Báo Công An Đà Nẵng

Hãy cho Nga thời gian!

Thứ bảy, 27/12/2014 10:42

(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ giữa hai ông lớn Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, diễn biến khiến thế giới cực kỳ lo ngại. Cùng với mối quan hệ song phương đi xuống, nhiều người nói đến những căng thẳng giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Vladimir Putin. Nhiều người cho rằng, ông Obama đang bị ông Putin lấn lướt hoàn toàn.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN hôm 22-12, Tổng thống Obama đề cập đến những chỉ trích cho rằng, ông quá mềm mỏng với Nga và “lời buộc tội” để cho người đồng cấp Putin qua mặt quá nhiều. Ông Obama thẳng thừng bác bỏ quan điểm nhà lãnh đạo Nga “là kiện tướng lấn lướt cả phương Tây lẫn Tổng thống Mỹ, rồi ông Putin thế nọ, ông Putin thế kia”. “Chính lúc này, ông Putin đang chịu trách nhiệm về tình trạng mất giá của giá đồng rouble... Có vẻ như ông Putin không giống với người lấn lướt tôi hoặc nước Mỹ”, ông chủ Nhà Trắng nói.

Trên thực tế, đồng rouble giảm mạnh trong nhiều tuần qua đang khiến nền kinh tế Nga khốn đốn. Liệu có phải lệnh cấm vận của phương Tây và giá dầu giảm đã nhấn chìm nền kinh tế Nga? “Câu trả lời là không”, Marin Katusa, tác giả cuốn “Chiến tranh Lạnh hơn” và là chiến lược gia về đầu tư năng lượng nhận định.

Katusa tin rằng, giá dầu giảm cuối cùng sẽ tạo thế thượng phong cho Nga và làm tổn thương sâu sắc ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ. Đồng rouble rớt giá khiến giá dầu mỏ của Nga rẻ hơn và sẽ trở thành nguồn năng lượng mà nhiều quốc gia mong muốn có được.

Moscow cũng sản xuất dầu giá rẻ, trong khi ngành công nghiệp khí đá phiến của Mỹ lại khá đắt đỏ. Vì thế Nga dư sức vượt qua cơn bão hiện nay. Họ có thặng dư thương mại 200 tỷ USD/năm. Họ có hơn 400 tỷ USD dự trữ tiền tệ. Họ tăng dự trữ vàng và nợ công thấp hơn nhiều so với Mỹ. Vì vậy, dù nền kinh tế có bị ảnh hưởng nhưng cũng không quá nghiêm trọng.

Theo giới phân tích, biện pháp trừng phạt của phương Tây càng khiến Nga chăm chỉ làm việc chặt chẽ hơn với các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.“Chúng tôi nhìn thấy hàng tỷ USD tăng trưởng giữa Trung - Nga trong hoán đổi tiền tệ và xu hướng này sẽ tiếp tục”, ông Katusa nói. Hiện, khoảng 9% xuất khẩu dầu của Trung Quốc đến từ Nga, nhưng con số này sẽ tăng trưởng đáng kể. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã ngỏ ý giúp Moscow phục hồi đồng rouble.

Cuối ngày 25-12, Nga tuyên bố cuộc khủng hoảng tiền tệ của nước này đã kết thúc, dù dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh và lạm phát theo năm tăng lên hơn 10%.“Lãi suất cơ bản được nâng lên để ổn định tình hình ở thị trường tiền tệ. Theo quan điểm của chúng tôi, giai đoạn khủng hoảng  đã kết thúc. Đồng rouble đang mạnh lên”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định trước Thượng viện.

Có lẽ, đúng như Tổng thống Putin nói, “tôi cần 2 năm để phục hồi nền kinh tế”. Hãy cho Nga thời gian.

Thanh Văn