Báo Công An Đà Nẵng

Hậu cần nghề cá miền Trung: Thiếu cảng, thiếu âu thuyền

Thứ bảy, 18/10/2014 12:04

(Cadn.com.vn) - Các tỉnh duyên hải miền Trung có nghề cá lâu đời, với đội tàu đánh bắt tương đối lớn với hàng trăm ngàn lao động trên biển, nhưng lâu nay công tác hậu cần nghề cá vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong đó, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền vẫn bị đánh giá là vừa yếu, vừa thiếu, không đáp ứng nhu cầu hậu cần nghề cá và tránh trú bão...

Quảng Nam có 3 cảng cá là Tam Kỳ (P. An Phú, TP Tam Kỳ), Cửa Đại (P. Cửa Đại, TP Hội An) và An Hòa (xã Tam Giang, H. Núi Thành) nhưng cả 3 cảng cá này đều bất cập, thiếu đồng bộ trong xây dựng các hạng mục và thiếu hợp lý khi lựa chọn địa điểm nên vô tình... gây khó, buộc ngư dân phải cập vào các cảng cá do tư nhân xây dựng manh mún và tự phát.

Ông Nguyễn Văn Khương, Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An cho biết “Cảng cá Cửa Đại được phê duyệt và tiến hành xây dựng từ năm 1999 với số vốn đầu tư gần 19 tỷ đồng. Năm 2003, dự án xây dựng xong bờ rào, cầu cảng, nhà tiếp nhận thủy sản và một vài hạng mục khác. Sau đó, dự án phải tạm dừng để chuyển giao cho Cty Đầu tư xây dựng, thương mại & dịch vụ Cù lao Chàm. Từ khi chuyển giao đến nay, công trình hoàn toàn không được xây dựng thêm nên không được sử dụng cho mục đích thiết thực nào”.

Do cảng cá nhiều bất cập nên tàu thuyền ngư dân Quảng Nam thường cập các cảng cá do tư nhân xây dựng, dịch vụ không đảm bảo. 

Dự án Cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ do Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với nguồn vốn trên 95,2 tỷ đồng, khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay chỉ mới gói thầu số 6 (gồm Cầu cảng, xây kè, nạo vét luồng sông Kinh, đường nội bộ và san lấp mặt bằng khoảng 6 ha) thi công ì ạch, còn các gói thầu số 7, 8, 9 đang dậm chân tại chỗ.

Hiện nay dự án kéo dài, trong khi ngư dân trông chờ, lúng túng khâu hậu cần nghề cá, nhất là hàng chục nghìn tàu ra vào cập cảng gặp khó khăn. Cảng cá Tư Hiền (xã Vinh Hiền, H. Phú Lộc, TT-Huế) do BCH Quân sự tỉnh TT-Huế làm chủ đầu tư với kinh phí 29 tỷ đồng, được bắt đầu xây dựng vào tháng 8-2004 và hoàn thành vào tháng 8-2010. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay công trình này phơi mưa, phơi nắng, dẫn đến hư hỏng nặng.

Ngoài việc bất cập tại các cảng cá, nhiều âu thuyền tránh trú bão tiềm ẩn nhiều bất an cho tàu thuyền của ngư dân trong khu vực. Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, hiện khu neo đậu tàu thuyền Thọ Quang (Q.Sơn Trà) với sức chứa khoảng 800 tàu nhưng thực tế số lượng tàu neo đậu đã lên tới 1.800 tàu. Việc thiếu âu thuyền tránh bão không chỉ gây khó khăn cho bà con ngư dân về nơi neo đậu, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề phát triển đánh bắt hải sản ở địa phương.

Tại Hội nghị phát triển bền vững Vùng Duyên hải miền Trung được tổ chức tại Quảng Nam tháng 6-2014, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố miền Trung có 17 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với sức chứa khoảng 11.225 tàu có công suất dưới 400CV.

Nhưng trên thực tế, các khu này chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của ngư dân và yêu cầu tránh, trú trong tình huống thiên tai. Nguyên nhân là do thiết kế, xây dựng không đồng bộ, hệ thống luồng vào không đảm bảo do luôn bị bồi lấp. Điều này đã tập trung ngư dân vào một số khu có điều kiện kết cấu hạ tầng đảm bảo và dịch vụ tốt gây tình trạng quá tải như Thọ Quang là ví dụ.

Âu thuyền Hồng Triều (Duy Xuyên - Quảng Nam) chưa an toàn cho tàu thuyền trú bão.

Việc không có âu thuyền khiến bà con ngư dân rất lo lắng, nhất là trong mùa mưa bão. Ông Nguyễn Thu (ngư dân xã An Hải, H. Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết: “Ngư dân Lý Sơn chúng tôi mong muốn vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn sớm hoàn thiện để tránh trú bão an toàn cho khoảng 500 tàu công suất 400CV, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra cho bà con, hình thành cơ sở hạ tầng nghề cá tại địa phương để ngư dân an tâm bám biển làm ăn”.

Mới đây, làm việc tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu cảng, neo đậu, trú tránh bão cho tàu thuyền khu vực miền Trung.

Theo Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, miền Trung sẽ có 72 khu neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền, tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch 11.230 tỷ đồng. Chính phủ đã có Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15-3-2010 về việc Phê duyệt quy hoạch cảng cá, bến cá Đà Nẵng đến năm 2020, trong đó cảng cá Thọ Quang là cảng cá loại I đồng thời bổ sung thêm 1 âu thuyền tại Đà Nẵng.

Tại Quảng Nam, ngoài việc nâng cấp âu thuyền Hồng Triều và An Hòa, UBND tỉnh đang đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền Cửa Đại để sớm đưa vào hoạt động trước mùa mưa bão năm nay. Trong khi đó, dự án âu thuyền Đề Gi (Bình Định) cũng được tài trợ 47 tỷ đồng để mở rộng khu neo đậu trú bão, các dịch vụ nghề cá...

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng ngành thủy sản của vùng Duyên hải miền Trung, các chuyên gia đưa ra 4 nhóm giải pháp để phát triển thủy sản bền vững cho khu vực, trong đó, có đề xuất “ưu tiên đầu tư xây dựng trước một trung tâm hậu cần nghề cá tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, trong tổng số 5 trung tâm hậu cần nghề cá mà Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ xây dựng tại các khu vực trong cả nước”.

Thạch Hà