Báo Công An Đà Nẵng

Hào khí non sông bên dòng Bến Hải

Thứ ba, 02/05/2017 09:44

(Cadn.com.vn) - Trang nghiêm hướng lên Kỳ đài Hiền Lương trong phút thiêng liêng thượng cờ trong ngày Hội Thống nhất non sông do Quảng Trị tổ chức vào sáng 30-4 nhân kỷ niệm 42 năm Giải phóng miền Nam và 45 năm Giải phóng Quảng Trị tại Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, 1.000 cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 27 anh hùng cùng với đông đảo CCB và đồng bào cả nước dâng lên niềm xúc động khôn tả. Những dòng thơ mãnh liệt "Gươm nào chém được dòng Bến Hải, Lửa nào thiêu được dãy Trường Sơn"... lại như vang lên trong tâm khảm mỗi người, trở về thời chiến đấu oanh liệt, kiên cường, vượt lên mọi đau thương tàn khốc để Nam - Bắc sum họp một nhà, hòa bình và tươi đẹp như hôm nay.

Đông đảo CCB tham quan cầu Hiền Lương lịch sử và dự lễ hội Thống nhất non sông
ở bờ bắc Bến Hải.

Lễ có sự tham dự đặc biệt của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Lãnh đạo QK4, Mẹ Việt Nam anh hùng... Trong không khí xúc động ấy, Lễ hội "Thống nhất non sông" là dịp để ôn lại ký ức một thời hoa lửa và tôn vinh những chiến công bất tử, tri ân thế hệ cha anh đã bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng tự hào ôn lại lịch sử vẻ vang đấu tranh những năm trường kỳ kháng chiến trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Vào năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải làm ranh giới hai miền. Cuộc phân ly tạm thời tưởng chỉ kéo dài 2 năm nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm. Cũng từ đây, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc. Trong sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập, thống nhất hai miền, người dân Quảng Trị đã sát cánh vùng với lực lượng vũ trang của Đảng tạo nên sức mạnh vô biên, chiến đấu và chiến thắng, góp phần đập tan các kiểu chiến lược chiến tranh, chặn đứng mưu đồ "lấp sông Bến Hải", tấn công ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Giữa mưa bom bão đạn, lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc vẫn kiêu hãnh tung bay nơi đầu cầu giới tuyến Vĩnh Linh, trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí thống nhất của cả dân tộc, là động lực để lớp lớp thế hệ lên đường giải phóng dân tộc, quyết giành lại non sông, lập nên chiến công vang dội năm châu.

CCB Nguyễn Hữu Dật, 71 tuổi, đến từ Hà Tĩnh, là CCB Trung đoàn 27, cũng từng là phóng viên Báo QĐND tham gia tại mặt trận Quảng Trị không giấu được niềm vui ngày trở lại chiến trường xưa này. "Không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu trên Quảng Trị, trở về mảnh đất anh hùng cũng là dịp để đưa quê hương từ mọi miền về với đồng đội", CCB Dật xúc động. Bầu nước mát từ sông Hồng, nắm đất từ biên ải Lạng Sơn đến Nam Định, Thái Nguyên... quê hương của những người lính Giải phóng đã ngã xuống trên mảnh đất này đã được dâng lên và hòa vào những dòng sông huyền thoại của Quảng Trị.

CCB Nguyễn Hữu Dật cùng đồng đội về thăm Quảng Trị và dự lễ hội Thống nhất non sông.

Nếu như bờ Bắc cầu Hiền Lương bừng tiếng trống giục của những đội thuyền đua trên sông Bến Hải mừng ngày lễ lớn thì bờ Nam vào đêm 30 - 4 sâu lắng chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt "Ký ức những dòng sông" do Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND Quảng Trị tổ chức. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền và đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Trị. Dựa trên kịch bản văn học của Nhà văn Xuân Đức, với thời lượng khoảng 100 phút, chương trình tái hiện lại câu chuyện quá khứ gắn liền hai con sông lịch sử trên mảnh đất Quảng Trị là sông Bến Hải, sông Thạch Hãn với nỗi đau chia cắt hai bờ Nam - Bắc, những bến đò và ý nghĩa hòa hợp dân tộc trong "ngày hội non sông". Toàn bộ chương trình là một mạch ký ức về nguồn cội, nối lại những chiếc cầu, những bến đò đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Là bến đò A Cửa Tùng, Bến đồ B Tùng Luật... trên sông Bến Hải. Là bến vượt Nhan Biểu, bến Trà Liên... trên dòng Thạch Hãn. Những bến đò gắn liền với biết bao con người thầm lặng góp công làm nên chiến thắng lẫy lừng. Đó cũng là cuộc hội ngộ xúc động của người lính Giải phóng được dân quân chèo thuyền đưa qua sông Bến Hải vào Nam chiến đấu. Trong thế kìm kẹp, ác liệt của kẻ thù, giữa đêm tối mịt mùng ấy, họ không nhìn rõ mặt nhau, không kịp biết tên nhau nhưng đều nhắn gửi đầy hy vọng: "Đất nước thống nhất, anh nhớ về thăm quê tôi nhé". "Chắc chắn rồi", bước chân đã đi xa mà tiếng còn vọng lại. Ấy thế mà biết bao người đã mãi mãi không trở lại dòng sông được nữa, họ đã ngã xuống trên mặt trận khốc liệt của cuộc chiến. Cho nên hôm nay, người trở lại được thay mặt cho đồng đội gửi đến những người con Lũy thép anh hùng bằng tất cả sự chứa chan, thấm đẫm tri ân. CCB Hồ Hữu Lạng thật sự xúc động khi được giao lưu với Nguyễn Xuân Lý, Đại đội trưởng dân quân xã Vĩnh Giang, là đơn vị làm nhiệm vụ chèo đò chuyên chở bộ đội, lương thực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ; vợ chồng ông Trương Văn Lập và Hoàng Thị Quyên, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang. Những hồi tưởng của nhân vật lịch sử một lần nữa đưa người xem đắm sâu khí thế chiến đấu của quân và dân ta một thời oanh liệt.

 Chương trình nghệ thuật còn có sự tham gia trình diễn của các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và dàn diễn viên, nhạc công, ca sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Đoàn ca múa Quảng Trị... với những tác phẩm đặc sắc, tôn vinh những chiến công của quân và dân ta một thời bom đạn khốc liệt, tình yêu quê hương đất nước, ý chí và khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Chương trình cũng là lời tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng tại chương trình giao lưu này, thay mặt Ban tổ chức, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã trao tặng 800 triệu đồng cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Trị để xây dựng 10 nhà tình nghĩa tặng đồng đội tại Quảng Trị.

Bảo Hà