Hậu quả nhãn tiền từ lời thách đố
(Cadn.com.vn) – (Cadn.com.vn) – 18 giờ ngày 19-12-2015, do buồn chuyện gia đình nên Lữ Đình Kiên (1991, trú Tuy Đức, Đắc Nông) rủ Hà Văn Hoàng (1988, trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đến quán nhậu trên đường Lê Đình Thám, TP Đà Nẵng uống rượu. Đến 19 giờ 30 thì Từ Văn Tài Nguyên (1997, trú Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đến và ngồi cùng bàn với Kiên. Lúc này, Phan Toàn (còn gọi Ty cụt, 1971, trú tổ 32, P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) ngồi uống rượu ở bàn bên cạnh cùng với Nguyễn Anh Tuấn (1981, trú đường Hoàng Diệu), Đặng Văn Linh (1973, trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vô cớ đi đến bàn của nhóm Kiên để gây gổ, thách đố đánh nhau với Kiên. Quá trình gây gổ, Toàn làm rớt một con dao xuống đất nên Kiên nhanh tay nhặt lấy rồi đuổi Toàn chạy ra trước quán. Khi Kiên đuổi theo Toàn ra khỏi quán một đoạn thì Toàn rút thêm con dao thủ sẵn trong người quay lại “nghênh chiến”. Tuy nhiên Toàn tiếp tục để rơi dao nên đành bỏ chạy thì bị Kiên đâm một nhát vào vùng cổ bên phải. Bị đâm, Toàn chạy về hướng đường Duy Tân, ngã gục và tử vong.
Sau khi đâm Toàn xong, Kiên bỏ trốn đến ngày 5-6-2016 thì đến Phòng CSHS CATP Đà Nẵng trình diện và khai báo toàn bộ hành vi phạm tội. Đối với Hoàng và Nguyên, sau khi chứng kiến sự việc Kiên đâm Toàn nhưng đến ngày 8-6-2016 khi nghe tin Kiên đến CQĐT trình diện thì cả hai mới đến CQĐT trình diện.
Các bị cáo tại tòa. |
Tại tòa, Kiên khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, nhưng theo bị cáo thì bị hại là người có lỗi trước. Theo Kiên, trong quán nhậu, giữa hai bàn không hề quen biết nhau, Toàn là người gây sự trước. Cụ thể, Toàn hung hăng uy hiếp, chửi bới làm cho bị cáo thấy nguy hại đến bản thân. Chính toàn là người đã có ý đồ từ trước nên mới thủ sẵn 2 con dao trong người. Con dao mà bị cáo đâm bị hại cũng chính là dao mà bị hại làm rơi từ trong người ra. Lúc đó nếu bị cáo không đâm Toàn thì chính Toàn sẽ là người đâm bị cáo. “Bị cáo chỉ khua tay trúng vào Toàn chứ lúc đó bị cáo hoảng loạn, không có chủ đích đâm trúng. Nếu như bị hại không ép bị cáo thì bị cáo đã không hành động nông cạn đến như vậy” - Kiên trình bày trước tòa.
Để biện hộ cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, Nguyên và Hoàng cho rằng “do nhỏ tuổi, không biết vậy là sai. Bị cáo nghĩ đâm chết người mới có tội, còn biết mà không nói ra là bình thường!”.
Có mặt tại tòa, chị L. vợ cũ của Toàn cho biết: Trước hôm xảy ra sự việc, anh Toàn đã tìm đến nơi ở của chị, trên người cầm theo 2 con dao. Lúc này, anh Toàn nói chuyện điện thoại với một người nào đó có nội dung “có người đòi giết em”. Sau cuộc điện thoại này, anh Toàn đã nói với chị L. “Tao chuẩn bị gặp chuyện lớn, lo mà nuôi 2 con, tiền bạc có bà nội và các cô lo...”. Theo chị L., vì đã ly hôn nên chị không quan tâm đến cuộc sống của anh Toàn và không rõ lắm về các mối quan hệ trong xã hội của anh. Chị L. không ngờ hôm ấy là lần cuối cùng anh Toàn gặp chị. Được biết, anh Toàn vừa đi cai nghiện về, cuộc sống thường ngày có phần “phức tạp” nên không ai biết rõ Toàn sống bằng nghề gì.
Trong vụ án này, VKSND truy tố bị cáo Kiên về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS với khung hình phạt đề nghị 17-18 năm tù. Luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Kiên thống nhất về tội danh “Giết người” mà cáo trạng đã truy tố. Tuy nhiên, LS cho rằng trong vụ án này người bị hại cũng có lỗi, bị hại có hành vi vô cớ gây gổ và thách đố đánh nhau làm bị cáo bức xúc nên mới phạm tội. Hung khí bị cáo sử dụng cũng là của bị hại, do đó bị cáo không phạm tội thuộc trường hợp có tính chất côn đồ theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS như cáo trạng truy tố mà bị cáo phạm tội thuộc khoản 2 Điều 93 BLHS. Đề nghị HĐXX chuyển khung hình phạt đối với bị cáo. Ngoài ra, LS đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết như: Bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tác động gia đình bồi thường được 10 triệu đồng, hiện hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn... để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
HĐXX nhận thấy, LS bào chữa cho bị cáo Kiên cho rằng bị cáo chỉ phạm tội “Giết người” ở khoản 2 điều 93 BLHS là không có cơ sở. Bởi lẽ trong vụ án này mặc dù bị hại gây gổ, thách đố đánh nhau với bị cáo nhưng khi bị hại đã bỏ chạy, bị cáo vẫn chủ động đuổi theo dùng dao đâm bị hại tử vong. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận ý kiến của LS bào chữa về đề nghị chuyển khung hình phạt đối với bị cáo.
Đối với bị cáo Hoàng, Nguyên, mặc dù biết rõ Kiên là người đã đâm anh Toàn tử vong nhưng cả hai không tố giác với cơ quan chức năng. Các bị cáo đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân, xâm phạm đến hoạt động tư pháp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra tội phạm. Hành vi của các bị cáo cần xử phạt nghiêm, có thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.
Sau khi cân nhắc, HĐXX tuyên phạt bị cáo Kiên 16 năm tù về tội “Giết người”, Hoàng 5 tháng 23 ngày tù và Nguyên 5 tháng 25 ngày tù cùng về tội “Không tố giác tội phạm”, hai bị cáo đã chấp hành xong. Buộc bị cáo Kiên bồi thường cho gia đình bị hại hơn 91 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi con anh Toàn mỗi tháng 1 triệu đồng đến khi cháu bé đủ 18 tuổi.
Trang Trần