Hé lộ giả thuyết mới về thủ phạm bắn hạ MH17
(Cadn.com.vn) - Một vài giả thuyết mới đây đã hé lộ những thủ phạm khiến chiếc máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines nổ tung trong hành trình bay từ Hà Lan đến Malaysia.
Ngày 17-7-2014, máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 nổ tung trên không phận Ukraine khi đang trong hành trình bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur. Tai nạn khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Sau 15 tháng điều tra, Ủy ban An toàn Hà Lan kết luận, thủ phạm bắn rơi MH17 là một tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ báo cáo cuối cùng của Hà Lan về vụ việc này. Và gần đây xuất hiện một vài giả thuyết lý giải nguyên nhân gây nên thảm kịch hàng không tồi tệ này.
Chiến đấu cơ Su-25 của Ukraine
Theo nhà báo Billy Six đến từ Đức, 7 trong số 100 nhân chứng mà ông phỏng vấn khẳng định đã thấy một chiến đấu cơ trên bầu trời vào thời điểm MH17 gặp nạn.
"Đó là vào thời điểm thu hoạch. Tôi nghe thấy tiếng nổ lớn. Tôi nhìn thấy khói đen và 2 máy bay giống như những món đồ chơi màu bạc bay theo 2 hướng khác nhau", một nhân chứng có tên Natasha Voronina cho biết. Trong lời khai với tờ báo Komsomolskaya Pravda của Nga, một "nhân chứng bí mật" từng làm việc tại căn cứ không quân Ukraine cho biết, máy bay Su-25 của Kiev đã bắn rơi MH17 và Đại úy phi công Vladislav Voloshin là người bấm nút tên lửa nhằm vào chiếc máy bay dân dụng này. Tuy nhiên, Voloshin đã phủ nhận cáo buộc này. Voloshin nói rằng, ông không thực hiện bất kỳ chuyến bay nào vào ngày hôm đó và máy bay của ông thường không mang tên lửa không đối không, chỉ mang tên lửa không đối đất.
Sau này, Bộ quốc phòng Nga khẳng định nhìn thấy 1 vệt sáng trên radar của họ và nghi ngờ đó là chiến đấu cơ Su-25 của Ukraine. Tuy nhiên, chuyên gia Nick de Larrinaga bác bỏ cáo buộc này. Nick giải thích Su-25 là máy bay quân sự được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên mặt đất như xe tăng chứ không phải để hoạt động ở độ cao và bắn hạ máy bay. Trong khi đó, MH17 gặp nạn khi đang ở độ cao 10.000m. Để chứng minh cho giả thuyết mới này, dưới sự giúp đỡ của các lực lượng không quân Nga, phóng viên Yana Erlashova của Russia Today thử nghiệm và cho thấy, Su-25 có khả năng bay lên độ cao 10.000m. Nhưng, để đạt đến độ cao này, Su-25 phải loại bỏ tất cả vũ khí và tốc độ bay lại chậm hơn so với MH17.
Phi công Vladislav Voloshin bị cáo buộc bắn hạ MH17, nhưng ông bác bỏ. |
Siêu phản lực Mig-29
4 tháng sau vụ tai nạn, đài truyền hình nổi tiếng nhất của Nga, Channel One, phát sóng một bức ảnh vệ tinh đáng kinh ngạc cho thấy, một máy bay phản lực siêu âm - được cho là Mig-29 của không quân Ukraine - là thủ phạm bắn tên lửa vào MH17. Nhưng không lâu sau đó, những hình ảnh này bị tố cáo là giả mạo.
Eliot Higgins, người thành lập trang mạng điều tra trực tuyến Bellingcat, tiết lộ, đó là những bức ảnh giả mạo và được lấy từ nhiều trang mạng khác nhau. Máy bay bị tình nghi Mig-29 trông giống chiến đấu cơ Su-27 được sản xuất từ cùng Cty của Su-25. Trong khi đó, MH17 trên vệ tinh ở sai vị trí thật của nó.
Tên lửa đất đối không của Ukraine
Almaz-Antey, nhà sản xuất tên lửa Buk của Nga, đưa ra giả thuyết chính tên lửa đất đối không của Ukraine đã bắn hạ MH17.
Theo Cty hình ảnh vệ tinh Mỹ Digital Globe, quan sát những cái "hố" bên cạnh mảnh vỡ của MH17 trên mặt đất cho thấy, tên lửa Buk phiên bản cũ gây ra. Phiên bản này không còn được sử dụng ở Nga nữa nhưng hiện vẫn đang được quân đội Ukraine sử dụng.
Gần 2 năm sau thảm họa MH17, thủ phạm cũng như động cơ của vụ bắn rơi máy bay này vẫn là một bí ẩn khi các bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau.
Tuệ Khanh
(Theo BBC)