Hệ lụy khôn lường từ việc vay tiền “nóng” để lo Tết
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dư luận tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) không khỏi xôn xao khi một cán bộ lãnh đạo của huyện này bị “bêu tên thị chúng” trên mạng xã hội để đòi nợ. Ngay sau đó, cơ quan chức năng huyện Tu Mơ Rông đã xác minh làm rõ sự việc không hề liên quan gì đến cá nhân cán bộ này. Cụ thể, cán bộ lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông bị “tai bay vạ gió” khi bị các đối tượng cho vay tiền trực tuyến qua App (ứng dụng) cắt ghép hình ảnh cá nhân, đưa thông tin lên mạng xã hội nhằm tạo sức ép để đòi nợ một cán bộ cấp xã.
Công an TP Quảng Ngãi làm việc với đối tượng đòi nợ thuê Võ Hoàng Tiển.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây, ông N. (cán bộ xã Đăk Hà, H. Tu Mơ Rông) có vay 3 triệu đồng qua App. Một thời gian sau, ông N. lỡ tay xóa app và do không có ai nhắc, đòi tiền nên ông N. quên số tiền đã vay. Bẵng đi một thời gian, đến gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần thì ông N. liên tiếp nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn đe dọa buộc trả tiền. Không chỉ đe dọa ông N., đối tượng đòi nợ còn nhắn tin đến một cán bộ lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông, đồng thời, cắt ghép thông tin, hình ảnh của cán bộ lãnh đạo huyện này đăng tải lên mạng xã hội để bôi nhọ và gây sức ép buộc ông N. trả khoản tiền đã vay.
Chuyện người vay tiền qua App không kịp trả nợ bị các đối tượng đòi nợ thuê đe dọa, thậm chí lôi cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền để bêu rếu không phải là mới. Đơn cử như trường hợp gia đình chị N.T.T. (trú xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, Kon Tum) là một ví dụ khác khi vay tiền trên mạng mà lãi mẹ đẻ lãi con đến mức chóng mặt.
Theo đó, dịp Tết Nguyên đán năm 2021, chị T. lên mạng gặp quảng cáo cho vay không lãi suất của app có tên là H5. Sau khi chị T. click vào đường link thì được yêu cầu xác nhận cho phép truy cập vào danh bạ, zalo, facebook. Sau khi đồng ý và vài bước thủ tục đơn giản, chị T. quyết định vay 1,5 triệu đồng. Nhưng sau đó, chị T. chỉ nhận được 900.000 đồng vào tài khoản ngân hàng của cá nhân. Khoảng một tuần sau, chị T. nhận được điện thoại của nhiều đối tượng khác nhau gọi đòi tiền. Lúc này, chị T. cũng không có đủ số tiền để trả thì cùng lúc đó, nhiều App cho vay tiền khác cũng mời chào cho chị vay để trả cho App H5.
Cũng như App ban đầu, chị T. đăng ký vay 1,5 triệu đồng nhưng chị cũng chỉ nhận được 900.000 đồng, số tiền 600.000 đồng còn lại thì đối tượng đã trừ vào chi phí môi giới. Cứ như vậy sau khoảng 2 tháng, chị T. đã vay ở 16 App với tổng số tiền lên khoảng 60 triệu đồng. Từ đó, chị T. liên tục bị điện thoại đòi nợ và hù dọa làm chị không dám nghe. Các đối tượng chuyển sang gọi điện cho chồng chị, người thân, thậm chí còn dùng hình ảnh con trai của vợ chồng chị T. dán lên cáo phó để gây sức ép.
Thời điểm Tết Nguyên đán, mỗi gia đình đều có nhu cầu chi tiêu rất lớn, mua sắm, trả các khoản nợ nần từ trước nên hầu như ai cũng cần tiền nhiều hơn so với ngày thường. Đánh vào tâm lý cần tiền nhanh và nhu cầu chi tiêu trước Tết, cùng sự thiếu hiểu biết của người dân, hình thức cho vay nóng hoặc vay qua App đã “giăng bẫy” được nhiều người dân. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua, các đối tượng cho vay “nóng” cho vay qua App cũng đã lôi kéo hàng chục trường hợp vướng vào nợ nần “tín dụng đen”.
Đại úy Phan Thanh Vĩ, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về TTXH- Công an TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, ngoài các khoản thu lãi bất chính, các đối tượng cho vay nặng lãi còn đặt ra các khoản phí như phí mỗi lần vay là 500 nghìn đồng, phí mỗi lần đi thu lãi là 500 nghìn đồng... Đồng thời, câu kết với các đối tượng hình sự để tìm người có nhu cầu vay hoặc sẵn sàng đe dọa, khủng bố tinh thần người vay khi trả lãi chậm hoặc không có khả năng trả nợ... Điều này gây phát sinh nhiều loại tội phạm khác, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.
Một lãnh đạo huyện bị đối tượng cắt dán hình ảnh lên mạng.
Mới đây, khoảng 20 giờ 30 ngày 18-1-2022, đối tượng Võ Hoàng Tiển (36 tuổi, trú xã Sơn Linh, H. Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã dùng vải cột chân tay, dùng dao và súng giả uy hiếp, khống chế chị L.T.T (trú xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi), ngay tại cầu Trà Khúc I (TP Quảng Ngãi) để đòi nợ. Theo lời khai ban đầu, chị T. có vay tiền của người khác với lãi suất 150%/tháng. Khi chị T. hết khả năng chi trả, chủ nợ đã thuê Tiển đòi nợ và dẫn đến những hành động trên.
Trước đó, ngày 6-1-2022, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Quảng Ngãi, đã phát hiện đối tượng Nguyễn Đình Đức (30 tuổi, trú xã Bình Dương, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) và bà T.T.K.H (trú xã Nghĩa Trung, H. Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), giao dịch có dấu hiệu của việc cho vay nặng lãi. Qua làm việc, lực lượng Công an xác định ông Đức cho bà H. vay số tiền 40 triệu đồng, với lãi suất thỏa thuận 1%/ngày và đã thu của bà H. trên 92 triệu đồng tiền lãi. Đối tượng Đức còn cho P.T.A.L (trú P. Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi), vay 60 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận 1%/ngày và đã thu lãi bất chính hơn 10 triệu đồng. Đến khi bà L. không có khả năng trả lãi, Đức nhiều lần gọi điện, nhắn tin và cho người đến nhà đe dọa.
Qua những vụ việc nêu trên cho thấy hệ lụy từ việc vay qua app rất khó lường, bởi nếu chậm trả, hoặc trả chưa đủ số tiền vay, người vay và cả những người thân, bạn bè, thậm chí cả lãnh đạo đơn vị người vay cũng bị vạ lây bằng hàng loạt các tin nhắn, việc làm bôi nhọ. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên cân nhắc các khoản chi tiêu, hết sức tiết kiệm để tránh tình trạng vay nóng, vay qua App lãi suất rất cao, khó có khả năng chi trả, cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khó khăn theo kiểu vay này.
K.T- Q.NG