Báo Công An Đà Nẵng

Hát sai lời và hát chế lời: Hiện tượng đang trở nên phổ biến

Thứ ba, 12/11/2019 12:50

Mấy năm trở lại đây, tình trạng ca sỹ hát sai lời ca khúc ngày càng trở nên phổ biến, đến nỗi có một số ca sỹ tên tuổi đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả... Người viết thường hay nghe hát cả trên truyền hình lẫn đài phát thanh và thấy rằng, quả là tình trạng này không hiếm. Lấy một ví dụ, ca khúc "Về đây nghe em" của Trần Quang Lộc, trong buổi giới thiệu bài hát này trên chương trình "Một thời hào hùng và lãng mạn" của Đài tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH), các ca sỹ trình bày bài hát này mỗi người đều có những đoạn lời không giống nhau, đôi khi chỉ là một từ. Còn trên karaoke thì khỏi phải nói, chẳng biết đâu là lời chuẩn đâu là lời "chế". Có thể một số ca sỹ khi hát đã quên lời hoặc nhầm lời và cũng có khi là tự chế ra lời để hát  mà không nghĩ đến ý nghĩa của ca từ mà nhiều khi người nhạc sỹ đã phải "vắt óc" chắt chiu từng câu chữ, ngữ nghĩa để viết ra. Cũng vì sai lời nên đôi khi đã làm thay đổi ý nghĩa của bài hát mà tác giả muốn truyền đạt đến người nghe. Đó là chưa kể chỉ một vài ca từ mà làm giảm giá trị của bài hát mà người ca sỹ vô tình không biết. Đối với những "ca sỹ vườn", ca sỹ nghiệp dư thì việc hát sai lời có thể "bỏ qua" nhưng đối với những ca sỹ chuyên nghiệp, nhất là những ca sỹ có tên tuổi thì không nên chút nào, nhất là trên các chương trình nghệ thuật lớn, được truyền hình trực tiếp. Đó là hành vi thiếu tôn trọng tác giả, vi phạm tác quyền...

Ca sĩ Hồng Nhung thể hiện ca khúc chế lời bài hát Nhớ về Hà Nội trong quảng cáo.

Bên cạnh tình trạng hát quên lời, sai lời, còn một tình trạng nữa cũng khá phổ biến là chế lời. Đôi khi trong cuộc vui, cuộc nhậu có thể ai đó hát những bản nhạc chế, mà có người gọi là "hát xuyên tạc" để thêm phần "vui vẻ", có thể chấp nhận được, nhưng bây giờ người ta đã  hát nhạc chế một cách "chính thống". Điển hình nhất là trong các đoạn nhạc quảng cáo phát trên tivi mỗi ngày. Nhạc đã có sẵn, chỉ việc chế lời để  phục vụ cho việc quảng cáo một sản phẩm nào đó. Theo  Quyền nhân thân của tác giả quy định tại khoản 4, điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009 có nêu: "Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả". Căn cứ Quyền tài sản của tác giả quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, việc sửa chữa, cắt xén, công bố tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc (bao gồm các tác phẩm nổi tiếng hay không nổi tiếng) khi chưa được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cho phép là hành vi xâm phạm quyền tác giả, những tác phẩm này được gọi là tác phẩm phái sinh bất hợp pháp. Rõ ràng, cách làm như vậy có thể gọi là "đạo nhạc", là vi phạm tác quyền. Ngoài ra nó còn "méo mó nghệ thuật" khi có không ít bài hát, đoạn nhạc chế nghe rất phản cảm, chối tai. Đơn cử như thời gian gần đây, mỗi khi mở tivi sẽ "được nghe" ca sỹ Hồng Nhung, người được mệnh danh là một trong những Diva của làng âm nhạc Việt, lăng xê cho một thương hiệu phở ăn liền khi tham gia một đoạn quảng cáo chế lời của bài hát Nhớ về Hà Nội, một sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Đoạn nhạc "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ... phở Hà Nội/ Sợi gạo mềm dai/ Ngọt thanh nước cốt/ Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành..." nghe thật sống sượng, chưa nói là khá vô duyên. Phải chăng cô ca sỹ tên tuổi này đã đi hơi quá đà, gây phản cảm khi tham gia hát cho đoạn quảng cáo này!?  Tiền thu từ đoạn quảng cáo này chắc chắn là rất nhiều nhưng uy tín của ca sỹ cũng giảm đi không ít, vì nó xúc phạm đến cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp, thậm chí nó còn làm xấu cả thương hiệu "Phở Hà Nội" thứ thiệt, vốn nổi tiếng đến cả ngoài lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải loại "phở ăn liền" kia. Được biết, sau khi đoạn clip này được phát sóng trên VTV và kênh Youtube đã vấp phải sự phản ứng của nhiều khán giả yêu nhạc, cùng người thân của cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Phần đông khán giả cho rằng cách chế lời ca khúc nổi tiếng này để quảng cáo là ý tưởng tồi, xúc phạm đến tác giả ca khúc.

Thiết nghĩ, đã có tiền để quảng cáo thường xuyên sao chủ các thương hiệu nổi tiếng không thuê nhạc sỹ viết cho một đoạn quảng cáo với nhạc và lời thật ấn tượng và "không đụng hàng". Một bài hát hay, nổi tiếng, có ý nghĩa bỗng nhiên được chế lời, đôi khi nghe rất thô, rồi phát thường xuyên trên các phương tiện đại chúng phục vụ cho việc quảng cáo một thương hiệu, nhãn hàng nào đó làm giảm đi giá trị của bài hát đó và có gì đó thiếu nghiêm túc.

 Sửa lời bài hát khi biểu diễn hoặc lấy nhạc của người khác rồi chế lời lại để phục vụ mục đích quảng cáo theo người viết là không nên. Điều đó thể hiện sự không tôn trọng tác giả hoặc của thân nhân tác giả đã quá cố của bài hát gốc.  Vấn đề tác quyền trong Luật Sở hữu trí tuệ không cho phép ai được làm điều này. Và  việc tùy tiện trong sửa lời bài hát hay "vay mượn"nhạc như vậy, dù có được phép của tác giả đi nữa cũng không nên khuyến khích.

DÂN HÙNG