác của sinh phẩm RT-LAMP so với quy trình real-time RT-PCR (phản ứng tổng hợp chuỗi thời gian thực) tiêu chuẩn là tính đơn giản, không yêu cầu trang thiết bị phức tạp. Điều này giúp sinh phẩm RT-LAMP có thể được sử dụng ngay từ bệnh viện tuyến huyện và các bệnh viện dã chiến khi dịch bùng nổ, giúp khoanh vùng dịch, hạn chế sự lây lan.

Đặc biệt, giá thành sản xuất mỗi test của nhóm nghiên cứu là 350.000 đồng, trong khi đó giá sản xuất bộ test RT-PCR là 1 triệu đồng. So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT-LAMP yêu cầu thiết bị đơn giản chỉ cần một bể ổn nhiệt giúp ứng dụng ngay tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao, tương đương với real-time RT-PCR. TS Lê Quang Hòa cũng chia sẻ: Khi thực hiện trên các mẫu giả nhiễm sử dụng RNA tổng hợp nhân tạo, kết quả thu nhận được đều chính xác. Tuy nhiên, do chưa tiếp cận được với các mẫu bệnh phẩm thực nên nhóm nghiên cứu chưa xác định được độ chính xác của sinh phẩm trên các mẫu bệnh phẩm lâm sàng. Để ứng dụng rộng, nhóm nghiên cứu cần có tối thiểu 12 mẫu RNA của chủng nCoV để nội kiểm, đồng thời cần thử nghiệm liên phòng trước khi đăng ký sản phẩm và sản xuất hàng loạt. Khi có mẫu bệnh phẩm thực, sau 3 ngày, nhóm nghiên cứu có thể đưa ra kết quả.

B.T