Báo Công An Đà Nẵng

Hãy uống rượu, bia đúng mực!

Thứ bảy, 14/02/2015 12:01

(Cadn.com.vn) - Rượu, bia - hiểm họa của tai nạn giao thông, đó là điều không phải bàn cãi. Không những thế, nó còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ việc đau lòng trong đời sống xã hội. Trong bài viết này chúng tôi kể những câu chuyện thực tế chứng kiến trong quá trình công tác với mong muốn gửi đến độc giả thông điệp:

Không thể không... uống?

Trong quá trình công tác, theo lực lượng CSGT làm một số vụ TNGT, các đợt ra quân kiểm tra nồng độ cồn, xử lý các vụ gây rối TTCC, các vụ án ít nhiều cũng xuất phát từ rượu bia, chúng tôi có khá nhiều tư liệu về các “ma men” cũng như những lý do biện minh của họ. Vào tháng trước, khi theo Đội kiểm tra tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng, chúng tôi gặp nhiều chuyện “cười ra nước mắt”.

Số là sau khi CSGT ra hiệu lệnh cho một số người dừng xe để đo nồng độ cồn thì hầu hết họ đều chấp hành. Nhưng đến trường hợp của ông T.V.Đ. (trú P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu) thì xảy ra sự cố vì ông Đ. cố đi theo đồng chí CSGT để “xin” tha cho bằng được. Khi được hỏi, ông Đ. lý sự: “Bình thường người ta uống cả thùng bia thì không xử phạt, sao tôi uống mới có 3 chai mà đã bị dừng xe, xử lý?”. “Anh nói vậy là không đúng rồi. Dù anh có uống 1 chai, hoặc kể cả không uống, nhưng khi được yêu cầu kiểm tra thì anh phải chấp hành. Bởi việc kiểm tra là theo quy định. Nếu sau khi kiểm tra kết quả anh không có nồng độ cồn trong hơi thở theo mức quy định, chúng tôi sẽ mời anh lên xe và tiếp tục lưu thông bình thường” - một CSGT từ tốn giải thích. Tuy nhiên, ông Đ. vẫn nằng nặc “quả thật là tôi chi uống có 3 chai thôi. Không uống không được anh à, mong anh thông cảm bỏ qua cho tôi!”.

Vài phút sau, một nam thanh niên khác điều khiển xe máy hiệu Sirius cũng được tổ công tác ra hiệu lệnh dừng để kiểm tra nồng độ cồn. Vừa mở khẩu trang, nam thanh niên này mặt đã đỏ như gấc chín, kèm theo đó là mùi men bia nồng nặc. Kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở cho chỉ số 0,27miligam/lít khí thở nhưng người thanh niên này vẫn cố giải thích “em mới uống có 1 chai chứ mấy anh, không hiểu sao mà nó đỏ thế chứ!”.

Lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng kiểm tra, xử lý người sử dụng rượu, bia
khi điều khiển phương tiện giao thông.

Không say không về!

Đây có lẽ là câu chuyện khá bất hủ của nhiều “ma men”, bởi những dịp vui thì câu này lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu. Không say là không vui, không say tức là không nhiệt tình. Mà không nhiệt tình thì lần sau không “mời” nên sẽ không có chuyện để vui nữa. Cái “bài ca muôn thuở” của các “ma men” cứ lặp đi lặp lại và cũng không ít người đã phải ra đi vĩnh viễn vì vui quá mức với bạn hoặc không tự lường tửu lượng của mình mà làm khổ mình và người thân, gia đình.

Cách đây hơn 1 tháng, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra đoạn trước Siêu thị Lotte (Đà Nẵng) giữa ô-tô do một người đàn ông điều khiển và xe máy cũng do một người đàn ông khác điều khiển chở theo vợ và con nhỏ 4 tuổi. Hậu quả, cháu bé tử vong trên đường đi cấp cứu, vợ chồng người trên xe máy bị thương nặng. Điều đặc biệt là người điều khiển ô-tô có sử dụng rượu bia trước khi điều khiển xe và sau khi gây tai nạn đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Cách đây vài ngày, một vụ va quệt giữa 2 xe máy cũng xảy ra trước khu vực Tượng đài 2-9, mà nguyên nhân chính là do nam thanh niên điều khiển xe máy sau khi đã sử dụng rượu, bia. Sau khi gây tai nạn, lực lượng chức năng đến làm việc người này còn lớn tiếng đe dọa, chửi bới, buộc lòng cơ quan chức năng phải đưa về trụ sở làm việc.

Một CSGT CATP Đà Nẵng kể với tôi về câu chuyện của một nạn nhân trong vụ tai nạn nghiêm trọng mà anh trực tiếp thụ lý. Hôm đó là ngày mồng 5-5 (Tết Đoan Ngọ), anh cùng đồng đội nhận tin báo về một vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe máy và ô-tô trên tuyến đường thuộc KCN Hòa Khánh. Hậu quả ban đầu là người đi xe máy chết tại chỗ. Sau khi đến hiện trường, quan sát ban đầu cho thấy, do xe máy tông vào phía sau xe tải, khiến xe máy nát vụn và nạn nhân văng cách chiếc xe khá xa. Tại hiện trường nơi nạn nhân nằm có mùi bia nồng nặc nên suy đoán rằng anh này đã uống khá nhiều bia trước đó dẫn đến điều khiển xe chạy với tốc độ nhanh và đâm vào đuôi xe tải. Và một tình huống mà vị CSGT này không thể nghĩ đến khi cầm chiếc điện thoại của anh này lên để tìm số người thân liên hệ thì ngay trên màn hình nền được đặt dòng chữ “không say không về”.

Chẳng ai muốn tai nạn đến với mình và bản thân người viết bài này cũng nghĩ rằng nạn nhân này để dòng chữ đó trên điện thoại cho vui. Thế nhưng, trường hợp này, có lẽ vì quá say nên người này đã không thể kiểm soát được tốc độ, tay lái của mình.

Một vụ tai nạn nghiêm trọng sau khi sử dụng rượu, bia khiến một người chết.

Tan nát gia đình

Không chỉ là TNGT, những vụ việc mâu thuẫn trong khi sử dụng rượu, bia cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Cho đến bây giờ, Đ.T.N.P. (1964, trú P. Nam Dương, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đang chấp hành bản án 6 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người mà nạn nhân chính là chồng của P. Câu chuyện đau lòng trên xảy ra cách đây đã hơn 1 năm, nhưng nó vẫn là bài học cho nhiều người về sự thiếu kiềm chế cộng với men rượu, bia đã dẫn đến kết cục bi thảm.

Số là vợ chồng P. có với nhau 3 mặt con và dù các con đã lớn nhưng kinh tế gia đình khó khăn do cả vợ lẫn chồng đều không có việc làm ổn định. Cuộc sống đã khó khăn, lại thêm khoản hay bia, rượu nên lúc nào cũng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vào một ngày tháng 8-2013, khi đi làm về thì P. ra quán uống mấy chai bia “giải sầu” nên lúc về nhà thì bị chồng càu nhàu, lấy gậy gỗ đánh vào đầu P. gây chảy máu. Là phái yếu, nhưng trước sự thô bạo của chồng cộng với “ma men” dẫn lối, P. quay lại giằng co, chống cự và xô xát với chồng. Trong quá trình xô xát, chồng P. bị thương và chết vài ngày sau đó. Tôi được chứng kiến quá trình cơ quan CA bắt và khi tòa xét xử, lần nào P. cũng rơi nước mắt và tỏ ra ăn năn, hối hận về hành vi của mình. Chúng tôi cũng được chứng kiến hàng trăm vụ việc gây rối, đánh nhau… khác có nguyên nhân xuất phát từ rượu, bia. Thậm chí có nhiều vụ việc các đối tượng lại dùng chính rượu, bia để làm “động lực gây án”.

Kết

Theo số liệu báo cáo của  Ủy ban ATGT Quốc gia trong năm 2014 (tính từ ngày 16-12-2013 đến 15-12-2014) toàn quốc xảy ra 25.322 vụ tai nạn, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. Theo báo cáo của Bộ CA, có tới 43% vụ TNGT đau lòng xảy ra do lái xe sử dụng rượu, bia, không làm chủ được tốc độ, hành vi... TNGT là điều không báo trước và không ai mong muốn, nhưng đề phòng thì vẫn có thể giảm được những nguy cơ tổn thất, tránh được hậu quả đau lòng.

Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tình dục. Việc sử dụng rượu, bia ở môi trường công cộng, đông người thường có xu hướng làm cho người sử dụng gia tăng lượng uống rượu, bia, dễ dẫn đến lạm dụng, say rượu, bia… gây rối TTCC, ảnh hưởng đến ANTT.

Vậy nên, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng rượu, bia là cách tốt nhất để chúng ta hạn chế những vụ tai nạn, những chuyện đau lòng  không đáng có.

P.V