Hậu bầu cử Pháp: Tổng thống Macron đối mặt với khủng hoảng chính trị
Trong cuộc bầu cử vừa qua, liên minh “Cùng nhau!” của Tổng thống Macron chỉ giành được 245/577 ghế, không đủ 289 ghế tối thiểu cần thiết để chiếm đa số tại Quốc hội Pháp, dẫn đến nguy cơ nền chính trị Pháp bị ảnh hưởng, gia tăng khả năng Quốc hội bị tê liệt hoặc những bên liên minh với ông Macron buộc phải tìm kiếm liên minh mới. Trong khi đó, liên minh cánh tả Nupes (Liên minh Nhân dân sinh thái và xã hội mới) giành được 131 ghế và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) giành được 89 ghế. Liên minh “Cùng nhau!" buộc phải đàm phán với các nghị sỹ khác sau kết quả bầu cử trên nhằm tìm kiếm thỏa thuận. Tuy nhiên, những liên minh tương tự thường mang tính thiếu ổn định đến mức các chính phủ chỉ tồn tại được vài tháng
Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng từ chức
Văn phòng tổng thống Pháp ngày 21-6 thông báo, Thủ tướng Elisabeth Borne đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Macron sau khi liên minh cầm quyền mất thế đa số trong các cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, song đơn từ chức đã bị bác bỏ. AFP dẫn lời một quan chức văn phòng Tổng thống Pháp cho biết quan điểm của Tổng thống Macron là chính phủ cần tiếp tục thực hiện trách nhiệm và duy trì hoạt động. Quan chức này cho biết Tổng thống sẽ tìm các giải pháp mang tính xây dựng để tháo gỡ những bế tắc chính trị trong các cuộc thương lượng với các đảng đối lập.
Trước đó, hôm 20-6, một ngày sau kết quả đầy bất ngờ tại vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội, chính phủ mới thành lập cách đây 1 tháng của Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne bắt đầu có những biến động lớn. Bộ trưởng Y tế Brigitte Bourbuignon đã tuyên bố từ chức sau khi nhận thất bại tại cuộc bầu cử. Số phận tương tự cũng đang chờ đợi Bộ trưởng Bộ trưởng phụ trách việc Chuyển đổi sinh thái Amélie de Montchalin và Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Biển, bà Justine Benin trong ít ngày tới.
Thủ tướng Elisabeth Borne cũng đã quyết định hủy phiên họp Hội đồng bộ trưởng diễn ra ngày 21-6. Tương lai của nữ Thủ tướng Pháp cũng bị đặt dấu hỏi khi ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi bà từ chức. Đảng “Nước Pháp bất khuất” nằm trong liên minh cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (NUPES) tuyên bố sẽ đệ trình kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà Borne khi Quốc hội Pháp nhóm họp vào ngày 5-7 tới.
Trong nỗ lực tìm kiếm liên minh đa số tuyệt đối, Phủ Tổng thống Pháp tối 20-6 ra thông báo Tổng thống Emmanuel Macron mời đại diện của tất cả các lực lượng chính trị tại Quốc hội khoá tới đến điện Élysée đối thoại trong hai 21, 22-6 để tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng chính trị.
Đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ
Trong khi đó, nguồn tin từ một nhóm ủng hộ Liên minh Sinh thái và Xã hội nhân dân mới (NUPES) - liên minh cánh tả của Pháp - ngày 20-6 cho biết liên minh này có kế hoạch đề nghị một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 5-7 tới.
NUPES là nhóm lớn thứ hai trong Hạ viện sau cuộc bầu cử hôm 19-6 vừa qua nhưng cũng không có đủ số phiếu để có thể tự mình thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này và có một số đồng minh trong Quốc hội mà các mối liên kết hiện đang rất rời rạc. Ông Jean-Luc Melenchon - người đứng đầu đảng Nước Pháp Bất khuất vốn có nhiều nghị sỹ nhất trong liên minh này, cho rằng Thủ tướng Elisabeth Borne nên kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của mình trước Quốc hội mới được bầu. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Xã hội - Olivier Faure, một nhân vật cấp cao khác trong liên minh, nêu rõ việc kêu gọi Thủ tướng Borne từ chức không phải là quan điểm chung của liên minh lúc này.
AN BÌNH