Báo Công An Đà Nẵng

Hao tài vì... “bẫy” xuất khẩu lao động

Thứ sáu, 04/09/2020 08:41

CAQ Liên Chiểu (Đà Nẵng) ngày 2-9 cho hay, vừa gửi thông báo đến các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và CA các địa phương có liên quan nhờ hỗ trợ truy tìm đối tượng Hoàng Thị Hà (1973, quê Hà Ngọc, Hà Trung, Thanh Hóa) để làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản. Trước khi gửi thông báo truy tìm, đối tượng Hà trú P. Mai Dịch (Q. Cầu Giấy, Hà Nội). Núp bóng một công ty tư vấn du học, cung ứng lao động đi nước ngoài, Hà đã đưa nhiều người sập bẫy lừa. Chờ đợi suốt hơn 1 năm trời không kết quả, một số bị hại đã “tố” sự việc với cơ quan Công an mong đòi được lại công lý.

Chân dung bà Hoàng Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Du học Nhật Bản (Cty CP Cung ứng lao động Asahi) tại Đà Nẵng.

Theo tài liệu Cơ quan CSĐT CAQ Liên Chiểu thu thập được, khoảng cuối năm 2018, bà Hoàng Thị Hà- Giám đốc Trung tâm Tư vấn Du học Nhật Bản tại Đà Nẵng (đóng tại 377- Kinh Dương Vương, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), thuộc Công ty Cổ phần Cung ứng lao động Asahi Hà Nội. Trong quá trình phát triển trung tâm, bà Hà quen biết với một người tên Cao Văn Huy (1985, trú P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu). Mỗi lần gặp Huy, bà Hà “múa” rằng, trung tâm của bà đang đảm trách “dự án” làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Theo bà Hà, đây là thị trường lao động rất nhiều “tiềm năng”, giúp người lao động kiếm rất nhiều tiền. Sau những lời “quảng cáo” mùi mẫn, bà Hà nói với Huy rằng “nếu Huy môi giới được những người đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản thì bản thân bà Hà thay mặt Cty trả cho Huy số tiền hoa hồng khoảng 1.000 USD/lao động”.

Nhận thấy trung tâm có trụ sở đàng hoàng, phần nữa nghĩ rằng đi lao động tại Nhật Bản lâu nay là mơ ước của không ít người đang nhăm nhe chen chân “kiếm suất”, nên từ tháng 6 đến 11-2019, Huy nhận lời giúp bà Hà đi môi giới. Một gia đình nạn nhân – anh Phạm Quang H., chị Nguyễn Thị Kim T. (cùng sinh năm 1993, trú xã Xuân Trạch, H. Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) kể lại: Thông qua sự giới thiệu của Huy, hai vợ chồng đã gặp bà Hà trao đổi về “dự án” đi xuất khẩu lao động tới Nhật. Cũng những lời dụ ngọt, rằng lao động ở Nhật kiếm tiền dễ, công việc không mấy khó khăn, nên vợ chồng anh H., chị T. càng mong được đặt chân đến đất nước này làm ăn.

Bàn bạc về chuyện tiền, bà Hà nói với vợ chồng anh H., chị T. trước mắt gặp nhân viên Cty đặt cọc trước khoản tiền 150 triệu đồng, sau đó sẽ được “giảng viên” của trung tâm đào tạo một khóa học tiếng Nhật ngắn hạn nhằm giao tiếp khi qua nước bạn. Sau khi hoàn tất khóa học, sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết những khoản thu tiếp theo để làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. “Sau khi học xong lớp tiếng Nhật cấp tốc tại trung tâm, cuối năm 2019 chúng tôi gặp lại bà Hà để được hướng dẫn các bước tiếp theo thì bà Hà bảo rằng, cơ bản đã “xong xuôi” và hẹn chúng tôi tháng 3-2020 ra Hà Nội để làm thủ tục công chứng, sau đó tổ chức đưa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Nhưng đến thời điểm trên chúng tôi liên lạc với bà Hà suốt nhiều tháng liền không được nữa. Biết mình đã bị lừa nên giữa năm 2020, vợ chồng tôi đã làm đơn tố cáo đến cơ quan CA”, anh H. nói.

Cùng sập bẫy lừa như vợ chồng anh H, chị L., vợ chồng anh Nguyễn Văn V. (1995) và chị Nguyễn Thị L. (1998), trú H. Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng nuôi ước mơ xuất khẩu qua Nhật nên giao 150 triệu đồng cho bà Hà sau những lời dụ ngọt từ “cò” Huy. Sau khóa học tiếng Nhật, hai vợ chồng tìm gặp bà Hà để được hướng dẫn quy trình tiếp theo của chuyến “xuất ngoại” cũng chỉ nhận được lời hứa: Cố gắng chờ đợi đến tháng 3-2020 sẽ đi Hà Nội công chứng sau đó bà Hà “biến mất” khỏi TP Đà Nẵng.

Theo lời các nạn nhân thì bản thân mỗi gia đình ban đầu vô cùng tin tưởng vào Huy và “uy tín” của trung tâm mà bà Hà làm giám đốc, phần nữa là rất muốn được tham gia đi xuất khẩu lao động tại thị trường “tiềm năng” như Nhật Bản để vực dậy cảnh nghèo đói, nên đã đồng ý xuống tiền cọc không chút nghĩ ngợi, ai dè hiện nay các gia đình đều lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do vay mượn của bà con thân thiết.

Lãnh đạo CAQ Liên Chiểu cho hay, hầu hết các vụ lừa đảo trong xuất khẩu lao động đối tượng phạm tội đều lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người lao động để trục lợi. Trong khi đó, người lao động mất cảnh giác, bỏ qua những quy tắc an toàn trong ký kết hợp đồng, nộp tiền, thu giữ các chứng từ hóa đơn. Tại Trung tâm Tư vấn Du học Nhật Bản tại Đà Nẵng (thuộc Công ty Cổ phần Cung ứng lao động Asahi Hà Nội) mà bà Hà làm giám đốc, ngoài một số nạn nhân đã tố cáo hành vi, chắc chắn còn rất nhiều trường hợp khác đã sập bẫy lừa, nhưng chưa đứng ra tố giác.

Bởi trên thực tế, Cty Asahi đã có rất nhiều sai phạm liên quan đến “đơn hàng” xuất khẩu lao động đi Nhật, được các cơ quan báo chí đăng tải trong thời gian gần đây. “Cơ quan điều tra CAQ Liên Chiểu mong rằng các bị hại tiếp tục hợp tác, thông tin đến CAQ về những vi phạm của Trung tâm Tư vấn Du học Nhật Bản tại Đà Nẵng, để từ đó có cơ sở, tài liệu giúp CA xác minh, điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản mà bà Hà cùng những người có liên quan đã gây ra” – đại diện CAQ Liên Chiểu khuyến cáo.

CÔNG HẠNH